“Trực trưa 2 tiếng rưỡi được 20.000 đồng, nói ra điều này chúng tôi rất buồn”

05/12/2019 12:00

"Việc chi trả cho thời gian trực trưa 2,5 giờ vẫn còn quá thấp. Nói ra điều này chúng tôi rất buồn, nhưng như trường chúng tôi bây giờ, mỗi buổi trực trưa chỉ có 20.000 đồng”.

Đó là những chia sẻ của cô giáo Hà Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bắc Lương (Thọ Xuân, Thanh Hóa) tại Hội thảo đánh giá thời gian làm việc, chính sách đối với giáo viên, nhân viên cấp học mầm non diễn ra mới đây tại Nghệ An.

Ngày làm việc 11 tiếng, vẫn thấy lo!

Là người đứng đầu nhà trường, cô Hoa chia sẻ những áp lực và cả nỗi vất vả mà những đồng nghiệp của mình đã phải trải qua khi bước chân vào nghề “nuôi dạy trẻ”. “Vất vả nhất, khổ cực nhất không gì khác, chính là nghề giáo viên mầm non”.


"Nghề giao viên mầm non vất vả nhất"

Cô Hoa bộc bạch, theo quy định, giờ làm việc của giáo viên mầm non là 8 tiếng/ ngày. Nhưng thực tế, thời gian giáo viên phải làm đều bắt đầu từ 6 giờ 30 sáng và kết thúc lúc hơn 17 giờ chiều. Có những ngày, thời gian ấy có thể kéo dài thêm nếu phụ huynh đến đón muộn.

“Giáo viên không thể bỏ mặc trẻ nên vẫn phải ở lại lâu hơn. Như vậy, mỗi ngày chúng tôi phải làm việc tới 11 tiếng. Đồng nghiệp của tôi thường nói rằng, có lẽ khung giờ này sẽ không bao giờ thay đổi được”.

Mặc dù thời gian làm việc dài, nhưng theo cô Hoa, giáo viên vẫn luôn “canh cánh một nỗi lo”. Trẻ con thường hiếu động. Chỉ cần một phút lơ là, giáo viên có thể không kịp trở tay. Còn phụ huynh khi thấy con xây xát cũng có thể lập tức đến hỏi giáo viên cho ra lẽ. Cho nên, giáo viên luôn ở trong tình trạng áp lực và căng thằng.

Để giải quyết tình trạng giáo viên phải làm việc suốt 10 – 11 giờ đồng hồ/ ngày, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã áp dụng hình thức phân công một giáo viên trực đón trẻ sớm và được về sớm, một giáo viên đến trường muộn hơn và trả trẻ muộn để thời gian làm việc đủ 8 tiếng/ngày. Tuy nhiên, trên thực tế, không nhiều trường mầm non thực hiện được điều đó.

“Tôi nghĩ rằng bản thân phụ huynh cũng không yên tâm khi một cô phải bao quát hàng chục cháu trong các giờ đón và trả trẻ. Hơn nữa, đây còn là những khung giờ dễ xảy ra những tình huống không an toàn. Vì vậy, để bảo đảm an toàn cho trẻ, thường cả 2 giáo viên vẫn sẽ phải cùng nhau làm việc”, cô Trần Thị Thúy,Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên nêu ra bất cập.

Đại diện giáo viên các tỉnh đều đồng tình, hầu hết giáo viên mầm non hiện tại đều phải làm việc nhiều hơn so với các ngành nghề khác, trong khi hiện tại, mức lương nhiều trường chi trả cho giáo viên, nhân viên hợp đồng chỉ hơn 2 triệu đồng/ tháng.

“Rất nhiều cô giáo của chúng tôi sau giờ lên lớp phải về nhà nuôi lợn để kiếm thêm thu nhập”, cô Hà Thị Hoa nói.

2,5 giờ làm thêm = 20.000 đồng

Đối với giáo viên mầm non, ngoài việc chăm sóc, giáo dục, giáo viên đều phải trực trưa để theo dõi giấc ngủ của trẻ với thời gian khoảng 140-150 phút/ngày.

Cô Hoa cho rằng, khoảng thời gian 2,5 giờ ấy được coi là giờ làm thêm. Dù đã rất nỗ lực thực hiện xã hội hóa giáo dục, nhưng với địa phương còn gặp nhiều khó khăn, việc chi trả cho thời gian ngoài giờ là 2,5 giờ này vẫn còn quá thấp.

“Nói ra điều này chúng tôi rất buồn, nhưng như trường chúng tôi bây giờ mỗi buổi trực trưa chỉ có 20.000 đồng. Chúng tôi còn bám trụ được với nghề có lẽ chỉ vì lòng yêu nghề, thương trẻ”.

Thậm chí, theo đại diện các tỉnh, cũng vì “xã hội hóa giáo dục còn khó”, kinh phí không đủ để thuê nhân viên nấu ăn hay cán bộ y tế, giáo viên cũng phải kiêm luôn vai trò này. Đặc biệt, tại các trường có nhiều điểm trường lẻ, giáo viên và phụ huynh phải hỗ trợ mang cơm từ điểm trường chính đến.

“Theo định mức biên chế, cứ 35 cháu nhà trẻ hoặc 50 cháu mẫu giáo thì được thuê một cô nuôi. Nếu trường mầm non chúng tôi có 310 cháu thì phải cần đến 6 cô nuôi. 6 cô nuôi này chúng tôi cũng phải lấy từ nguồn xã hội hóa giáo dục. Nhưng điều này là rất khó nên giáo viên vẫn phải làm công tác kiêm nhiệm”.


Ông Nguyễn Bá Minh

Lắng nghe các ý kiến đưa ra tại hội thảo, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ giáo dục Mầm non (Bộ  Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, dù đã có nhiều thay đổi về chính sách nhưng đội ngũ giáo viên mầm non vẫn còn gặp phải những áp lực và khó khăn, đặc biệt là về thời gian làm việc.

Ông Minh cho rằng, những kiến nghị của địa phương về việc sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về chế độ làm việc, định mực giáo viên/ lớp của giáo viên mầm non; bổ sung quy định về chế độ làm thêm giờ, chế độ trực trưa, thời gian sinh hoạt chuyên môn; điều chỉnh lại hạng ngạch giáo viên mầm non phù hợp với Luật Giáo dục 2019;… sẽ được Bộ  Giáo dục và Đào tạo tiếp thu để đưa ra những giải pháp nhằm phát triển giáo dục mầm non trong thời gian tới.


Theo Vietnamnet

(0) Bình luận
“Trực trưa 2 tiếng rưỡi được 20.000 đồng, nói ra điều này chúng tôi rất buồn”