Trường tự chủ, giảng viên thu nhập 63 triệu/tháng

23/12/2019 07:23

Từ mức thu nhập 10-15 triệu đồng/tháng, chỉ sau vài năm áp dụng cơ chế tự chủ, thu nhập của cán bộ, giảng viên ở một số trường đại học đã tăng vọt lên hàng chục triệu đồng.

Trường tự chủ, giảng viên thu nhập 63 triệu/tháng - Ảnh 1.

Nhờ cơ chế tự chủ, sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh có điều kiện học tập tốt, nhận được nhiều hỗ trợ hơn - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Theo các chuyên gia, tự chủ ĐH sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho các trường công lập, tạo sinh khí mới cho nền ĐH nước ta. 

GS.TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng GD-ĐT cho rằng: "Tự chủ tài chính sẽ tạo ra khả năng thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, thu hút nhân lực ngoài biên chế, có thể tạo sự liên kết với các tổ chức kinh tế, khoa học cùng tham gia việc đào tạo và nghiên cứu khoa học".

63 triệu đồng/tháng

Đó là thu nhập bình quân của PGS Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh vừa được ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường tiết lộ. Theo thống kê, thu nhập bình quân mỗi tháng trong năm 2019 của PGS ở trường này là 63 triệu đồng, TS là 33 triệu đồng. Hiện tại, nhà trường có 42 PGS và 152 TS.

"Đây không phải lương, mà là bình quân thu nhập đầu người trong 11 tháng qua. Số tiền này bao gồm các khoản lương, dạy, nghiên cứu khoa học, thu nhập vượt giờ dạy, thưởng... Thực tế có người đạt thu nhập trên 100 triệu đồng và cũng có người không đạt mức trên", ông Dũng nói.

Ông Phan Hồng Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết thu nhập bình quân của toàn thể cán bộ, nhân viên, giảng viên nhà trường trước khi tự chủ (năm 2015) là 15 triệu đồng/tháng, đã liên tục tăng qua các năm và đến năm 2019 khoảng 19 triệu đồng/tháng. Trong đó, thu nhập của giảng viên có trình độ TS trở lên hiện nay là 28 triệu đồng/tháng. 

Trường có chính sách thu hút chất xám trình độ cao về công tác. Theo đó, TS được hỗ trợ 100 triệu đồng/người, PGS 120 triệu đồng và GS 150 triệu đồng. 

"Ngoài ra, trường còn trả phụ cấp hằng tháng với cán bộ, viên chức có học hàm, học vị cao: TS 4 triệu đồng/tháng, PGS 5 triệu đồng/tháng và GS 7 triệu đồng/tháng. Nhà trường còn hỗ trợ giảng viên đi học nâng cao trình độ chuyên môn. 

Đối với nghiên cứu sinh đi học ở nước ngoài được hưởng 40% lương cơ bản, sau khi tốt nghiệp trở lại công tác nhận bổ sung 60% khoản lương cơ bản còn lại và 50% tiền thưởng các ngày lễ, Tết. Nghiên cứu sinh sau khi tốt nghiệp và nhận bằng được nhà trường thưởng 50 triệu đồng", ông Hải chia sẻ.

Trường tự chủ, giảng viên thu nhập 63 triệu/tháng - Ảnh 2.

Với cơ chế tự chủ, Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh có điều kiện kết hợp với các doanh nghiệp đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại cho sinh viên thực hành - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Tiền đâu để tăng thu nhập?

Lãnh đạo các trường đều cho rằng giảng viên giỏi mới làm nên học trò giỏi. Chỉ khi nào thu nhập đủ sống, người giỏi mới gắn bó, tránh chảy máu chất xám. Chất lượng nhà trường không tốt sẽ không thể thu hút đầu vào, sinh viên ra trường cũng khó xin việc. Chính vì có cơ chế chi trả lương, thưởng, thù lao hấp dẫn, chất lượng đầu vào khi tuyển chọn cán bộ, giảng viên của trường gần đây đã tăng lên rõ rệt. 

Ông Phan Hồng Hải nhận định khi trường được tự chủ áp dụng chính sách chi trả thu nhập này đã kích thích tinh thần làm việc của cán bộ, viên chức. Nhà trường cũng chủ động các chính sách nhằm thu hút đội ngũ có trình độ cao về công tác tại trường, đồng thời cũng giữ chân được người giỏi. 

Tuy nhiên, do với hơn 1.400 cán bộ, viên chức, tổng số tiền lương chi trả hằng tháng rất lớn nên cũng có khó khăn đối với lãnh đạo trường trong việc cân đối chi tiêu. Trong khi hiện nay chủ yếu các trường "sống" bằng học phí là chính. 

Mức học phí của các trường sau tự chủ thu theo quyết định phê duyệt đề án tự chủ, cao hơn so với mức trần học phí đang áp dụng đối với các trường công lập chưa tự chủ. Vì vậy, chắc chắn các trường đều sẽ tăng học phí theo lộ trình của đề án tự chủ.

Giải thích thêm về nguồn thu nhập "khủng" này, theo Hiệu trưởng Đỗ Văn Dũng, do trường áp dụng thí điểm cơ chế tự chủ 3 năm qua. 

"Nhà trường tranh thủ các nguồn tài trợ từ doanh nghiệp và cựu sinh viên, nhất là trang thiết bị và học bổng cho sinh viên nghèo. Chính điều này giúp nhà trường giữ mức học phí thấp nhất trong các trường tự chủ. 

Thêm vào đó, tận dụng việc xã hội hóa, kêu gọi tư nhân đầu tư, hợp tác kinh doanh, sử dụng mặt bằng cũng đem lại nguồn thu khá lớn. Khi tự chủ, tiền được gửi ngân hàng nên riêng khoản lãi tiền gửi gần 20 tỷ đồng cũng giúp hỗ trợ sinh viên nghèo và các hoạt động khác. 

Bên cạnh đó, khi tự chủ trường phải tiết kiệm nhất là điện, nước với việc khoán điện cho các đơn vị. Các chi phí về vật tư, giấy in... khi tiết kiệm cũng góp phần giảm chi phí để đầu tư cho con người", ông Dũng giải thích.

Trường tự chủ, giảng viên thu nhập 63 triệu/tháng - Ảnh 5.

Sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng được học với giảng viên người nước ngoài - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trường tự chủ, giảng viên thu nhập 63 triệu/tháng