Trụ cột của nền kinh tế tri thức

20/11/2019 19:13

Trong những năm qua, kinh tế tri thức được chọn làm chiến lược phát triển của nhiều quốc gia, cả những nước phát triển và đang phát triển.

Hơn cả yếu tố đất đai, tư liệu sản xuất hay lao động, tri thức thực sự đã trở thành yếu tố quan trọng nhất quyết định mức sống và trình độ phát triển của mỗi nước. Và ở những đất nước theo đuổi kinh tế tri thức, như Việt Nam hiện nay, thì giáo dục và đào tạo là một trong những trụ cột hàng đầu.


Cuộc thi robocon là sân chơi của các học sinh đam mê công nghệ

Thời đại của nền kinh tế dựa vào tri thức

Từ những năm 80 trở lại đây, do tác động mạnh mẽ của khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ thông tin, sinh học, vật liệu mới, năng lượng...nền kinh tế thế giới đang biến đổi sâu sắc, toàn diện, chuyển từ kinh tế công nghiệp sang kinh tế tri thức, từ nền văn minh công nghiệp sang nền văn minh trí tuệ; từ việc phát triển sản xuất chủ yếu dựa vào lao động và cơ bắp với nguồn tài nguyên thiên nhiên sang chủ yếu dựa vào tri thức; từ nền kinh tế khép kín sang nền kinh tế mở.

Tri thức, lao động chất xám được phát huy khả năng sinh lợi của nó và mang lại hiệu quả kinh tế lớn trong tất cả các ngành: công nghiệp, nông-lâm-ngư nghiệp và dịch vụ, phục vụ cho phát triển kinh tế. Đây là một bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử trọng đại đối với quá trình phát triển của nhân loại.

Các nhà kinh tế đã tính toán, một nền kinh tế tri thức sẽ có hơn 70% GDP từ các ngành sản xuất và dịch vụ ứng dụng công nghệ cao. Bởi vậy, trong nền kinh tế tri thức, của cải làm ra chủ yếu dựa vào các sáng chế, phát minh mới, giá trị mới, chứ không phải nhờ số lượng tăng lên từ cái cũ. Nhờ đó, nền kinh tế-xã hội luôn đổi mới, thay đổi nhanh chóng và sản sinh ra thời đại của cách mạng và khoa học công nghệ.

Đặc biệt, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 còn làm thay đổi nhanh chóng cơ cấu lao động và thị trường lao động. Các hệ thống tự động hóa sẽ thay thế dần lao động thủ công trong toàn bộ nền kinh tế, máy móc và trí tuệ nhân tạo thay thế sức người, nhu cầu sử dụng nhân lực trình độ cao tăng lên trong khi nhu cầu sử dụng lao động kỹ năng thấp ngày càng giảm.

Điều này sẽ tạo áp lực lớn đối với thị trường lao động, nhất là các quốc gia đang phát triển sẽ phải đối mặt với tình trạng dư thừa lao động, gia tăng thất nghiệp. Hàng loạt nghề nghiệp cũ sẽ mất đi, thị trường lao động tại các quốc gia sẽ phân hóa mạnh mẽ giữa nhóm lao động có kỹ năng thấp và nhóm lao động có kỹ năng cao.

Lao động giá rẻ không còn là lợi thế cạnh tranh của các thị trường mới nổi ở khu vực Mỹ La-tinh và châu Á. Đặc biệt, cuộc CMCN 4.0 không chỉ đe dọa việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung cũng sẽ bị ảnh hưởng, nếu như họ không được trang bị những kỹ năng mới - kỹ năng sáng tạo và thích nghi.

Giáo dục là trụ cột của nền kinh tế tri thức

Trong thời đại của công nghệ, tri thức là sức mạnh nội lực, là lợi thế của cạnh tranh và là sức hút chủ yếu của ngoại lực. Chất lượng nguồn nhân lực, tri thức con người phải thông qua giáo dục và đào tạo mới có được. Do vậy, nâng cao dân trí, đào tạo, bồi dưỡng và phát huy nguồn lực con người Việt Nam trên cơ sở phát triển giáo dục và đào tạo là trụ cột có ý nghĩa sống còn trước xu thế toàn cầu hoá.

Theo dự báo của các chuyên gia, những đột phá về công nghệ từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra những thay đổi sâu sắc về cơ cấu ngành nghề lao động, những yêu cầu mới về năng lực và kỹ năng của người học cũng như sự thay đổi căn bản về mô hình đào tạo, phương thức dạy và học. Ngoài ra, việc tự do chuyển dịch lao động xuyên quốc gia sẽ tạo ra sự cạnh tranh về nguồn cung nhân lực chất lượng cao. Đó là những thách thức khi Việt Nam tham gia sâu rộng vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Thực tế đã chỉ ra, dù đã đóng góp vào sự phát triển của đất nước, nhưng trên bình diện chung, đội ngũ nhân lực giáo dục Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong kỷ nguyên số. Việt Nam đang thiếu hụt các nhà khoa học, chuyên gia trình độ cao, đội ngũ quản lý, nhà kinh doanh giỏi, công nhân lành nghề trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Chất lượng của lực lượng lao động nước ta vẫn chưa đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.

Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Việt Nam năm 2019 đã tăng 3,5 điểm (từ 58 điểm lên 61,5 điểm) cao hơn điểm trung bình toàn cầu (60,7 điểm) và tăng 10 bậc (từ vị trí 77 lên vị trí 67) so với năm trước đó, được WEF đánh giá là nền kinh tế có mức độ cải thiện điểm số và tăng hạng tốt nhất toàn cầu.

Điều đó cho thấy Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc hướng tới một nền kinh tế tri thức. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn rất nhiều rào cản. Nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) thiếu và yếu đang khiến các doanh nghiệp ngành công nghệ-viễn thông khó triển khai các chiến lược phát triển đột phá.

Hàng năm có khoảng 50.000 sinh viên CNTT ra trường, trong đó chỉ có 30% làm việc được ngay, 70% phải đào tạo bổ sung. Số lượng này cũng rất thiếu so với nhu cầu phát triển doanh nghiệp CNTT, nhất là theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó ưu tiên khởi nghiệp CNTT.

Trước những thiếu hụt trong hành trang tiến tới một nền kinh tế tri thức, đổi mới mô hình giáo dục theo hướng hiện đại là một mục tiêu cơ bản và cấp thiết. Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học.

Theo đó, ngành giáo dục-đào tạo đã và đang xây dựng chiến lược phát triển tổng thể cho giáo dục, như con đường ngắn nhất để đất nước đi tắt, đón đầu trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trong cả nước đang được quy hoạch lại để có căn cứ xếp hạng và phân tầng mạng lưới một cách tổng thể, phù hợp với nhu cầu nhân lực trong nước. Công nghệ thông tin được đưa vào ứng dụng rộng rãi trong dạy, học và quản lý giáo dục; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp.

Đặc biệt, ngành cũng đẩy mạnh công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông, nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo, tạo đà hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nhân tố quyết định việc vận dụng và phát triển khoa học và công nghệ 4.0 là nguồn lực con người và thể chế.  Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm và coi trọng phát triển kinh tế số. Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị, mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số sẽ chiếm khoảng 20% GDP của Việt Nam; năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm, 100% số xã phủ Internet băng thông rộng…

Trong bối cảnh đó, ngành giáo dục là một trong những ngành vừa giữ vai trò định hướng, vừa giữ vai trò động lực thúc đẩy xây dựng, phát triển khoa học công nghệ và công nghiệp quốc gia. Đây là thời cơ và cũng là trách nhiệm, là thách thức lớn của cả ngành giáo dục, cũng như của những người làm nghề truyền lửa trong thời kỳ mới.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trụ cột của nền kinh tế tri thức