Kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học: Cùng thay đổi

22/09/2020 09:07

Để học sinh có học lực trung bình, yếu có cơ hội thể hiện mặt mạnh như viết chữ đẹp, môn học năng khiếu, phong trào… đòi hỏi giáo viên có quá trình theo sát học trò.


Giờ học Mỹ thuật ngoài trời của Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng)

Khen đúng và cụ thể

Sau 6 năm ngành Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) thực hiện đánh giá học sinh (HS) tiểu học bằng nhận xét thay vì điểm số, kết quả cho thấy giảm áp lực từ cả phụ huynh và HS. Đánh giá, nhận xét HS, bằng lời hay bằng chữ viết, là một hoạt động hằng ngày của giáo viên (GV). Từ những nhận xét này, GV sẽ có kế hoạch cho những bài giảng tiếp theo. 

Cô Trần Thị Kim Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết: “GV phải nhận xét, đánh giá trên mặt tiến bộ hoặc hạn chế của HS. Nếu HS hoàn thành bài tốt, không có lỗi phải sửa mà cô giáo cứ đều đặn khen thì lời nhận xét sẽ nhàm chán. Nhận xét bằng lời cũng là một hình thức đánh giá của GV. Chẳng hạn trong hai tháng, em A chỉ có một lời nhận xét trong vở, nhưng chất lượng bài làm cũng như chữ viết của HS vẫn ổn định, không bị sụt giảm, tức là GV đã có sự ghi nhớ về năng lực các em”.

Vì vậy, theo cô Kim Bình, để có nhận xét, đánh giá HS được chính xác, mỗi GV cần phải ghi chép vào nhật ký, sổ tay để lưu lại quá trình đó. Điều này, ngoài năng lực truyền thụ kiến thức, GV còn phải có cả năng lực quan sát, đánh giá mới có thể thích ứng với mục tiêu dạy học theo hướng phát triển năng lực người học.

Với cách đánh giá bằng nhận xét, phụ huynh còn nhận được sự hỗ trợ rất nhiều trong việc phát hiện ra những “lỗ hổng” của con: Với bài HS làm sai, sẽ được GV nhận xét, chỉ ra cách khắc phục và yêu cầu làm lại, có kiểm tra sau đó. Chính sự ghi chú cẩn thận của GV sẽ giúp cho phụ huynh biết con “hổng” ở đoạn nào để bổ túc kịp thời. 

Chị Nguyễn Thị Hải Phước (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) chia sẻ: Từ khi bỏ chấm điểm, việc hướng dẫn con học bài ở nhà có nhẹ nhàng hơn vì chính phụ huynh cũng được gỡ bỏ tâm lý áp lực về điểm số.

Không biết các phụ huynh khác thì thế nào, riêng tôi, khi xem vở, bài kiểm tra của con, đều phải đọc kỹ nhận xét của GV cũng như phần bài làm để có thể hướng dẫn con học bài. Môn toán thì không khó khăn lắm, vì đã có con số, kết quả cụ thể, bài nào sai, cô giáo sửa trực tiếp cho; nhưng các môn như tập làm văn, tiếng Việt, luyện câu, từ… phụ huynh phải thật chú ý”. Chị Phước cho ví dụ: “Bài tập làm văn của con, cô giáo nhận xét: “Em viết bài đủ ý, cần phát huy; chú ý hơn về diễn đạt”. Mình đọc lại bài làm thì thấy cháu diễn đạt rất lủng củng. Nếu phụ huynh không hướng dẫn con làm lại bài, cháu sẽ không biết cách để sửa lỗi”. 

Không vì phụ huynh để khen

Phụ huynh đã quen với việc bỏ chấm điểm, không còn áp lực điểm số nữa nhưng lại chuyển qua một thái cực khác. Thay cho câu hỏi hôm nay con có được điểm 10 không thì hỏi hôm nay cô có khen con không, khen nội dung gì? Chính vì vậy, cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho hay: “GV cần nhận xét đúng thực tế, nên dùng những lời khen phù hợp và cần khuyến khích HS trên quan điểm công bằng và khách quan”. 

Trong sinh hoạt tổ chuyên môn, Trường Tiểu học Núi Thành đã quán triệt đến từng GV cần phải dùng ngôn ngữ khen, chê chuẩn mực. Ví dụ như khi HS phát biểu không đúng, GV không nên nhận xét “em sai rồi” mà có những hình thức diễn đạt phù hợp để HS không bị mặc cảm nhưng vẫn nhận ra được những lỗ hổng kiến thức của mình. Vốn từ của GV khi khen HS cũng là một vấn đề được đặt ra để các em không bị “nhờn” trước những lời biểu dương. Và nhất thiết, việc nhận xét là để động viên, khuyến khích HS chứ không phải là vì phụ huynh. GV cũng phải có hình thức phù hợp để phụ huynh cùng tham gia đánh giá, nhận xét HS một cách khách quan, trung thực. 

Dạy học theo hướng phân hóa

Học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng)

Năm học 2019 – 2020, Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (TP Đà Nẵng) có 17 HS trong câu lạc bộ (CLB) đặc biệt dành cho những HS khó khăn về học tập. Kết thúc năm học, có 4 em phải thi lại trong hè, trong đó có 1 HS được lên lớp và 3 HS phải ở lại lớp. Nhà trường dành riêng một phòng cho CLB đặc biệt sinh hoạt với phương tiện, đồ dùng học tập cũng đặc biệt. 

“Nếu để HS này tham gia đầy đủ 10 buổi học chung với các bạn, lượng kiến thức các em tiếp nhận được cũng không thay đổi được bao nhiêu, chưa kể là sẽ khiến cho các em cảm thấy căng thẳng, áp lực. Trong khi đó, những kỹ năng khác các em cũng thiếu hụt nhiều nên nhà trường dành 3 buổi học tại CLB nhằm giúp HS học hòa nhập đúng với khả năng mà mình có và có điều kiện để tham gia giáo dục cá nhân phù hợp”, cô Kim Bình chia sẻ.

Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (TP Đà Nẵng) trong năm học 2019– 2020 cũng có 39 HS có “hồ sơ hỗ trợ đặc biệt”. Nhà trường tự xây dựng hồ sơ theo dõi những HS “gặp khó khăn về học” với ý nghĩa theo dõi sự phát triển của HS để có những hỗ trợ, điều chỉnh cần thiết trong quá trình dạy học của GV như, giảm yêu cầu ở mức phù hợp với khả năng tiếp nhận của HS. Theo thầy Nguyễn Thái Phong, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, đây là sự linh động của nhà trường, theo kiểu HS đáp ứng được chừng nào thì hay chừng đấy. 

Dạy học phân hóa là xu hướng giáo dục tiến bộ và cũng là cách để các trường học thực hiện nội dung phụ đạo cho HS khó khăn về học, HS khuyết tật học hòa nhập và công tác bồi dưỡng HS năng khiếu. Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GDĐT Đà Nẵng cho biết, đón đầu Chương trình sách giáo khoa mới, tùy theo điều kiện thực tế tại các đơn vị trường học, Đà Nẵng đã chủ động triển khai tổ chức dạy học phân hóa ở tiểu học. Với gần 100% các trường tiểu học đều học 2 buổi/ngày, việc tổ chức các nội dung và hình thức dạy học phân hóa ngoài không bị ràng buộc bởi thời khóa biểu, tính chất bài học cũng là một điều kiện thuận lợi cho việc dạy học phân hóa. 

Theo Giáo dục và Thời đại

(0) Bình luận
Kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học: Cùng thay đổi