Nhà trường khó dạy học trực tuyến

21/02/2020 17:18

Không có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể về sử dụng phần mềm dạy học; nhiều gia đình học sinh không có máy vi tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh... khiến việc học trực tuyến gặp khó khăn.


Giáo viên Trung tâm Ngoại ngữ quốc tế Ocean Edu dạy học trực tuyến

Thực hiện phòng chống dịch bệnh Covid-19, từ ngày 4 đến hết ngày 29.2, học sinh trong toàn tỉnh được nghỉ học. Thời gian nghỉ dài, nhiều phụ huynh, học sinh mong muốn nhà trường tổ chức dạy học trực tuyến để các em không quên kiến thức, nhất là những em cuối cấp liên quan đến một số kỳ thì lớn như THPT quốc gia, tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập. Tuy nhiên, các trường gặp nhiều khó khăn để triển khai dạy học trực tuyến.

Trường THCS Vũ Hữu (Bình Giang) đang thí điểm dạy học trực tuyến cho học sinh lớp 8 thuộc đội tuyển học sinh giỏi huyện ở môn ngữ văn, địa lý. Trong đó, môn ngữ văn thực hiện ngay từ khi học sinh nghỉ, còn môn địa lý mới triển khai. Theo cô giáo Phạm Thị Bích Thủy dạy môn ngữ văn của trường, đội tuyển ngữ văn có 18 học sinh. Đến nay, các em học được 6 buổi, từ 2 - 3 giờ/buổi. Giáo viên dạy vào buổi chiều hoặc tối tùy vào điều kiện của học sinh. Nếu học sinh vắng từ 3 em trở lên giáo viên sẽ không dạy.

Thầy giáo Phạm Đức Thắng, Hiệu trưởng Trường THCS Vũ Hữu cho biết: "Nhà trường động viên giáo viên nào có điều kiện và được phụ huynh, học sinh các đội tuyển hưởng ứng thì dạy trực tuyến. Trường khó tổ chức dạy đồng loạt các đội tuyển cũng như đối với học sinh đại trà".

Thời gian qua, Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Hải Dương) cũng có ý định dạy học trực tuyến cho học sinh. Trường phân công giáo viên ôn tập trực tuyến môn toán, ngữ văn, tiếng Anh cho học sinh các khối lớp. Trong đó, học sinh khối 9 ôn thêm các môn thi vào lớp 10 chuyên của Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (TP Hải Dương). Các tiết học sẽ tổ chức ngoài giờ hành chính để phụ huynh có điều kiện theo dõi, quản lý việc sử dụng thiết bị công nghệ thông tin của con em. Để thực hiện việc này, trường đã tập huấn cho đội ngũ giáo viên, thử nghiệm qua họp trực tuyến. Hiện do nhiều lý do nên trường không triển khai được mặc dù phụ huynh, học sinh có nhu cầu cao.


Trường Tiểu học Hưng Đạo (Tứ Kỳ) tập huấn cho giáo viên cách sử dụng phần mềm học tập trực tuyến và hướng dẫn học sinh ôn tập tại nhà

Các trung tâm ngoại ngữ có điều kiện để học trực tuyến thuận lợi hơn nhưng rất ít đơn vị làm được. Hiện nay, ở tỉnh chỉ có Trung tâm Ngoại ngữ quốc tế Ocean Edu thực hiện. Trung tâm dạy từ ngày 17.2 ở tất cả các lớp. Từ thứ 2 - 6, học viên học từ 17 giờ 30 - 19 giờ 30. Ngày thứ 7, chủ nhật học vào các ca như trước đây. Tỷ lệ học viên tham gia học ở mỗi lớp từ đạt 60 - 100%.

Các cơ sở giáo dục khó dạy học trực tuyến có nhiều lý do. Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các cơ sở giáo dục dạy học trực tuyến nhưng không có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể về sử dụng phần mềm dạy học nào, cơ chế quản lý ra sao, nội dung, kiến thức nào được dạy. Điều này khiến các địa phương, nhà trường lúng túng.

Những phần mềm giáo viên sử dụng dạy học hiện nay còn hạn chế, chưa đáp ứng tốt yêu cầu. "Tôi đang sử dụng phần mềm Zoom meeting để dạy. Khi tôi đưa bài soạn power point lên chỉ điện thoại thông minh xem được còn máy vi tính xách tay thì không. Phần mềm có lúc cho sử dụng miễn phí trong thời gian dài, có lúc chỉ được 40 phút, muốn dạy học tiếp phải đăng nhập lại", cô giáo Vũ Thị Trang dạy địa lý của Trường THCS Vũ Hữu chia sẻ.

Theo nhiều cán bộ quản lý giáo dục, không phải gia đình học sinh nào cũng có máy vi tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh nên không thể triển khai dạy trực tuyến đồng loạt cho tất cả các khối lớp. Phụ huynh phải đi làm nên không yên tâm khi để con sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin và nếu không giám sát được thì hiệu quả học cũng không cao. Nhà trường chỉ dạy được ở nhóm nhỏ hay từng lớp sẽ tạo tâm lý lo lắng cho phụ huynh, học sinh ở lớp khác không được học. Nếu không quản lý tốt việc dạy học trực tuyến có thể sẽ biến tướng thành kiểu dạy thêm trá hình. Ngoài ra, nhiều môn học như tiếng Anh, địa lý, toán cần sự tương tác trực tiếp giữa giáo viên và học sinh mới hiệu quả.  

Nhiều giáo viên cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho lùi thời gian kết thúc năm học, nếu dạy trực tuyến kiến thức mới, sau này trở lại trường, học sinh vẫn phải học lại. Thực tế giải pháp hợp lý hiện nay là giáo viên sử dụng gmail hay các trang mạng xã hội hướng dẫn học sinh tự học để củng cố, tránh quên kiến thức.

DANH TRUNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà trường khó dạy học trực tuyến