Học tốt khối thi này nhưng muốn vào ngành xét tuyển khối khác, phải làm sao?

29/11/2020 15:29

Nhiều học sinh bày tỏ mong muốn làm việc trong các ngành nghề cụ thể nhưng bối rối vì dù đã xác định rõ đam mê của mình nhưng năng lực học tập lại không đáp ứng được.

Học tốt khối thi này nhưng muốn vào ngành xét tuyển khối khác, phải làm sao? - Ảnh 1.

Học sinh dự chương trình tư vấn tại Trường THPT Lý Thường Kiệt sáng 29.11 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Hơn 3.000 học sinh có mặt tại chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2021 tại thị xã La Gi, Bình Thuận sáng 29.11 nêu rất nhiều thắc liên quan đến việc xác định năng lực bản thân, lựa chọn ngành học thế nào…

Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và Tỉnh đoàn Bình Thuận tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.

Học tốt khối thi này nhưng muốn vào ngành xét tuyển khối khác, phải làm sao? - Ảnh 2.

Gian tư vấn của các trường trong buổi tư vấn sáng nay thu hút sự quan tâm đông đảo của các học sinh - Ảnh: DUYÊN PHAN

Cần xác định thế mạnh ở các tổ hợp xét tuyển

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại hoc (ĐH) Nông lâm TP Hồ Chí Minh cho biết do kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được tổ chức theo hướng giữ ổn định như năm 2020, nên cách thức thi, các môn thi không thay đổi.

Riêng về đề thi, thầy Hùng cho hay Bộ GDĐT cũng có những định hướng ban đầu để các trường phổ thông tổ chức giảng dạy hiệu quả cho học sinh. Nội dung thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12. Ngân hàng câu hỏi được bổ sung về số lượng và bảo đảm chất lượng, khách quan, độ cân bằng giữa các đề thi và đề thi sẽ có sự phân hóa làm cơ sở để các trường xét tuyển.

Liên quan tới tuyển sinh đại học, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng lưu ý hiện nay có nhiều phương thức xét tuyển nên học sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin các trường công bố để đăng ký xét tuyển phù hợp, tăng cơ hội trúng tuyển.

"Tất cả các trường đều xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT. Với phương thức này, có rất nhiều tổ hợp môn xét tuyển nên các em cần xem mình có thế mạnh ở tổ hợp nào, từ đó chọn đăng ký xét tuyển theo các tổ hợp đó thì cơ hội trúng tuyển sẽ cao hơn", thầy Hùng tư vấn.

Một lĩnh vực nghề nghiệp cần nhân lực nhiều ngành

Học tốt khối thi này nhưng muốn vào ngành xét tuyển khối khác, phải làm sao? - Ảnh 3.

Các em học sinh hào hứng với chương trình - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trong buổi tư vấn sáng nay, rất nhiều học sinh bày tỏ mong muốn làm việc trong các lĩnh vực ngành nghề cụ thể. Không ít bạn cho biết đã xác định rõ đam mê và tố chất của mình nhưng năng lực học tập lại không đáp ứng được.

Chia sẻ với các học sinh thắc mắc về việc học tốt khối thi này nhưng lại mong muốn được vào ngành xét tuyển khối thi khác, PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), nêu câu chuyện chọn ngành của con ông.

"Con tôi học giỏi môn sử, địa, nhưng tôi định hướng con tập trung học khối A (toán, lý, hóa) và hiện con tôi đang học ngành làm phim. Ở bậc phổ thông, nếu các em chọn cách học rộng, biết nhiều, học tốt nhiều môn, khi vào đại học sẽ có sự lựa chọn dễ dàng hơn.

Nhiều thầy cô trong ban tư vấn cũng nhận định hiện nay rất nhiều học sinh nghĩ rằng muốn làm việc trong một lĩnh vực nào đó thì phải chọn học ngành đó. Ví dụ, nhiều em thích làm việc trong ngân hàng thì nghĩ rằng phải học ngành tài chính - ngân hàng. Tuy nhiên, hiểu như vậy là không chính xác vì một lĩnh vực nghề nghiệp cần nhân lực của nhiều ngành khác nhau.

ThS Phùng Quán, Trưởng Phòng Thông tin - Truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), nêu ví dụ: "Hiện nay, trong lĩnh vực ngân hàng, các bạn học ngành toán học của trường chúng tôi cũng có thể làm chuyên viên phát triển hệ thống tiền tệ. Các nhân viên kiểm định đá quý, kim cương, vàng trong các ngân hàng… chắc chắn không phải học ngân hàng mà đó là những người học ngành địa chất, hóa học".

Cũng theo thầy Phùng Quán, hiện nay ở Việt Nam có khoảng 240 trường đại học với 367 ngành đào tạo, trong khi có hơn 3.000 nghề khác nhau. "Như vậy có thể thấy số ngành rất ít mà số nghề rất nhiều. Điều quan trọng nhất là các em cần biết mình phù hợp với công việc nào, muốn làm gì và nên chọn những ngành học mình có thế mạnh và yêu thích", thầy Quán khuyên.

Tương tự, ThS Nguyễn Hải Trường An, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), cũng nhắn nhủ các bạn trẻ rằng: "Tất cả ngành học các trường đang đào tạo xã hội đều có nhu cầu nhân lực. Do vậy, các bạn tự tin lựa chọn ngành học theo đam mê của mình, không nên chọn ngành theo quyết định của người khác".

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Học tốt khối thi này nhưng muốn vào ngành xét tuyển khối khác, phải làm sao?