Lớp học miễn phí của vợ chồng giáo viên phố núi

21/10/2019 14:09

Học ngành sư phạm nhưng không xin được việc, chị Mlê cùng chồng thay phiên nhau dạy toán, văn miễn phí cho trẻ em dân tộc Ba Na suốt 3 năm qua.

12 giờ 30, một vài đứa trẻ cầm trên tay cuốn sách và ngòi bút hướng về cuối làng Wâu. Chúng rẽ vào căn nhà cấp bốn của gia đình chị Mlê (27 tuổi, xã Chư Á, TP Pleiku) bật tivi xem. Số khác đến góc phòng lấy vài quyển sách trên giá, lẩm nhẩm đọc.

Gian phòng rộng khoảng 30 m2 có sẵn bàn ghế nhựa, đủ chỗ cho gần 50 em ngồi học. Chủ nhà còn gắn tivi trên tường để cho lũ trẻ xem ngoài giờ dạy. Dù đang bị cảm, chiều 15.9, chị Mlê vẫn không chịu nghỉ buổi dạy. Đúng 13 giờ, chị Mlê bước ra ngồi cạnh học trò của mình, say sưa giảng bài.

Những đứa trẻ sau buổi học chính khóa lại tìm đến nhờ cô Mlê giảng thêm. Ảnh: Trần Hóa.

Những đứa trẻ sau buổi học chính khóa lại tìm đến nhờ cô Mlê giảng thêm. Ảnh: Trần Hóa

Năm 2015, cô gái người Ba Na đang học ở trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai có quen với nam sinh người Xê Đăng - A Trăng (27 tuổi), học cùng trường. Một năm sau, A Trăng cưới Mlê và mở lớp dạy học miễn phí tại nhà ở làng Wâu.

Ban đầu chỉ dạy cho các em trong nhà nhưng thấy nhiều đứa trẻ trong xóm muốn học nên họ mở rộng gian phòng, mua thêm bàn ghế. Lịch học buổi sáng từ 7 giờ đến 9 giờ, buổi chiều từ 1 giờ đến 3 giờ, áp dụng cho tất cả ngày trong tuần. Vào hè, học sinh đến học nhiều nhất khoảng 50 em, cả tiểu học và trung học. 

Ba năm trước, sau giờ học chính khóa, những đứa trẻ trong làng về nhà ném cặp sách vào xó, tụ tập nhau chơi đùa dưới nắng hoặc theo bố mẹ lên rẫy. Ngày hôm sau đến lớp, hầu như không còn ai nhớ mặt chữ. "Có nhiều em lớp 4 vẫn chưa biết đọc, viết", chị Mlê nhớ lại.

Lũ trẻ chăm chú cô giáo giảng bài. Ảnh: Trần Hóa.

Lũ trẻ chăm chú nghe cô giáo giảng bài. Ảnh: Trần Hóa

Nhưng từ có lớp dạy miễn phí, nhiều học sinh ở làng Wâu đã không còn ham chơi, chăm chỉ học tập, đọc viết thành thạo. Em H'hạ, học sinh lớp 6 rụt rè nói sau giờ học ở trường, cái gì không hiểu em thường đến nhờ cô Mlê giảng lại. Không có bút, vở... cô đều cho. 

Phụ huynh đã biết chở con đến nhà cô Mlê nhờ dạy giúp thay vì đưa con lên nương. Thỉnh thoảng họ trả ơn cô giáo bằng bó rau hoặc nhổ cỏ giúp gia đình.

Theo anh Trăng, sau khi ra trường, hai vợ chồng đều không xin được việc nên đành ở nhà, trồng rau và thay nhau dạy học cho những đứa trẻ trong làng. Điều kiện và khả năng tiếp thu kiến thức của các em không bằng những đứa trẻ khác nên việc mở lớp dạy miễn phí là rất cần thiết.

Vợ chồng chị Mlê. Ảnh: Trần Hóa.

Vợ chồng chị Mlê. Ảnh: Trần Hóa

"Những lúc vợ có việc bận, tôi phải dạy thay, chủ yếu môn toán, văn", anh Trăng nói và cho biết anh đang chăm vườn rau rộng 7 sào (3.000 m2) kiếm thêm thu nhập. Vụ vừa rồi gia đình anh bán được 8 triệu đồng nên mua thêm quạt, sách... nhằm phục vụ việc giảng dạy. 

"Không xin được việc, hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn nhưng vợ chồng em không thấy hối hận khi chọn nghề giáo viên", anh Trăng nói.

Ông Trương Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Chư Á đánh giá việc vợ chồng anh Trăng mở lớp dạy miễn phí rất có ý nghĩa, giúp các cháu nhỏ dân tộc Ba Na nghèo tiếp thu bài học nhanh hơn. "Vợ chồng giáo viên này cũng là lao động giỏi, năng nổ ở địa phương", ông Minh cho biết.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lớp học miễn phí của vợ chồng giáo viên phố núi