Muốn thay đổi nguyện vọng xét tuyển phải làm sao?

11/07/2020 14:27

Hơn 2.500 học sinh đã có mặt trong chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2020 tại Trường Đại học Kiên Giang sáng nay 11.7.


Học sinh Ngô Như Anh, Trường THPT Gò Quao (huyện Gò Quao, Kiên Giang) đặt câu hỏi với ban tư vấn về ngành hướng dẫn viên du lịch. Ảnh: CHÍ QUỐC

Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang và Trường Đại học Kiên Giang phối hợp tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.

Một lần điều chỉnh nguyện vọng duy nhất

Dù việc đăng ký xét tuyển đã kết thúc 10 ngày qua nhưng trong buổi tư vấn sáng nay vẫn còn không ít băn khoăn của thí sinh về việc lựa chọn ngành học. 

Trao đổi với ban tư vấn, một nam sinh Trường THPT Hòn Đất bày tỏ: "Nộp hồ sơ rồi mới nhận thấy mình đăng ký tổ hợp xét tuyển không đúng thế mạnh của mình… Sau khi đăng ký xét tuyển, em có được thay đổi nguyện vọng, thêm bớt các ngành, thay đổi tổ hợp xét tuyển?"

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh cho biết sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT 2020, khoảng ngày 6.9, thí sinh sẽ được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển.

Theo đó, mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh đăng ký xét tuyển (ĐKXT) 1 lần trong thời gian quy định và chỉ được sử dụng 1 trong 2 phương thức trực tuyến hoặc bằng phiếu ĐKXT. Thí sinh phúc khảo các bài thi/môn thi sẽ điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT sau khi có kết quả phúc khảo thi THPT quốc gia.

Điều chỉnh bằng phương thức trực tuyến: thí sinh sử dụng tài khoản và mật khẩu cá nhân đã được cấp để thực hiện việc điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT. Phương thức này chỉ chấp nhận khi số lượng nguyện vọng sau khi điều chỉnh không lớn hơn số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu trong phiếu ĐKDT.

Điều chỉnh bằng phiếu ĐKXT: thí sinh được điều chỉnh tăng thêm số lượng nguyện vọng so với số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu trong phiếu ĐKDT và phải nộp bổ sung lệ phí cho số nguyện vọng tăng thêm theo quy định. 

Thí sinh phải điền đầy đủ thông tin vào phiếu ĐKXT và gửi trực tiếp về điểm thu nhận hồ sơ để cán bộ máy tính cập nhật vào cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

"Thí sinh cần ghi đúng mã trường, mã ngành/nhóm ngành, mã tổ hợp xét tuyển theo quy định của trường. Nguyện vọng nào ghi không đúng sẽ không được hệ thống phần mềm chấp nhận và bị loại", thầy Hùng lưu ý.

Đừng chọn ngành học theo… nguyện vọng của người khác

Tại buổi tư vấn này, trước hàng loạt thắc mắc của rất nhiều thí sinh về chuyện chọn ngành nghề, các chuyên gia liên tục giải đáp, chia sẻ kinh nghiệm chọn hướng đi cho tương lai.

Chia sẻ với nhóm học sinh Trường THPT Gò Quau, ThS Phùng Quán, Trưởng Phòng Thông tin, truyền thông Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) kể câu chuyện của N. một học sinh khá giỏi ở Kiên Giang trước đây.

N. thích tìm hiểu về kỹ thuật đặc biệt đồ điện tử, có thể ngồi cả buổi để "chơi" với dụng cụ gia dụng bị hư, rồi bằng mọi cách để sửa chữa. Do vậy, bạn đã sớm xác định sẽ chọn nghề điện tử, cơ điện.

Tuy nhiên, gia đình N. yêu cầu em phải thi vào đại học y dược hoặc du lịch. N. không chịu nghe lời cha mẹ và phải chịu những lời chê bai và sự thất vọng từ ba mẹ. Nói không được, cha mẹ N. nói đi học nghề đó thì tự lo lấy thân, gia đình không hỗ trợ ăn học...

Không chịu nổi sự buồn phiền của cha mẹ, chưa thể lo về tài chính, N. gác ước mơ của mình, thi đậu vào ngành quản trị du lịch lữ hành một trường đại học ở TP Hồ Chí Minh.

"Sau 4 năm học, N. cũng vượt qua các môn học để tốt nghiệp cho vừa lòng cha mẹ, sau đó N. lại đăng ký xét tuyển vào ngành điện tử và đi làm để kiếm tiền tiếp tục học ngành mình yêu thích. Do vậy, các em nên nhớ đừng đăng ký chọn ngành theo nguyện vọng của người khác", thầy Quán nhấn mạnh.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho biết thêm hiện nay nhiều trường đào tạo theo hướng liên ngành, xuyên ngành. 

"Cụ thể, về robot và trí tuệ nhân tạo, trường chúng tôi với các môn học hầu hết là sự tích hợp của nhiều lĩnh vực, không còn tình trạng đơn ngành như các ngành học khác. Đây là hướng mở cho các em yêu thích nhóm ngành công nghệ", thầy Dũng chia sẻ.

ThS Nguyễn Hải Trường An (Trường Đại học Kinh tế - luật, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), cũng cho hay nhà trường sẽ mở chuyên ngành kinh doanh số và trí tuệ nhân tạo vào chương trình đào tạo của mình.

"Khác với trí tuệ nhân tạo ở các trường đại học khác vốn thiên về kỹ thuật, chuyên ngành mới này ở trường chúng tôi sẽ được cân bằng giữa các kiến thức về quản lý thông tin, kinh doanh và trí tuệ nhân tạo. Đây là điều thuận lợi cho các bạn trong việc chọn ngành theo hướng mở", cô Trường An nói.

Muốn học tốt ngành ngôn ngữ Anh thì phải giỏi tiếng… Việt

Vấn đề được nhiều thí sinh quan tâm nhất vẫn là học ngành gì để dễ có việc làm sau khi ra trường. Thạc sĩ Nguyễn Hải Trường An, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và tư vấn tuyển sinh Trường Đại học Kinh tế - luật, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), chia sẻ: chỉ cần thí sinh biết rõ năng lực, đam mê của chính mình và lựa chọn ngành học phù hợp nhất thì sẽ có cơ hội làm việc tốt sau khi tốt nghiệp.

Hiện nay, các nhóm ngành về tài chính quốc tế, công nghệ thông tin, quản trị du lịch - lữ hành, kỹ thuật… là những nhóm ngành đang có nhu cầu tuyển dụng nhân lực rất lớn.

Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Khanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang, thông tin thêm: riêng với ngành công nghệ thông tin, hiện nay mỗi năm cả nước đào tạo khoảng 400.000 kỹ sư, nhưng vẫn còn thiếu khoảng 80.000. Tại đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), hầu hết các khu du lịch nghỉ dưỡng, resort hạng sang, nhà hàng, công ty lữ hành… đều rất thiếu nhân sự quản trị hệ thống máy tính.

Tuy nhiên, sinh viên theo học lĩnh vực công nghệ thông tin phải thật sự giỏi thì mới có cơ hội việc làm tốt. Bởi hiện nay chỉ khoảng 30% sinh viên công nghệ thông tin có việc làm đúng lĩnh vực đào tạo sau khi ra trường.

Điều đó cho thấy dù là 1 trong những ngành đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, nhưng người theo đuổi lĩnh vực công nghệ thông tin phải không ngừng học hỏi, tự thân nỗ lực trau dồi kiến thức, kỹ năng một cách liên tục để bắt kịp đà phát triển vũ bão của lĩnh vực khoa học máy tính, đặc biệt là lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Nhiều bạn thí sinh cũng nêu thắc mắc về khối ngành kỹ thuật là có phải học làm thợ hay không? PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, giải đáp ngay rằng kỹ năng làm thợ là 1 yêu cầu tất yếu của toàn bộ 14 ngành đào tạo khối ngành kỹ thuật tại trường.

Có 1 điểm cần lưu ý với nhóm ngành kỹ thuật là điểm chuẩn thường khá cao và quá trình học khá vất vả. Do đó, phần đông sinh viên theo học các ngành kỹ thuật là đến từ miền Trung. Miền Tây Nam bộ cũng có, nhưng tỉ lệ sinh viên rất ít.

Một thí sinh hỏi về ngành quan hệ công chúng. Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho biết hiện nay duy nhất Trường Đại học Văn Lang (TP Hồ Chí Minh) có đào tạo chuyên ngành quan hệ công chúng.

Để theo học ngành này, sinh viên cần phải có nhiều kỹ năng quan trọng như làm việc nhóm, khả năng diễn đạt ngôn ngữ, giao tiếp tốt, đam mê công việc, khả năng sử dụng ngoại ngữ, tầm hiểu biết về nhiều lĩnh vực khác nhau…

Và cũng không nhất thiết phải học ngành quan hệ công chúng để làm nghề này. Những ngành học có liên quan như báo chí, quan hệ quốc tế, xã hội học đều có thể làm tốt nghề quan hệ công chúng.

Bạn Nguyễn Thị Mỹ Thanh (Trường THPT Giồng Riềng) hỏi về 1 ngành học khá quen thuộc là ngôn ngữ Anh sẽ cần những yêu cầu nào? Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ cho rằng có 1 yêu cầu không thể thiếu cho người theo học ngành ngôn ngữ Anh đó là phải giỏi tiếng Việt. Lý do rất đơn giản, không giỏi tiếng mẹ đẻ thì sẽ không thể dịch thuật tốt được.

Hiện nay, có thực tế là nhiều bạn sinh viên học ngôn ngữ Anh không hề giỏi tiếng Việt. Cho nên, những bạn này sẽ rất khó trở thành người làm công việc biên dịch, phiên dịch tốt được.

"Có 1 điều mà tôi muốn nhắn nhủ với các bạn học ngôn ngữ Anh rằng các bạn phải học giỏi tiếng mẹ đẻ, tức là tiếng Việt trước đã" Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ tâm sự.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Muốn thay đổi nguyện vọng xét tuyển phải làm sao?