Cần xây dựng cơ chế liên kết về kinh tế các tỉnh biên giới

30/09/2019 14:00

Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Lạng Sơn diễn ra sáng 30.9 với sự tham dự của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong, ngoài nước. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và chỉ đạo hội nghị.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị

Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Lạng Sơn với chủ đề: “Lạng Sơn: Điểm đến thành công của các nhà đầu tư” đã diễn ra sáng 30.9 với sự tham dự của 500 đại biểu là các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Đây là sự kiện xúc tiến thương mại quy mô lớn nhất trong năm 2019 của tỉnh Lạng Sơn – địa phương đang trên đường trở thành một vùng kinh tế trọng điểm của khu vực phía Bắc, đặc biệt là thương mại biên giới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự và phát biểu tại Hội nghị.

Cửa ngõ nối Trung Quốc và các nước ASEAN

Lạng Sơn là cửa ngõ quan trọng nối Trung Quốc và các nước ASEAN, là điểm đầu tiên của Việt Nam trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc)-Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng (Việt Nam), nằm cạnh tam giác kinh tế trọng điểm của quốc gia Hà Nội–Hải Phòng–Quảng Ninh.

Với hệ thống gồm 12 cửa khẩu quốc tế, quốc gia và các cửa khẩu phụ, từ năm 2007, Lạng Sơn đã được Chính phủ đưa vào quy hoạch xây dựng vùng biên giới Việt-Trung đến năm 2020 với mục tiêu trở thành vùng kinh tế động lực chủ đạo phía đông của miền Bắc.

Đặc biệt, tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn được đưa vào khai thác trong năm 2020 sẽ mở ra cơ hội rất lớn trong phát triển kinh tế-xã hội của khu vực này.

Đến năm 2018, tỉnh đã thu hút gần 3.000 doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham gia xuất nhập khẩu qua địa bàn với tổng kim ngạch đạt gần 5 tỷ USD, trong 9 tháng đầu 2019 đạt 3,2 tỷ USD.

Tỉnh cũng đã khai thác được lợi thế về sản xuất nông, lâm nghiệp, đã tạo dựng được thương hiệu và vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa có giá trị gia tăng cao.

Điển hình như các vùng cây ăn quả với các đặc sản: na, quýt, hồng; cây công nghiệp dài ngày với các đồi hồi, quế và thông. Khai thác lợi thế từ kinh tế đồi rừng, tỉnh đã trở thành vùng xuất khẩu nguyên liệu gỗ công nghiệp lớn trong cả nước với sản lượng, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp theo giá thực tế tăng từ 657 tỷ đồng năm 2010 lên 3.659 tỷ đồng năm 2018.

Trong hội nghị này, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn trao quyết định chủ trương đầu tư, quyết định lựa chọn nhà đầu tư, quyết định trúng đấu giá, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và ký biên bản ghi nhớ về hơn 100 dự án, với tổng vốn đầu tư khoảng 105 nghìn tỷ đồng.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị

Lạng Sơn kêu gọi đầu tư vào các dự án trong các lĩnh vực hạ tầng công nghiệp; hạ tầng giao thông, đô thị, xã hội; thương mại, dịch vụ, du lịch, thể dục thể thao; nông nghiệp -lâm nghiệp-nông thôn…

Môi trường đầu tư không ngừng được cải thiện

Thông tin với Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, với các chỉ số tốt, mức tăng trưởng của Việt Nam năm 2019 có thể đạt mức 7%. Thủ tướng đánh giá cao các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước–sức mạnh của nền kinh tế, đã đăng ký đầu tư vào Lạng Sơn tại hội nghị này.

Thủ tướng cũng hoan nghênh tỉnh Lạng Sơn đã chuẩn bị công phu, hiệu quả cho hội nghị.

Nhận xét về tình hình phát triển của Lạng Sơn, Thủ tướng đánh giá: Lĩnh vực kinh tế-xã hội phát triển mạnh mẽ, đồng đều, toàn diện, tăng trưởng GDP đạt 8,6%, thu ngân sách vượt kế hoạch, đời sống người dân được nâng lên rõ nét.

Trong phát triển tỉnh cũng hài hòa chính sách kinh tế, lồng ghép với xã hội và môi trường. Đặc biệt, tỉnh cũng đã phối hợp tốt với Bộ Giao thông Vận tải, các ngành, địa phương triển khai tuyến cao tốc Bắc Giang–Lạng Sơn; huy động mọi nguồn lực của tỉnh, trung ương, nhà đầu tư, qua đó rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội lên Lạng Sơn chỉ còn hai tiếng.

Đây là điều kiện quan trọng để thu hút phát triển. Thủ tướng đề nghị tỉnh cần sớm hoàn thiện tuyến cao tốc này đến cửa khẩu Hữu nghị.

Về lợi thế so sánh của tỉnh, Thủ tướng nhấn mạnh đến trên 200km đường biên giới, có mối quan hệ giao thương chặt chẽ với tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc. Lạng Sơn cũng là địa phương có môi trường đầu tư không ngừng được cải thiện; lãnh đạo tỉnh thường xuyên đối thoại, xử lý giải quyết các vướng mắc của nhà đầu tư. Từ đó, bộ mặt của thành phố Lạng Sơn và các địa phương trong tỉnh cũng không ngừng được cải thiện.

Thủ tướng cho rằng tuy có sự phát triển tốt nhưng Lạng Sơn vẫn là tỉnh có mức độ tăng trưởng chưa bền vững, thu nhập người dân còn ở mức thấp, thu ngân sách, nhất là nội địa còn hạn chế. Tỉnh cũng chưa có những sản phẩm nổi trội tham gia các chuỗi giá trị lớn; chưa tạo ra được những đột biến lớn về kinh tế cửa khẩu.

Trên cơ sở những nhận định này, Thủ tướng đặt ra yêu cầu cần tạo ra một dòng chảy kinh tế rõ nét tại Lạng Sơn bởi đây là cửa khẩu quan trọng trong các hành lang kinh tế mà không phải địa phương nào cũng có được.

Đặc biệt, Thủ tướng chỉ rõ, Lạng Sơn giáp thị trường lớn gồm 50 triệu dân của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) với GDP quy mô 30 tỷ USD và nhất là vùng Thủ đô Việt Nam với quy mô GDP 100 tỷ USD.

Kim ngạch xuất nhập khẩu kinh tế qua các cửa khẩu Lạng Sơn hàng năm đạt trên 5 tỷ USD, gấp 3,8 lần quy mô kinh tế của tỉnh. Thủ tướng cũng yêu cầu hàng hóa Việt Nam qua Trung Quốc cần đảm bảo chất lượng sản phẩm, xuất xứ rõ ràng, giữ uy tín.

Lạng Sơn cũng cần tiếp tục duy trì tốt mối quan hệ tốt với các tỉnh giáp biên của Trung Quốc, đảm bảo chất lượng hàng hóa, nhất là nông sản, hàng tiêu dùng.

Nhắc đến những địa danh du lịch nổi tiếng của Lạng Sơn, Thủ tướng nhấn mạnh đến Khu du lịch Mẫu Sơn với “cảnh sắc như chốn bồng lai tiên cảnh," có dư địa phát triển thậm chí còn cao hơn Sapa.

Ngoài ra, Lạng Sơn còn nổi tiếng với Động Tam Thanh, Nhị Thanh, Thành nhà Mạc, đó là những tiềm năng du lịch lớn cần khai thác, phát triển hơn nữa trong thời gian tới. Đồng thời, Lạng Sơn còn phong phú với nền tảng bản sắc văn hóa địa phương, có đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống.

“Nếu biết đầu tư và khai thác thì Mẫu Sơn và tiềm năng văn hóa ẩm thực của xứ Lạng sẽ là một điểm đến mới bùng nổ trong bản đồ du lịch của Việt Nam," Thủ tướng khẳng định.

Góp ý về một số định hướng phát triển của Lạng Sơn, Thủ tướng đề nghị cần xây dựng cơ chế liên kết các tỉnh biên giới, tạo ra tuyến hành lang kinh tế mạnh. Hợp tác tốt với các địa phương Trung Quốc, tạo ra một nền tảng kinh tế-xã hội tốt hơn cho khu vực này, qua đó tạo điều kiện vững chắc cho nhiệm vụ giữ gìn biên cương, phên dậu của Tổ quốc.

Khẳng định rằng Chính phủ cùng các bộ, ngành chung tay góp sức cho Lạng Sơn phát triển, Thủ tướng đưa ra ba trụ cột trong phát triển kinh tế -xã hội mà tỉnh cần lưu ý gồm: kinh tế cửa khẩu, du lịch bền vững, nông nghiệp thông minh gắn với công nghiệp chế biến thực phẩm.

Thủ tướng đề nghị Lạng Sơn, nhất là khu Kinh tế Cửa khẩu, cần tập trung phát triển hạ tầng thương mại du lịch, luân chuyển hàng hóa của các địa phương trong cả nước.
Do đó, tỉnh cần có tầm nhìn xa hơn trong quy hoạch, đầu tư với quy mô đủ lớn, tận dụng lợi thế kinh tế.

Đặc biệt, Thủ tướng cũng lưu ý rằng tỉnh cần kiểm soát việc hàng hóa Trung Quốc chuyển sang Việt Nam để lách thuế do đang xảy ra cuộc chiến thương mại. Tỉnh cần chú ý phát triển đô thị Lạng Sơn theo hương thành phố bản sắc, thành phố xanh; đẩy mạnh ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 trong thanh toán, thương mại, nâng cao năng suất lao động; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách mạnh mẽ nền hành chính công; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nhất là nâng cao chất lượng giáo dục.

Thủ tướng cũng lưu ý Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Lạng Sơn cần chú trọng nhiệm vụ an ninh-quốc phòng, tránh lơ là, chủ quan, bị động; tăng cường phòng, chống tội phạm vùng biên giới; phối hợp tốt với phía Trung Quốc trong phòng, chống tội phạm buôn lậu, tôi phạm buôn bán người, buôn bán ma túy…

Thủ tướng chỉ đạo Lạng Sơn sau hội nghị lần này cần bắt tay tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án đã được ký kết. Khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư thành công, Thủ tướng cũng mong muốn các nhà đầu tư “nói đi đôi với làm," biến các cam kết đầu tư thành hành động cụ thể.

(0) Bình luận
Cần xây dựng cơ chế liên kết về kinh tế các tỉnh biên giới