Căng mình cấp điện mùa nắng nóng

01/08/2020 20:02

So với những mùa khác trong năm, việc cấp điện mùa nắng nóng căng thẳng hơn. Để xử lý kịp thời các sự cố điện, cán bộ, công nhân ngành điện Hải Dương luôn phải làm việc trong điều kiện, môi trường khắc nghiệt.


Bất kể thời gian nào trong ngày, mỗi khi xảy ra sự cố, công nhân ngành điện phải kịp thời xử lý để cấp điện trở lại cho người dân

Quá tải

Ngày 16.7 vừa qua, trong quá trình kiểm tra vận hành, cán bộ, công nhân trạm biến áp (TBA) 110 kV Phúc Điền (Cẩm Giàng) phát hiện máy biến áp (MBA) T1 bị phóng điện chân sứ. Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương đã loại MBA trên ra khỏi quy trình vận hành để sửa chữa; đồng thời san tải các TBA 110 kV Đồng Niên, Đại An... tại TP Hải Dương để hỗ trợ. "Việc hỗ trợ chỉ trong 1 ngày nhưng chúng tôi thật sự căng thẳng do thời tiết nắng nóng kéo dài, các TBA luôn hoạt động trong tình trạng đầy tải. Cấp điện thêm cho một số khu vực khác rất dễ bị quá tải và xảy ra sự cố. Chúng tôi phải theo dõi sát để có biện pháp điều chỉnh kịp thời, tránh để xảy ra mất điện", ông Quảng Dương, Phó Giám đốc Điện lực TP Hải Dương cho biết. 

Nếu những mùa hè năm trước, xen kẽ các đợt nắng nóng thường xuất hiện các trận mưa dông hạ nhiệt trong vài ba ngày thì năm nay hoàn toàn trái ngược. Nắng nóng kéo dài làm cho máy móc và con người đều rơi vào tình trạng quá tải. Các thiết bị điện không chỉ chịu ảnh hưởng sức nóng ngoài trời mà trong quá trình vận hành cũng tự tỏa nhiệt nên rất dễ xảy ra sự cố. 

Áp lực cấp điện trong mùa nắng nóng không chỉ xảy ra tại khu vực TP Hải Dương, nơi tập trung đông dân cư mà còn diễn ra ở tất cả các địa phương khác. Năm 2019, nhánh Tam Kỳ - Đại Đức thuộc TBA 110 kV Lai Khê (Kim Thành) vẫn bảo đảm cấp điện sinh hoạt cho người dân. Nhưng mùa nắng nóng năm nay, do nhu cầu sử dụng điện của khách hàng tăng đột biến, đường dây luôn bị quá tải nên hay mất điện hoặc điện yếu.

Công nhân mệt mỏi

Mỗi khi xảy ra sự cố như nhảy aptomat, đứt dây hoặc nổ cầu chì... công nhân phải đợi từ 20-30 phút cho thiết bị nguội mới sửa chữa và đóng điện trở lại. Khi mất điện xảy ra vào khoảng thời gian từ 21-23 giờ khiến người dân bức xúc và tạo áp lực cho công nhân. Ông Nguyễn Đức Tuấn, Giám đốc Điện lực Kim Thành cho biết: "Ngày bình thường chỉ có 2 người/ca trực, nhưng những ngày nắng nóng tăng lên 4 người/ca, đồng thời dự phòng thêm 4 người. Việc bố trí này giúp nhanh chóng tiếp cận sự cố và xử lý kịp thời vì trong một đêm có thể xảy ra vài sự cố".

Mặc dù ban đêm phải trực và xử lý sự cố, nhưng ban ngày vẫn đi làm bình thường khiến công nhân khá áp lực. Anh Trần Thành Công (Điện lực TP Hải Dương) cho biết: "Ban đêm chúng tôi xử lý sự cố nhanh để cấp lại điện, còn ban ngày sẽ tìm nguyên nhân cụ thể của sự cố để có biện pháp xử lý, bảo đảm cấp điện lâu dài. Thời tiết nắng nóng, áp lực công việc cao khiến chúng tôi thật sự mệt mỏi".

Làm việc trong môi trường nguy hiểm, nắng nóng kéo dài, sức khỏe của công nhân giảm sút. Trước tình hình đó, Công đoàn Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương đã đi thăm, tặng quà cho công nhân phải xử lý sự cố ban đêm. Điện lực các địa phương chủ động bố trí kinh phí nâng cao chất lượng bữa ăn cho công nhân để họ có đủ sức khỏe chống chọi với nắng nóng. 

THANH HÀ

(0) Bình luận
Căng mình cấp điện mùa nắng nóng