Nguồn nhân lực - Chìa khóa thành công

23/04/2021 11:00

Con người là yếu tố quan trọng nhất để thực hiện chiến lược chuyển đổi số. Vì vậy, cần quan tâm đào tạo nhân sự đủ kiến thức, kỹ năng để tiếp cận công nghệ mới.


Nguồn nhân lực đủ kiến thức và kỹ năng sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh, hiệu quả

Quá trình chuyển đổi số (CĐS) trong nước cũng như thế giới dễ nhận thấy nhân lực là yếu tố quan trọng nhất. Ứng dụng công nghệ mới, giải pháp mới đặt ra yêu cầu mới về tư duy, kỹ năng, phương pháp tiếp cận, thậm chí cả quy trình làm việc.

Thành bại tại “nhân”

Tại phòng bảo vệ ở cổng Công ty CP Bao bì Xuân Cầu (thôn Ngọc Lặc, xã Ngọc Sơn, TP Hải Dương), một nhân viên bảo vệ đang kỳ cạch gõ bàn phím để nhập thông tin về chiếc xe tải chở sản phẩm của công ty xuất ra thị trường. Nào là biển số xe, giờ xuất xưởng cho đến tên, số lượng sản phẩm… Kể từ khi ứng dụng phần mềm quản lý hệ thống sản xuất cho đến nay, từ bộ phận bảo vệ cho đến cán bộ quản lý các dây chuyền sản xuất, ai cũng phải học nhập dữ liệu. Doanh nghiệp (DN) này đã đầu tư hàng trăm triệu đồng thuê một DN công nghệ thông tin (CNTT) xây dựng phần mềm quản lý để nâng cao hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, do trình độ công nghệ của phần lớn người lao động còn thấp nên sau hơn 1 năm, việc ứng dụng phần mềm quản lý vẫn chưa thực sự trơn tru. Chất lượng nguồn nhân lực hạn chế đã kìm hãm tốc độ ứng dụng công nghệ. Đây cũng là tình trạng chung của rất nhiều DN trên hành trình CĐS.

Theo bài viết với tựa đề “Here’s why HR is critical for digital transformation success” (tạm dịch “Lý do nguồn nhân lực là yếu tố then chốt cho thành công của CĐS”) đăng trên Forbes.com, mặc dù trung tâm của CĐS là công nghệ, nhưng quá trình này sẽ không thành công nếu bỏ qua vai trò cũng như tầm quan trọng của nguồn nhân lực. CĐS là quá trình diễn ra 2 chiều. Công nghệ giúp nâng cao tính hiệu quả từ các quyết định, chiến lược phát triển của các đơn vị, DN. Ngược lại, nhân lực giữ vai trò quan trọng từ xây dựng, triển khai ứng dụng mới cho đến cải tiến công nghệ để phù hợp với thực tế.

Bổ sung cho quan điểm trên, ông Nguyễn Cao Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng nguồn nhân lực thiếu sự tương tác, không chủ động sẽ là rào cản làm chậm hoặc khiến quá trình CĐS khó đạt hiệu quả như kỳ vọng. “Nếu chỉ tập trung vào công nghệ trong khi nhân sự thiếu kỹ năng, kiến thức thì chính con người sẽ phụ thuộc công nghệ. Đây có thể coi là mặt trái của CĐS”, ông Thắng nói.

Cùng chung nhận định, ông Lê Hồng Phong, Phó Giám đốc Giải pháp CNTT (Viettel Hải Dương) cho rằng trong quá trình CĐS, vai trò của nhân lực càng thể hiện rõ. Có công nghệ tốt nhưng thiếu nhân sự để triển khai thì tất cả vẫn là con số 0. 

Hình thành nguồn nhân lực số

Đào tạo kỹ năng CĐS, công nghệ số, dịch vụ số, kinh doanh số, xây dựng lực lượng nòng cốt, hình thành mạng lưới chuyên gia CĐS để dẫn dắt, tổ chức và lan tỏa tiến trình CĐS. Đây có thể coi là yếu tố then chốt, góp phần bảo đảm việc CĐS thành công. 

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết về CĐS giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp mà nghị quyết đề cập đó là phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình CĐS. Để đạt những mục tiêu đề ra, cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về CĐS. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ CNTT hiện có, đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu để trở thành các chuyên gia nòng cốt tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp về CĐS. Quan tâm thu hút nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao. Chủ động liên kết với các viện, trường, trung tâm nghiên cứu và các đối tác trong, ngoài nước để đào tạo nguồn nhân lực.

Để giải quyết một cách căn cơ bài toán nhân lực cho CĐS, nhất là phát triển xã hội số, nhiều ý kiến cho rằng cần triển khai giáo dục kiến thức, kỹ năng số trong cơ sở giáo dục các cấp. Trước mắt, các cơ quan nhà nước, tổ chức, DN cần chú trọng tổ chức đào tạo ngắn hạn về kỹ năng số cho các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị...

Ông Nguyễn Cao Thắng nhận định: “Muốn CĐS thành công, trước hết phải chuyển đổi con người thành công”. Ở đây nói đến việc đào tạo, hình thành đội ngũ nhân sự đủ kiến thức, kỹ năng để tiếp cận công nghệ mới trong các đơn vị, DN. Phát triển nguồn nhân lực CĐS là nền tảng quan trọng, góp phần bảo đảm tiến trình CĐS, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số nhanh, hiệu quả và bền vững. “Công nghệ tiên tiến là ổ khóa thì nhân lực tinh thông chính là chìa khóa mở ra cánh cửa thành công của CĐS”, ông Thắng nói thêm.

HÀ KIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguồn nhân lực - Chìa khóa thành công