Không cánh cửa nào là duy nhất

26/09/2021 20:00

"Lúc nhớ về thời điểm thi vào trường chuyên hay đứng trước ngưỡng cửa đại học, tôi luôn nghĩ rằng khi cánh cửa này đóng lại sẽ có cánh cửa khác mở ra, không có cánh cửa nào là duy nhất".


Anh Hiếu (ngoài cùng bên phải) nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới

Từng lỡ hẹn với ngành học mơ ước, nhưng bằng sự cố gắng không ngừng nghỉ, anh Phạm Sỹ Hiếu (sinh năm 1994, ở phường Tân Bình, TP Hải Dương) đã khẳng định mình bằng những công trình nghiên cứu, thành tích học tập xuất sắc.

Từ căn phòng thí nghiệm 4 m2...

Khi bắt đầu tiếp cận với bộ môn hóa học, cậu bé Hiếu đã tỏ ra thích thú, đam mê. Cậu mày mò tự làm nhiều thí nghiệm, nhờ bố mẹ mua cả phân đạm về để tìm hiểu, nghiên cứu. Tình yêu với môn hóa ngày càng lớn hơn khi cậu được người cha hướng dẫn, dìu dắt. Cũng từ đó, cậu bé Hiếu đã nuôi dưỡng ước mơ sau này được khoác trên mình chiếc áo blouse trắng. Đam mê môn hóa nên cậu đã đăng ký thi chuyên hóa của Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (TP Hải Dương) nhưng kết quả không được như mong muốn. Trước ngưỡng cửa đại học, ước mơ trở thành bác sĩ đã thôi thúc Hiếu thi vào Học viện Quân y, rồi Đại học Y Hà Nội, thế nhưng cả hai lần anh đều tiếc nuối khi điểm thi chỉ gần với điểm chuẩn.  

Do thi cả 2 khối A và B nên anh Hiếu đã quyết định chọn học tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Tại đây, anh đã đăng ký và được lựa chọn theo học một chương trình đào tạo đặc biệt của trường, đó là Khoa Hóa học theo chương trình Pháp ngữ. Chương trình này nặng gấp đôi so với bình thường do sinh viên vừa phải học tiếng Pháp, vừa học kiến thức chuyên ngành. Vào năm thứ ba đại học, anh cùng nhóm bạn tham gia nghiên cứu khoa học dưới sự hướng dẫn của thầy cô. Với anh, đó là một khoảng thời gian vô cùng đáng nhớ khi cùng nhóm bạn chế tạo một thiết bị cảm biến điện hóa dùng để nhận biết lượng đường trong máu hướng tới không xâm lấn cơ thể dưới sự hướng dẫn của thầy giáo. Việc chế tạo thiết bị này đòi hỏi quá trình thí nghiệm diễn ra với những điều kiện, tiêu chuẩn hết sức ngặt nghèo về độ ẩm, nhiệt độ… bởi nếu không đạt chuẩn, những yếu tố này có thể gây nhiễu, làm sai lệch kết quả, ảnh hưởng đến quá trình thí nghiệm. Lượng dung dịch dùng trong thí nghiệm chỉ cần một cái run tay hoặc một cơn gió nhẹ cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả. Miệt mài trong phòng thí nghiệm vài tháng trời, cuối cùng công sức của anh Hiếu và nhóm bạn cũng đã được ghi nhận khi công trình nghiên cứu được nhà trường trao giải.

Căn phòng thí nghiệm nhỏ bé, đặc biệt ấy đã dần nhen lên sự đam mê, thôi thúc anh khám phá lĩnh vực nghiên cứu các thiết bị siêu nhỏ. Chính sự cần cù, nỗ lực và đam mê của anh Hiếu đã giúp anh được cử sang Pháp làm thực tập tốt nghiệp dù không phải là sinh viên xuất sắc nhất lớp. Khi đón nhận thông tin này, bố mẹ anh cũng hết sức ngỡ ngàng, phải tìm đến tận nhà thầy giáo của con để… kiểm chứng bởi đây không phải cơ hội mà ai cũng có được. “Mãi đến khi tôi hoàn thiện các thủ tục cần thiết, bố mẹ tôi mới thực sự tin rằng tôi sẽ có một chuyến đi xa đến như thế”, anh Hiếu chia sẻ.


Anh Hiếu tâm niệm chỉ cần không ngừng cố gắng thì sẽ được đền đáp xứng đáng

...bước ra thế giới

Trên chuyến bay đến với phương trời Âu, tâm trí anh Phạm Sỹ Hiếu ngổn ngang những suy nghĩ với những háo hức, bồn chồn khi sắp đặt chân đến một miền đất mới. Những tháng ngày đầu tiên nơi xứ người, chàng trai trẻ gặp vô vàn khó khăn. Đó là rào cản về ngôn ngữ bởi khi ấy vốn tiếng Pháp của anh chưa tốt, là những sự khác biệt giữa hai nền văn hóa. Quá trình học tập cùng với những sinh viên đến từ nhiều nơi trên thế giới, những buổi giao lưu, gặp gỡ đã giúp vốn tiếng Pháp của anh được cải thiện, anh học cách hòa nhập, thích ứng với sự giao thoa đến từ nhiều nền văn hóa. Thời gian thực tập tốt nghiệp đã giúp anh mở mang nhiều kiến thức về những vật liệu siêu nhỏ. Anh tìm cơ hội và nhận được học bổng theo học thạc sĩ, tiến sĩ toàn phần tại Pháp và Bỉ.

Hiện anh đang là nghiên cứu sinh theo học bổng toàn phần của Liên minh châu Âu tại Phòng thí nghiệm Hóa học vật liệu, Đại học MONS (Bỉ) và Trung tâm Nghiên cứu xúc tác và hóa học chất rắn, Đại học Artois (Pháp). Đề tài tiến sĩ của anh là chế tạo linh kiện quang điện tử có kích thước siêu nhỏ. Các hướng nghiên cứu chính tập trung vào năng lượng tái tạo, pin và vật liệu tiên tiến góp phần mang đến những lợi ích cải thiện môi trường, thay thế các năng lượng nhiên liệu hóa thạch. Anh có niềm đam mê đặc biệt với công nghệ nano (lĩnh vực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo liên quan đến phát triển vật liệu và thiết bị dựa trên nguyên tử và phân tử). Những vật liệu tuy mang kích thước siêu nhỏ như sợi nano kim loại (thường có kích thước chỉ bằng 1/50.000 đường kính sợi tóc) nhưng lại có giá trị ứng dụng lớn trong cuộc sống. Theo anh, công nghệ nano là một hướng đi phát triển tiên quyết trong cuộc cách mạng về công nghệ trên quy mô toàn cầu. Ở Việt Nam, lĩnh vực này khá mới mẻ và còn nhiều dư địa để phát triển. Sự khó khăn khi theo đuổi, tìm hiểu về lĩnh vực này là phải đi từ các loại vật liệu sơ khai, rồi tổng hợp và kiểm soát chúng để có thể chế tạo ra thiết bị. Đây là cả một quá trình, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt phải có những thí nghiệm tốt để tạo tiền đề cho quá trình nghiên cứu, chế tạo. Mỗi khi gặp khó khăn, anh Hiếu lại nhớ về căn phòng thí nghiệm 4 m2 ở Việt Nam. “Tôi nhớ về những giọt mồ hôi rơi ở căn phòng không quạt, không điều hòa trong khi nhiệt độ ngoài trời là 37-38 độ C; nhớ sự tận tình hướng dẫn, những lời căn dặn của thầy về sự chăm chỉ, cẩn thận trong quá trình thí nghiệm và coi đó là động lực để vượt qua những thử thách", anh Hiếu chia sẻ.

Năm 2020, anh quyết định mang đề tài của mình tham dự cuộc thi Challenge Doctorant của Pháp. Với sự đồng hành của giáo sư hướng dẫn cùng những kết quả ban đầu từ thí nghiệm, anh vượt qua hơn 200 người để đi đến vòng cuối cùng gồm 6 người. Ở vòng này, anh trình bày trước các công ty và chuyên gia. Cả một công trình nghiên cứu được đúc kết, cô đọng, đưa ra những lập luận chặt chẽ thuyết phục ban giám khảo trong thời gian tối đa không quá 3 phút. Kết quả, anh là người Việt duy nhất nhận một trong những giải thưởng Challenge Doctorant năm 2020.

Đến nay, anh Hiếu đã có một số bài báo quốc tế, được mời tham dự nhiều hội nghị khoa học tại Mỹ, Đức, Pháp... Anh cùng nhóm nghiên cứu của mình đã chuẩn bị sản phẩm để tham gia cuộc thi InnoCity 2021- Cuộc thi đổi mới sáng tạo cho người trẻ Việt Nam. Thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19, mỗi năm anh về nước 1-2 lần để tham dự các sự kiện của trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu, một số hội nghị, hội thảo về khoa học - công nghệ... Thời gian này anh rất bận rộn với kế hoạch bảo vệ luận án tiến sĩ dự kiến diễn ra vào cuối năm nay.

Không chỉ gây ấn tượng với các thành tích trong quá trình học tập, nghiên cứu, anh Hiếu còn tích cực tham gia nhiều hoạt động phong trào. Từ năm 2019, anh đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại vương quốc Bỉ. Anh tham gia đề xuất, tổ chức nhiều hoạt động, chương trình giao lưu giữa các sinh viên, tạo điều kiện giúp đỡ họ trong quá trình học tập, hòa nhập với cuộc sống ở nước bạn. Ngoài ra, Hội Sinh viên Việt Nam tại vương quốc Bỉ còn tổ chức nhiều chương trình, hoạt động hướng về quê hương như: quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt, ủng hộ phòng chống dịch bệnh Covid-19. Anh từng được trao tặng danh hiệu "Sinh viên 5tốt" cấp Trung ương năm 2020 và nhận nhiều bằng khen, huy hiệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại sứ quán Việt Nam tại vương quốc Bỉ, Trung ương Đoàn, Hội Sinh viên Việt Nam...

Anh Hiếu chia sẻ: "Lúc nhớ về thời điểm thi vào trường chuyên hay đứng trước ngưỡng cửa đại học, tôi luôn nghĩ rằng khi cánh cửa này đóng lại sẽ có cánh cửa khác mở ra, không có cánh cửa nào là duy nhất".

Đúng như tâm sự của nghiên cứu sinh Phạm Sỹ Hiếu, đôi khi cuộc đời đưa đẩy chúng ta đến với những thứ không phải là sự lựa chọn ban đầu. Thế nhưng chỉ cần chúng ta không ngừng cố gắng thì bằng cách này hay cách khác chúng ta vẫn sẽ được đền đáp xứng đáng.

 HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không cánh cửa nào là duy nhất