Ký ức dựng trường

20/11/2020 15:45

Trải qua bao năm tháng, đến nay ký ức xây dựng trường học vẫn vẹn nguyên trong tâm trí nhiều cán bộ từng là lãnh đạo một số nhà trường.


Lớp học đầu tiên của Trường Phổ thông cơ sở Cẩm Giàng (cũ). Ảnh tư liệu

Dựng trường từ "con số 0"

Thầy Lương Văn Đĩnh, Hiệu trưởng đầu tiên của Trường THCS Cẩm Giàng (cũ) năm nay đã 85 tuổi. Thầy vẫn nhớ như in những tháng ngày vất vả xây dựng trường từ "con số 0" tròn trĩnh.

Thầy Đĩnh được Ty Giáo dục (nay là Sở Giáo dục và Đào tạo) điều về huyện Cẩm Giàng năm 1959 với danh sách hơn 100 học sinh thuộc thị trấn Cẩm Giàng (nay là thị trấn Cẩm Giang) và 5 xã Kim Giang (cũ), Ngọc Liên, Lương Điền, Cẩm Hưng, Thạch Lỗi. Lúc bấy giờ thị trấn Cẩm Giàng còn khó khăn, phải kiên trì thuyết phục, lãnh đạo địa phương mới bố trí cho thầy chỗ ăn, ngủ để chuẩn bị dạy học.

Khi hơn 100 học sinh và phụ huynh tập hợp đầy đủ, thầy Đĩnh đã bàn bạc với các phụ huynh góp tiền đóng bàn ghế cho các con đi học. Thấy sự quyết tâm kêu gọi học sinh của thầy, lãnh đạo UBND thị trấn Cẩm Giàng đã bố trí lớp học tại một ngôi nhà hai tầng bỏ trống do chủ cũ vào miền Nam sinh sống. Ngôi nhà quá nhỏ, thầy Đĩnh đề nghị đổi ngôi nhà hai tầng này với ngôi nhà mái lợp tranh, tường đất nhưng rộng rãi của đội thuế khu vực. Có cơ sở, có học trò, thầy đã dạy những tiết học đầu tiên ở ngôi nhà tranh vách đất ấy, thành lập nên Trường Phổ thông cơ sở Cẩm Giàng với 2 lớp 5, hơn 100 học sinh. Lúc đầu, học sinh phải ngồi đất, sau đó những bộ bàn ghế đầu tiên chuyển đến lớp được nhường cho các học trò gầy nhỏ, khoảng hơn 1 tháng sau thì thầy, trò đều được ngồi học trên bàn, ghế đóng bằng gỗ nhãn.

Đến năm thứ hai, nhà trường thu hút thêm nhiều học sinh, cơ sở cũ không đủ đáp ứng nhu cầu, thầy tiếp tục đề nghị UBND huyện Cẩm Giàng xây dựng trường mới.

Được sự chỉ đạo của UBND huyện, 6 xã, thị trấn có học sinh theo học tại trường đã góp tiền để xây dựng cơ sở mới tại xã Kim Giang bằng gạch, lợp mái tranh. 

Đến hết năm học thứ hai, trường mới được xây dựng xong với 6 lớp học, số giáo viên tăng thành gần 20 người. Từ những viên gạch đầu tiên này, ngôi trường đã có cơ sở khang trang, là một trong những trường phổ thông cơ sở đầu tiên của huyện Cẩm Giàng.

Xây dựng mô hình giáo dục mới


Các thầy, cô giáo đầu tiên của Trường Phổ thông cơ sở Cẩm Giàng (cũ) họp mặt 

Không chỉ xây nên những ngôi trường đầu tiên, những nhà giáo còn góp công sức không nhỏ trong việc xây dựng các mô hình giáo dục mới. Nhà giáo Doãn Đình Thường, 67 tuổi, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Gia Lộc II là một người như thế.

Năm 2000, Trường THPT bán công Gia Lộc được thành lập. Thầy Thường khi ấy đang là giáo viên Trường THPT Gia Lộc được cử làm Phó Hiệu trưởng. Để cải tạo cơ sở vật chất, thầy Phạm Sĩ Bỉnh, Hiệu trưởng nhà trường lúc đó và thầy Thường đã kêu gọi và cùng với học sinh cải tạo khuôn viên nhà trường bằng cách đập vụn gạch vỡ từ móng nhà kho cũ để làm sân, làm đường đi, san lấp ao, dọn rác...

Một trong những khó khăn nhất của Ban Giám hiệu nhà trường lúc đó là thay đổi suy nghĩ của phụ huynh và học sinh về mô hình học tập.  "Người dân vẫn nói đây là trường bổ túc, chất lượng kém, vì vậy ngoài việc cải thiện cơ sở vật chất, chúng tôi phải nỗ lực nâng cao chất lượng để thay đổi nhận thức của người dân", thầy Thường chia sẻ.

Năm 2005, thầy Thường được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng. Thầy cho biết: "Theo tôi cách thức quan trọng nhất để thay đổi nhận thức của người dân và phụ huynh là tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, có như vậy phụ huynh và người dân mới tin tưởng vào mô hình giáo dục mới".

Để thực hiện được mục tiêu này, thầy Thường đã chỉ đạo các giáo viên thực hiện nghiêm túc chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tăng số giáo viên cơ hữu, chỉ ký hợp đồng với các giáo viên có chuyên môn giỏi và có trách nhiệm. Nhà trường duy trì nghiêm kỷ luật, tổ chức đội tuyển tham gia tất cả các kỳ thi học sinh giỏi. Vì vậy chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao, từ 5 lớp đầu tiên năm học 2000-2001, có thời kỳ nhà trường đã có 44 lớp học với gần 2.500 học sinh, lượng giáo viên cơ hữu và giáo viên hợp đồng tăng cao, chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn mỗi năm một tăng.

Kỳ thi học sinh giỏi các năm nhà trường đều có học sinh đoạt giải. Với nỗ lực xây dựng và phát triển nhà trường, thầy Thường đã nhiều lần được UBND huyện, UBND tỉnh khen thưởng.

Với tâm huyết, lòng yêu trẻ, yêu nghề, các nhà giáo đã trải qua muôn vàn khó khăn, góp phần tạo nên hệ thống giáo dục tỉnh Đông nhiều thành tích.

VIỆT QUỲNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ký ức dựng trường