"Mưa" điểm 10, giấy khen: "Bệnh" thành tích còn nặng

08/06/2019 08:34

Năm học 2018-2019 đã kết thúc, những "cơn mưa" điểm 10 và giấy khen, nhất là ở cấp tiểu học, chứng tỏ "bệnh" thành tích trong giáo dục chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

"Căn bệnh" thành thích đang âm thầm tàn phá ngành giáo dục (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Đạt điểm 10 là bình thường

Sử dụng phần mềm tra điểm thi cuối học kỳ 2 của một số trường tiểu học ở TP Hải Dương, chúng tôi thấy rất nhiều học sinh đạt điểm 9 và 10 ở 3 môn học chính là toán, tiếng Việt và ngoại ngữ. Chọn ngẫu nhiên lớp 2A, Trường Tiểu học T., chúng tôi thấy lớp này có 31 học sinh. Ở 3 môn toán, tiếng Việt, ngoại ngữ, có 21 học sinh đạt ít nhất 1 điểm 10 và 10 học sinh được điểm 10 ở cả 3 môn. Riêng môn tiếng Việt - một môn học khó giành điểm tuyệt đối vẫn có tới 19 học sinh đạt điểm 10.

Tra điểm thi cuối học kỳ 2 lớp 2A Trường Tiểu học B. (TP Hải Dương), chúng tôi cũng thấy hàng loạt điểm 9, 10. Lớp có 38 học sinh mà có 32 em đạt điểm 9, 10 ở cả 3 môn học. Điểm 7 là thấp nhất và chỉ có 2 học sinh bị điểm này. Lớp có tới 32 học sinh được khen thưởng mức học sinh xuất sắc toàn diện, 5 em được khen thưởng học sinh giỏi từng môn và chỉ 1 học sinh không có giấy khen vì điểm thấp.

Theo kết quả học tập của một số lớp ở các Trường Tiểu học N., T. (TP Hải Dương), số lượng học sinh xuất sắc thường đạt trên 80% số học sinh của lớp. Ở các lớp chọn, tỷ lệ này thường trên 95%.

Hàng loạt học sinh được nhận giấy khen là thực trạng chung, không chỉ xuất hiện ở các trường tiểu học của TP Hải Dương mà còn ở nhiều nơi khác. Tuy nhiên, ở các trường học vùng nông thôn, "căn bệnh" thành tích không nặng nề như các trường ở thành thị.

Giấy khen mất giá trị

Vì "bệnh" thành tích nên các nhà trường và thầy cô giáo dùng nhiều thủ thuật nhằm giúp học sinh đạt điểm cao. "Trước kỳ thi học kỳ, giáo viên ôn luyện rất kỹ các dạng đề thi cho học sinh. Với môn tiếng Việt, các học sinh sẽ được cô giáo cho ôn 2 bài văn mẫu, thi vào bài nào thì các em cũng đều đã học thuộc, chỉ cần chép vào là xong. Các con chỉ cần ôn tập bài kỹ, nên được 9-10 điểm là chuyện đơn giản", một giáo viên tiểu học ở TP Hải Dương cho biết.

Học sinh ngoài sức ép vì lượng kiến thức còn phải chịu thêm sức ép từ chính thầy cô giáo và phụ huynh (Ảnh minh họa)

Do đâu mà "căn bệnh" thành thích vẫn trầm trọng, chưa được khắc phục? Trước hết, do một số quy định về đánh giá kết quả giáo dục hiện nay còn bất cập, chưa phù hợp. Hiện việc khen thưởng học sinh tiểu học thực hiện theo Thông tư 22 năm 2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Học sinh được khen thưởng phải có phẩm chất, năng lực tốt, các bài kiểm tra cuối năm phải từ 9 điểm trở lên. Đây chính là căn nguyên sâu xa của "cơn mưa" điểm 9, 10.

Nhiều năm gần đây, muốn xét tuyển vào một số trường THCS chất lượng cao ở TP Hải Dương, học sinh tiểu học phải có điểm nhiều môn học, nhất là toán, tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 5 đạt từ 9 điểm trở lên. Vì thế, không ít bậc phụ huynh tìm cách để con đủ điều kiện xét tuyển. Nhiều cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên muốn nhiều học sinh đạt 9, 10 để "nâng uy tín" nhà trường và bản thân. Những thầy cô giáo muốn chấm điểm thực chất sẽ không làm được vì sợ ảnh hưởng đến thành tích chung của nhà trường. Nhiều phụ huynh còn cho con đi học thêm để mong con được điểm 9, 10. Bởi với họ, khi con được điểm cao mới yên tâm rằng đã học tốt. Không ít phụ huynh cảm thấy xấu hổ khi con không được điểm cao và không có giấy khen của con để khoe với mọi người.

Giấy khen, điểm 10 tràn lan khiến các thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh đều phấn khởi, nhưng ngược lại nó đang âm thầm tàn phá ngành giáo dục, bởi đó là thành tích ảo. Nhiều phụ huynh cảm thấy không tin tưởng vào điểm số mà con mình đạt được. Chị Trần Thị Hoa ở đường Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương) cho biết: “Những điểm 9, 10 không còn lạ với các con. Tôi nghĩ với các môn học như toán và ngoại ngữ có thể các con đạt điểm 10, nhưng riêng môn tiếng Việt mà được điểm 10 thì chúng tôi thấy nghi ngờ. Hằng ngày kèm con học ở nhà, chúng tôi biết năng lực học tập của con mình, nên khi con được điểm cao chúng tôi lại lo lắng. Thậm chí, nhiều lúc chính con chia sẻ, có những bạn ở lớp học kém hơn nhưng khi thi điểm lại cao bằng các bạn học giỏi trong lớp”. Quá nhiều điểm 10 làm cho học sinh ảo tưởng về khả năng của mình, không biết rõ mình ở trình độ nào, còn hạn chế gì để khắc phục, vươn lên. Còn các thầy cô giáo và phụ huynh học sinh cũng không có cách giáo dục phù hợp để các học sinh biết rõ ưu điểm, khắc phục hạn chế. Quá nhiều học sinh được khen thưởng thì không khác nào khen đại trà, không có sự nổi trội, học sinh được khen cũng thấy không ý nghĩa.

TÂM PHÚC

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Mưa" điểm 10, giấy khen: "Bệnh" thành tích còn nặng