Trường ngập 3-4m, thầy trò lội bùn sơ tán

18/10/2020 10:00

Mưa lũ và thời gian phải nghỉ học kéo dài khiến nhiều trường học tại tỉnh Quảng Nam phải làm điều chưa có tiền lệ: sơ tán học sinh khỏi vùng lũ.


Huyện Tây Giang hỗ trợ chăn mền, đồ dùng khẩn cấp cho học sinh Trường Võ Chí Công khi ra sơ tán ở huyện

Chiều 17.10, sau khi tạm ổn định chỗ ở cho gần 300 học sinh toàn trường, các thầy cô giáo và cán bộ Trường THPT Võ Chí Công (xã A Xan, huyện Tây Giang, Quảng Nam) bê bết bùn đất lội ra trung tâm huyện Tây Giang để về tòa nhà cũ của Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tây Giang.

Đó là nơi làm việc, sơ tán của ngôi trường vùng cao này vì Trường Võ Chí Công nằm ngay dưới một ngọn đồi đã mưng nước.

Bảo đảm an toàn cho thầy trò

Vừa cùng một giáo viên trong trường chạy xe máy gần 3 giờ qua con đường chi chít các điểm sạt từ vùng biên giới về trung tâm huyện, thầy A Lăng Bên, Phó Hiệu trưởng Trường Võ Chí Công nói: "Suốt mấy ngày hôm nay cả trường lẫn học sinh, phụ huynh mệt nhừ vì phải chạy mưa bão. Chúng tôi ra được huyện dù khó khăn chồng chất nhưng sẽ bảo đảm an toàn cho cả thầy cô lẫn học sinh".

Trong những trận lũ dồn dập đổ vào miền Trung, Tây Giang là nơi bị ảnh hưởng nặng nhất của tỉnh Quảng Nam. Trường THPT Võ Chí Công nằm ở xã biên giới A Xan, cách trung tâm huyện khoảng 40km là ngôi trường khang trang, mới xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2019.

Dù vẫn trụ vững với những đợt mưa bão nhưng vị trí trường nằm ngay dưới một quả đồi, khi làm trường vì quá thiếu mặt bằng nên buộc phải chọn vị trí trường hiện nay để đặt công trình nên trong mưa bão, toàn bộ giáo viên, học sinh vừa học vừa run bần bật vì sợ lở núi.

Theo UBND huyện Tây Giang, Trường Võ Chí Công hiện có 277 học sinh, đa số là con em đồng bào Cơ Tu bốn xã biên giới cùng 26 cán bộ nhân viên và thầy cô giáo. Trước việc mưa lũ xé tơi tả các công trình ở Tây Giang, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam đã lên trực tiếp kiểm tra và đề nghị huyện Tây Giang phối hợp để tổ chức sơ tán toàn bộ ngôi trường này ra trung tâm huyện.

Theo một giáo viên Trường Võ Chí Công, từ sáng 16.10 hàng trăm phụ huynh, đoàn viên thanh niên cùng cán bộ giáo viên đã được huy động để về Trường THPT Võ Chí Công dọn dẹp đồ đạc, chăn mền, chở học sinh vượt mưa bão đưa ra trung tâm huyện Tây Giang tá túc. Sau một ngày dầm mưa gió và đưa được hơn 200 em, tới chiều 17.10 vẫn còn 37 em còn bám trường và dự kiến đưa ra hết trước ngày 18.10.

Thầy Đinh Văn Tư, Hiệu trưởng Trường THPT Tây Giang cho biết trường đang quản lý gần 400 học sinh và 23 giáo viên. Trước tình hình mưa lũ, để tạo điều kiện cho thầy trò Trường Võ Chí Công ra tránh trú thì Trường Tây Giang điều chỉnh lịch dạy, chỉ tổ chức cho học sinh học 1 buổi trong ngày để dành ra bảy phòng học cho Trường Võ Chí Công.

Từ đầu tuần tới, bảy căn phòng này sẽ là nơi dạy, học của thầy trò vùng lũ. Ngoài ra Trường Tây Giang cũng nhường một phòng để các thầy cô trường biên giới làm phòng hiệu bộ. "Những lúc khó khăn chồng chất như thế này chúng tôi hiểu cần phải cưu mang, chia sẻ nhau để học sinh được tiếp tục đi học" - thầy Tư nói.


Lãnh đạo huyện Tây Giang động viên, trấn an các thầy cô giáo và học sinh Trường Võ Chí Công

Đường chia cắt, phải ghép lớp, học nhờ

Trong khi học sinh ở miền núi ướt sũng chạy mưa sơ tán lở đất thì tại vùng đồng bằng Đại Lộc, nhiều trường học cũng chạy do nước dâng. Từ chiều 16.10, con suối lớn kết nối trung tâm xã Đại Lãnh với bốn thôn bên kia nước ngập tới ngang bụng. Tiếng loa phát thanh vang rền khắp các ngôi làng yêu cầu phụ huynh có con em đi học bên kia bờ tổ chức đón con sớm.

Bà Lương Thị Danh, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh  cho biết do mưa lũ dồn dập nên từ cuối tháng 9 tới nay học sinh trên địa bàn xã phải nghỉ học đứt đoạn. Những ngày qua, hàng trăm học sinh ở các trường như tiểu học Đại Lãnh, mầm non Đại Lãnh, THCS Nguyễn Huệ… phải qua lại trên đò ngang đối diện với nguy cơ rình rập. Lực lượng công an phải túc trực đẩy đò qua lại, bảo vệ các em học sinh an toàn. Từ sáng 17.10, toàn bộ học sinh ở xã này lại phải nghỉ học vì nước lũ lên cao.

Thầy Nguyễn Đức Long, Hiệu trưởng Trường Nguyễn Huệ cho biết trong 530 em học sinh trường này, mưa lũ chia cắt 120 em ở các thôn bên kia suối. Hằng ngày học sinh phải đi đò qua lại tổng cộng bốn lượt. Trong khi đó, thầy Nguyễn Tấn Hơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đại Lãnh - cho biết bình thường trường có hai điểm nằm ở hai bên bờ suối, do mưa lũ chia cắt nên nhiều ngày qua 80 học sinh ở bờ bên kia phải dồn về điểm trường nằm bên trung tâm xã Đại Lãnh để học. Để đủ chỗ, nhà trường phải lấy phòng chức năng, phòng làm việc của các giáo viên làm nơi giảng dạy.

Tại các xã khác của huyện Đại Lộc, sau nhiều ngày dọn dẹp bùn đất để đón học sinh trở lại lớp nhưng mưa lũ lại tiếp tục trút xuống khiến học sinh phải nghỉ học. Đại Lộc được xem là rốn lũ, nằm kẹp giữa hai con sông lớn của Quảng Nam nên những ngày tới các trường học lại đứng trước nguy cơ chìm sâu trong mưa bão. Việc dạy học chưa bao giờ gian nan đến thế.


Cảnh sơ tán về nơi học tạm thời ở trung tâm huyện Tây Giang của thầy trò Trường Võ Chí Công 

Thừa Thiên Huế: 26.000 học sinh bị hư hại đồ dùng học tập

Đến chiều 17.10, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn đang bị ngâm trong nước lũ. Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế cho biết do công tác chuẩn bị ở các trường khá tốt nên cơ bản thiệt hại về máy móc, thiết bị không nhiều. Tuy nhiên, do ngâm nước khá lâu nên hầu hết các trường đều bị thiệt hại về bàn ghế.

Hiện nay số lượng này chưa thể kiểm tra được bởi nước lũ chưa rút. Theo thống kê ban đầu, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 26.000 học sinh bị ướt sách vở, hư hại đồ dùng học tập. Nhiều nhất là ở vùng Phong Điền và thị xã Hương Trà. Hiện sở đang tiếp tục thống kê để có phương án kêu gọi hỗ trợ cho các em học sinh. Lũ lụt cũng khiến chương trình dạy và học trên toàn tỉnh bị gián đoạn. Ông Tân cho biết trước mắt sở đã chỉ đạo cho các trường giảm bớt các hội nghị không cần thiết hoặc tổ chức vào ngày chủ nhật để tiến hành dạy học cho học sinh kịp chương trình.


Công an huyện Đại Lộc và dân quân xã dìu đò đưa học sinh tại xã Đại Lãnh qua suối

Hỗ trợ khẩn cấp Trường THPT Võ Chí Công

Trước tình hình mưa bão những ngày tới, từ sáng 17.10 nhiều trường học tại các huyện của Quảng Nam đã cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn. Sáng cùng ngày, lãnh đạo UBND huyện Tây Giang đã đến Trường THPT Võ Chí Công - nơi học sinh và thầy cô đang ra sơ tán - để động viên, tìm giải pháp hỗ trợ học sinh và thầy cô giáo.

Ông Bling Mia, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang yêu cầu xuất kinh phí đột xuất hỗ trợ trước mắt 211 chiếc mền, 211 thùng mì gói và trên 21 triệu đồng cho các em học sinh Trường Võ Chí Công. UBND huyện cũng yêu cầu Trung tâm Quản lý dự án, quỹ đất và đô thị huyện nhanh chóng làm nhà ghép để làm bếp ăn tập thể. Tuy nhiên, việc triển khai thi công đang gặp khó khăn do mưa lũ.

Quảng Trị: Có trường ngập 3-4m


Trường Tiểu học và THCS Ba Lòng (huyện Đakrông, Quảng Trị) ngập sâu trong lũ sáng 17.10

Chiều 17.10, bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị cho biết sau hai ngày mưa lũ đã có hàng chục ngôi trường các cấp học của tỉnh này ngập sâu trong lũ. Nơi bị ngập sâu nhất là xã Ba Lòng, huyện Đakrông. Đây là vùng "lòng chảo" nên nước lũ dâng lên rất cao. Hiện các trường tiểu học và THCS ở xã này đã ngập từ 3-4m.

Hai đợt lũ trước nhiều bàn ghế, tài liệu đã bị ngâm trong lũ, nay lại tiếp tục bị ngâm và còn ngập sâu hơn. Tại Triệu Phong, Hải Lăng và Cam Lộ, các trường học cũng bị ngập nặng. Mức ngập bình quân khoảng 1,5-2m. Ở những điểm trường này nước lũ đã ngâm nhiều ngày qua. Chưa kịp dọn dẹp để học sinh trở lại học, nay lại ngập tiếp. Bà Hương cũng nói hiện gần như học sinh toàn tỉnh đã được cho nghỉ học.

Tại Quảng Trị có một trường THCS ở xã Húc bị lở đất làm sập khu nội trú của học sinh. Rất may thời điểm đó toàn bộ học sinh đã rời trường về nhà nên không thiệt hại về nhân mạng. "Lũ rút rồi, phải bắt tay vào dọn dẹp vệ sinh trường lớp. Với tình hình này chưa biết ngày nào học sinh mới có thể đi học trở lại được" - bà Hương nói.


Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Trường ngập 3-4m, thầy trò lội bùn sơ tán