Ứng dụng chữ ký số còn nhiều bất cập

26/09/2019 21:18

Ứng dụng chữ ký số không chỉ giúp các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn mang lại hiệu quả tích cực trong công tác cải cách hành chính.

Chữ ký số giúp các cơ quan, doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và thời gian trong cải cách thủ tục hành chính

Tuy nhiên, để ứng dụng chữ ký số rộng rãi cần có những thay đổi đồng bộ từ nhận thức tới các quy chuẩn hành chính, kỹ thuật.

Lợi ích

Chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử dựa trên công nghệ mã hóa công khai được dùng như một chữ ký cá nhân hoặc thay cho con dấu của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Chữ ký số có hai dạng gồm chữ ký số công cộng và chữ ký số hành chính.

Chữ ký số hành chính do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp và xác thực, còn chữ ký số công cộng dùng trong doanh nghiệp, người dân… do các đơn vị phát hành chữ ký số cung cấp như Viettel, VNPT, FPT, BKAV… Hiện chữ ký số được sử dụng nhiều trong các giao dịch điện tử như đầu tư chứng khoán, chuyển tiền ngân hàng, thanh toán trực tuyến, kê khai, nộp thuế trực tuyến, khai báo hải quan, thông quan...

Toàn tỉnh hiện có khoảng 12.000 cơ quan, đơn vị triển khai sử dụng chữ ký số do 8 đơn vị cung cấp, trong đó VNPT và Viettel chiếm thị phần lớn nhất trong lĩnh vực này. Ngoài ra, Ban Cơ yếu Chính phủ cũng cung cấp khoảng 1.200 chữ ký số cho các cơ quan nhà nước trong tỉnh để phục vụ công tác quản lý, điều hành, xử lý công việc và cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Ông Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT - VinaPhone Hải Dương cho biết: "Dịch vụ chữ ký số được VNPT triển khai từ năm 2010. Đến nay, có gần 8.000 tổ chức, doanh nghiệp tại Hải Dương sử dụng dịch vụ chữ ký số do VNPT cung cấp, chiếm trên 70% thị phần. Chúng tôi đang cung cấp hai loại gói cước cá nhân và doanh nghiệp với giá từ 385.000 - 1.823.000 đồng/năm". 

Áp dụng chữ ký số là một giải pháp hữu hiệu được triển khai tại nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để gửi văn bản nhanh chóng mà vẫn bảo đảm giá trị pháp lý qua mạng internet. Mỗi ngày, Công ty TNHH Đông Đô (TP Hải Dương) tiếp nhận và xử lý hàng trăm hoá đơn, giấy tờ. Năm 2015, công ty đã áp dụng chữ ký số để giải quyết các loại văn bản, giấy tờ này.

Chị Vũ Thị Thúy, Kế toán trưởng của Công ty TNHH Đông Đô cho biết: "Trước kia chúng tôi mất nhiều thời gian để viết tay và chuyển phát các văn bản, hóa đơn, chứng từ.

Từ khi áp dụng chữ ký số, chỉ bằng một vài thao tác trên máy tính, văn bản, hóa đơn đã được chuyển đến các cơ quan, đơn vị một cách nhanh chóng. Ngoài ra, việc áp dụng chữ ký số còn góp phần tiết kiệm gần 50% chi phí về in ấn và chuyển văn bản của đơn vị".

Hệ thống chưa đồng bộ

Mặc dù được nhiều đơn vị sử dụng nhưng chữ ký số vẫn còn một số rào cản liên quan đến kỹ thuật cũng như thiếu những văn bản hướng dẫn chi tiết. Chị Nguyễn Thị Kim Quế, Trưởng Phòng Công nghệ thông tin, Cục Thuế tỉnh cho biết: Hiện một số doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử tại Cục Thuế tỉnh nhưng không liên kết với ngân hàng khiến việc nộp thuế gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chủ yếu nộp thuế vào cuối tháng làm cho hệ thống hay bị tắc nghẽn cục bộ. Một số người dân chưa thực sự tin tưởng vào chữ ký số nên vẫn yêu cầu chữ ký và con dấu tươi.

Kho bạc Nhà nước tỉnh là một trong những đơn vị đầu tiên sử dụng dịch vụ chữ ký số. Nhưng đến nay một số văn bản, tài liệu vẫn chưa "số hóa" dẫn đến tình trạng vẫn phải sử dụng cả chữ ký tươi lẫn chữ ký số, ảnh hưởng tới chất lượng công việc và tâm lý của người sử dụng dịch vụ.

Đơn vị thường xuyên nhận được những tài liệu, văn bản có dung lượng lớn, trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng kịp nên hệ thống hay bị "treo". 

Theo ông Lê Hồng Phong, Giám đốc Khách hàng doanh nghiệp Viettel Hải Dương, hiện hạ tầng kỹ thuật tại nhiều cơ quan, doanh nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn nên khi sử dụng dịch vụ chữ ký số thường xảy ra lỗi.

Một số đơn vị lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số giá rẻ nên khi có sự cố thường không được hỗ trợ kỹ thuật. Việc chuẩn hóa thủ tục hành chính cũng cần các cấp, bộ, ngành quan tâm nhằm tránh tình trạng các đơn vị cung cấp gặp trở ngại trong quá trình xây dựng phần mềm. 

Theo khảo sát của Ban Cơ yếu Chính phủ, hiện các cơ quan nhà nước chủ yếu xử lý, phát hành văn bản, tài liệu điện tử qua định dạng PDF. Trong khi quá trình ký, kiểm tra chữ ký, vị trí ký số trên tài liệu PDF chưa thống nhất. Ngoài ra, vẫn còn thiếu các hướng dẫn cụ thể về chữ ký số trên các định dạng dữ liệu như XML, dữ liệu định dạng bất kỳ.

Đặc biệt, hướng dẫn thực hiện liên thông giữa hai hệ thống chứng thực công cộng và chứng thực chuyên dùng Chính phủ, hướng dẫn triển khai chữ ký số trên thiết bị di động còn nhiều hạn chế.

Ông Nguyễn Minh Kha, Trưởng Phòng Công nghệ, thông tin (Sở Thông tin và Truyền thông) cho biết: Ứng dụng chữ ký số đã giúp các cơ quan, đơn vị giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, công khai và minh bạch.

Tuy nhiên, các cơ quan, đơn vị cũng cần bảo đảm một số yếu tố làm nền tảng ứng dụng chữ ký số như đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống mạng hoạt động ổn định, nguồn nhân lực có chuyên môn tốt, đủ khả năng hỗ trợ người dùng.

"Chúng tôi đang nghiên cứu phương pháp triển khai tích hợp ứng dụng chữ ký số trên web và thiết bị di động thay vì phải sử dụng USB Token như hiện tại", ông Kha nói.

THÀNH LONG - ĐỖ QUYẾT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ứng dụng chữ ký số còn nhiều bất cập