Học sinh nông thôn thiếu thiết bị học trực tuyến

02/04/2020 10:05

Do học sinh phải nghỉ học kéo dài phòng chống dịch Covid-19, các trường học của tỉnh đã và đang tích cực triển khai dạy học trực tuyến cho học sinh.

Hiện nay, chưa nhiều học sinh của Trường Tiểu học Thượng Vũ (Kim Thành) tham gia học trực tuyến do thiếu trang thiết bị

Tuy nhiên, đối với đông đảo học sinh ở vùng nông thôn, việc học trực tuyến gặp rất nhiều khó khăn.

Nhiều nhà không máy tính, không smartphone

Để dạy học trực tuyến, người dạy và người học phải có kết nối internet, máy vi tính hoặc máy tính bảng, điện thoại thông minh bảo đảm yêu cầu. Với học sinh ở nông thôn, không phải gia đình nào cũng có những điều kiện trên để học tập.

Trường Tiểu học Thượng Vũ (Kim Thành) đã tổ chức dạy học trực tuyến các môn văn hóa cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 vài ngày nay. Tất cả giáo viên đã có máy vi tính, điện thoại thông minh, sử dụng tương đối thành thạo các phần mềm dạy học. Khó khăn nhất cho việc dạy học chủ yếu từ phía học sinh. Các buổi dạy học được phụ huynh, học sinh hào hứng đón nhận nhưng thực tế số lượng học sinh tham gia mỗi buổi học không nhiều. Có buổi lớp đông nhất 15 em, có hôm chỉ được 2 em, trong khi cả lớp có từ 30-35 học sinh. Cô giáo Bùi Thị Hương Huyền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Phần lớn học sinh thiếu phương tiện học tập. Tuy hầu hết phụ huynh đều có điện thoại thông minh nhưng do chỉ có một cái nên ban ngày đi làm công ty hoặc công việc khác phải cầm đi. Học sinh tiểu học còn nhỏ, khi học cần có phụ huynh ngồi cùng kèm cặp, hỗ trợ nên chủ yếu học buổi tối. Nhiều phụ huynh đi làm cả ngày, tối về mệt mỏi và bận việc gia đình nên khó ngồi học cùng con". Đấy là chưa kể nhiều phụ huynh không am hiểu công nghệ nên không thể hỗ trợ con cái học tập.

Nhiều học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, phụ huynh không có điện thoại thông minh để dùng nên các em cũng không có cơ hội mượn học. Như em N.V.K. học lớp 9A, Trường THCS Nguyễn Huệ (Cẩm Giàng) hoàn cảnh khó khăn, không có điện thoại thông minh để học trực tuyến cùng lớp. Sau đó, em phải mượn điện thoại của người cậu để học.

Hiện nay không phải gia đình nào cũng có đường truyền internet để học sinh sử dụng. Còn nếu sử dụng mạng 3G, 4G, thời gian dùng học tập kéo dài từ 45 phút trở lên/buổi học thì kinh phí phải chi trả khá lớn, lại thêm nhiều gia đình không thể đáp ứng. Em Bùi Thị Phương, học lớp 12G, Trường THPT Thanh Miện II cho biết: "Do nhà em chưa có internet nên các buổi học em phải dùng mạng 4G. Mặc dù biết sẽ tốn kém nhưng chưa biết làm thế nào".

Việc khó nhất hiện nay là tinh thần, ý thức học tập của học sinh. Theo nhiều giáo viên, dạy trực tuyến rất khó kiểm soát học sinh nếu các em không tự giác, thiếu nghiêm túc. Nhiều em chỉ vào điểm danh nhưng không ghi chép, không làm bài tập, bài kiểm tra giáo viên giao mà chờ bạn khác làm rồi chép lại, vừa học vừa làm việc riêng. Học sinh nhỏ chưa chú ý nghe giảng mà thường nghịch điện thoại, máy vi tính.

Ngoài ra, nhiều địa phương còn xảy ra tình trạng mất điện ảnh hưởng đến việc học liên tục của học sinh. Phần mềm dạy học hiện nay chưa đáp ứng tốt yêu cầu dạy học. Vào thời gian các em học buổi tối, số lượng truy cập lớn nên mạng hay bị nghẽn. Nhiều phụ huynh, học sinh không biết cách cài đặt phần mềm học tập. Từ những lý do trên nên nhiều trường tổ chức dạy học trực tuyến nhưng hiệu quả chưa cao, số lượng học sinh tham gia thấp.

Hỗ trợ thầy và trò

Để khắc phục những khó khăn trên, ngành giáo dục cần sớm có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể nội dung, chương trình giúp các trường, giáo viên chủ động lên kế hoạch dạy học. Tìm hiểu, đánh giá và thống nhất trong việc lựa chọn phần mềm dạy học để tạo sự đồng bộ trong các cơ sở giáo dục; cung cấp thêm trang thiết bị dạy học trực tuyến cho các trường. Do điều kiện trang thiết bị học của học sinh còn hạn chế nên nội dung, chương trình dạy học cần ngắn gọn, dễ hiểu, tập trung vào những môn cơ bản, môn thi vào lớp 10, thi THPT quốc gia. Các giáo viên tích cực thực hiện cùng lúc nhiều hình thức dạy học khác để phù hợp hơn với điều kiện của học sinh.

 Thầy giáo Hứa Tiến Nam, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Miện II đề nghị các nhà mạng hỗ trợ lắp đặt miễn phí đường truyền internet cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Hệ thống đường truyền cần được nâng cấp để đáp ứng tốt hơn nhu cầu dạy học, nhất là vào buổi tối. Các đơn vị cung cấp cần khẩn trương nâng cấp, hoàn thiện phần mềm dạy học để đáp ứng tốt hơn cho việc dạy học.

Cùng với đó, phụ huynh cần quan tâm đến việc học của con bằng cách tạo điều kiện về trang thiết bị, giám sát và học cùng con. Đối với những học sinh thiếu trang thiết bị học tập, người thân, hàng xóm có thể cho các cháu mượn trong thời gian học, nhất là với những em ở lớp 9, lớp 12.

DANH TRUNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học sinh nông thôn thiếu thiết bị học trực tuyến