Tuyển sinh 2020: Những lưu ý thí sinh tránh sai sót

22/06/2020 12:19

Khác năm ngoái, năm nay thí sinh là học sinh lớp 12 chỉ được đăng ký 1 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội, không được đăng ký chọn môn thi thành phần của bài thi tổ hợp...

Thí sinh đội nắng đến ngày hội tuyển sinh năm nay 

Hôm 21.6, Ngày hội tuyển sinh, tư vấn hướng nghiệp khu vực Hà Nội được báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Tổng cục Nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội), Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Sở GDĐT Hà Nội tổ chức.

Tránh những sai sót không đáng có

Tại lễ khai mạc ngày hội, PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT), phát biểu: “Đề thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là lớp 12, bám sát chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông, phù hợp với định hướng tinh giản chương trình trong bối cảnh dịch COVID-19, không đánh đố thí sinh. Độ khó của kỳ thi sẽ phù hợp với mục đích của kỳ thi và điều kiện dạy học, mức độ phân hóa của đề thi đã được điều chỉnh.

Các giải pháp nhằm tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc trong kỳ thi năm nay được tăng cường, đảm bảo công bằng, khách quan. Hầu hết các trường đại học, cao đẳng vẫn sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh cùng với các tiêu chí khác. Các em cần tham khảo đề án tuyển sinh của từng trường để lựa chọn ngành học, nghề nghiệp tương lai phù hợp, bắt đầu bằng việc đăng ký nguyện vọng vào ngôi trường mình mơ ước”.

Ông Trinh cho biết, về đăng ký dự thi của thí sinh các năm qua, có một số lỗi phổ biến như: ghi sai mã trường, mã ngành, tổ hợp xét tuyển; tên không viết hoa, sai quy cách; ghi sai phần đăng ký môn thi, khu vực tuyển sinh… Để tránh sai sót, thí sinh cần nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của các trường để điền phiếu đăng ký chính xác.

“Khác với năm ngoái, năm nay thí sinh là học sinh lớp 12 chỉ được đăng ký 1 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội, không được đăng ký chọn môn thi thành phần của bài thi tổ hợp, không được đánh dấu X vào từng môn học là phần dành cho thí sinh tự do. Trong khi đó, thí sinh có thể chọn 2 bài thi, hoặc chỉ chọn một số môn thi thành phần, tùy theo mục đích xét tuyển đại học, cao đẳng của mình”, ông lưu ý.

Liệu có “mưa” điểm 10?

“Em nghe nói đề thi năm nay sẽ dễ hơn nhiều các năm trước, vậy có xảy ra tình trạng “mưa” điểm 10 không? Nếu như vậy thì các trường tốp đầu có sự cạnh tranh cao có khó khăn tuyển sinh không?”. Trả lời câu hỏi này của thí sinh, ông Trinh khẳng định, đề thi tham khảo của Bộ GDĐT ban hành là tài liệu để học sinh tham khảo khi ôn tập. Cụ thể, đề thi có nhiều mức độ, bám sát chương trình cơ bản, nhưng vẫn có những câu phân hóa. Để đạt được điểm 9, điểm 10 phải là những học sinh học tốt. Vì thế, các trường có khả năng cạnh tranh cao vẫn có thể đảm bảo yêu cầu sàng lọc để tuyển sinh.

ThS Nguyễn Văn Hồng, Phòng Đào tạo, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng, xã hội càng phát triển thì các ngành khoa học xã hội càng được quan tâm. Ngoài các ngành đang “hot” như báo chí - truyền thông, nhiều ngành khác thuộc khối khoa học xã hội sẽ có vị thế cao trong tương lai như công tác xã hội, xã hội học…, ông Hồng nói. PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương, nói rằng, nhiều trường đang đi theo xu hướng tiếp cận liên ngành để giải quyết các vấn đề thuộc lĩnh vực khác nhau bằng công nghệ, như ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết các bài toán lớn hơn trong lĩnh vực khoa học xã hội. Cụ thể, lĩnh vực kinh tế đang phải tăng cường ứng dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề ở tầm vĩ mô.

Trong khi đó, nhiều học sinh nữ giỏi toán có nguyện vọng theo ngành toán nhưng cha mẹ thường nói “học toán sau này ra làm gì?”. TS Nguyễn Thanh Bình, Trường  Đại học Khoa học tự nhiên,  Đại học Quốc gia Hà Nội, nói: “Việc học giỏi toán cực kỳ lợi thế, thí sinh có thể học chuyên ngành toán tin, công nghệ thông tin, đặc biệt hai ngành mới là khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo cực “hot” rất cần thí sinh giỏi toán. Cơ hội việc làm của ngành này cũng rất rộng mở”.

Một số thí sinh hỏi rằng, theo nghề gì để 4 năm sau không thất nghiệp. GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Phó ban Đào tạo -  Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết, đây là câu hỏi phổ biến, năm nào thí sinh cũng hỏi rất nhiều. Cách đây 4 năm, các thầy trong ban tư vấn đã nói: “Ngành nào bây giờ đang nhiều người thất nghiệp nhất thì 4 năm sau nó sẽ có cơ hội việc làm hơn, đó là quy luật”. Tuy nhiên, ông Thảo lưu ý, hãy căn cứ vào sở trường của mình nghiêng về nhóm môn học nào, phù hợp với lĩnh vực ngành nghề nào.

Theo Tiền phong

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyển sinh 2020: Những lưu ý thí sinh tránh sai sót