Chí Linh gỡ vướng trong hỗ trợ làm đường

24/03/2020 14:39

TP Chí Linh đang tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong phát triển giao thông nông thôn ở các xã từng thuộc diện đặc biệt khó khăn.


TP Chí Linh đầu tư hơn 3 tỷ đồng nâng cấp cầu và ngầm Cổ Mệnh ở thôn Mệnh Trường để tiếp tục hoàn thiện tuyến đường trục xã Bắc An

Từng là động lực

Ngày 5.3.2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg về danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn. TP Chí Linh khi ấy có 5 địa phương gồm Kênh Giang và Văn Đức (nay sáp nhập và nâng cấp thành phường Văn Đức), Hoàng Hoa Thám, Bắc An và Hưng Đạo là các xã đặc biệt khó khăn, được hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó có đường giao thông nông thôn.

Ngoài được nhận xi măng theo Đề án xây dựng và phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2011-2015 của tỉnh, TP Chí Linh hỗ trợ kinh phí khảo sát thiết kế kỹ thuật, các địa phương này còn được Trung ương hỗ trợ thêm khoảng 230-260 triệu đồng/km đường, tùy theo quy mô, chất lượng.

"Những hỗ trợ đó là động lực quan trọng cho các xã khó khăn bứt phá quyết tâm cải tạo, nâng cấp đường giao thông nông thôn, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương khó khăn ở Chí Linh", ông Nguyễn Văn Thắm, Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Chí Linh khẳng định.

Nằm ở vùng đồi rừng xa xôi nên trước năm 2014, hệ thống giao thông của xã Bắc An thuộc nhóm khó khăn nhất tỉnh. Gần 10 km đường liên xã có khoảng 1/2 được trải đá cấp phối, còn lại 3,5 km đường trục xã, hơn 13 km đường trục thôn, gần 39 km đường ngõ xóm, hơn 16km đường sản xuất hầu hết đều bằng đất, nhỏ hẹp...

Khi có các chương trình hỗ trợ, nhất là cơ chế hỗ trợ đặc thù cho xã đặc biệt khó khăn làm đường giao thông, người dân rất phấn khởi, đồng lòng hiến đất, góp công sức mở rộng, nâng cấp đường.

Chín Hạ là 1 trong 9 thôn của xã Bắc An có đến hơn 3 km đường thôn, ngõ xóm, đường trục ra đồng được cứng hóa hoặc trải sỏi cấp phối. Được Trung ương, tỉnh và TP Chí Linh hỗ trợ, người dân Chín Hạ (đa số là người Sán Dìu) đã vượt qua điều kiện khó khăn của vùng rừng núi, góp công, góp sức bê tông hóa hầu hết đường giao thông... Khách đến đây mua gà đồi có thể đi xe ô tô đến tận các trang trại, gia trại. 

Sau 2 năm phát động, đường giao thông nông thôn ở Bắc An đã thay đổi rõ rệt. Đến năm 2017, cả xã làm được 28 km đường. Hầu hết các tuyến trục chính nối các thôn và trong các thôn đều được đổ bê tông rộng từ 5-7 m.


Đường trục khu dân cư Khê Khẩu (phường Văn Đức) đã hoàn thành gần 5 năm nay vẫn còn nợ tiền đầu tư

Vướng mắc nảy sinh

Bên cạnh niềm vui có đường mới, người dân còn nhiều băn khoăn vì chưa nhận được tiền hỗ trợ như đã quy định. Đặc điểm các thôn của xã Bắc An là diện tích đất rộng nhưng dân cư thưa thớt.

Để làm đường người dân phải đóng góp số tiền rất lớn, trung bình 6 triệu đồng/khẩu. Khi biết sẽ được nhận tiền hỗ trợ của Trung ương làm đường nên sau khi thống nhất với bà con, ông Vũ Văn Hòa (là trưởng thôn lúc đó) đã tự thế chấp tài sản để vay ngân hàng tiền làm đường.

Hiện nay ông đã nghỉ mà vẫn phải gánh nợ hộ thôn gần 100 triệu đồng. "Theo quy định, chúng tôi được hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa nhận được số tiền này. Nhiều người dân trong thôn thắc mắc không biết đến khi nào mới được nhận", ông Lê Văn Thịnh, Bí thư kiêm Trưởng thôn Lộc Đa, xã Bắc An nói.

Các khu dân cư của phường Văn Đức cũng mong mỏi sớm nhận được tiền hỗ trợ đặc thù cho vùng đặc biệt khó khăn. Để làm được đường giao thông, các hộ ở khu dân cư Khê Khẩu đã phải đóng góp số tiền lên đến 2,4 triệu đồng/khẩu.

Thôn cũng phải vay thêm của người dân để làm đường với hy vọng khi nhận được hỗ trợ thì sẽ trả lại cho người dân. Nhiều năm trôi qua, đến nay thôn vẫn còn nợ dân 60 triệu đồng. Ông Đồng Văn Lan, Bí thư kiêm Trưởng khu Khê Khẩu cho biết: "Người dân rất vui mừng với cơ chế hỗ trợ của Nhà nước nhưng nay đã thấy oải vì chờ đợi".

Đến nay đã gần 5 năm sau khi nâng cấp, mở rộng xong đường thôn, xóm mà các xã chưa được hỗ trợ. Nguyên nhân chủ yếu do quy định về các xã đặc biệt khó khăn đã thay đổi nhưng các địa phương chưa cập nhật. Cụ thể, ngày 26.6.2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1049/2014/QĐ-TTg thay thế cho Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg.

Theo đó, 5 xã trên không còn thuộc diện đặc biệt khó khăn nên không được hỗ trợ theo cơ chế đặc thù. Theo Phòng Quản lý đô thị TP Chí Linh, tổng kinh phí hỗ trợ cho gần 68 km đường giao thông nông thôn theo cơ chế đặc thù ở TP Chí Linh là hơn 17 tỷ đồng.

Thời gian qua, TP Chí Linh đã nhiều lần kiến nghị các ngành, các cấp giải quyết triệt để vướng mắc này bởi liên quan đến quyền lợi trực tiếp của người dân và các chương trình vận động xã hội hóa.

Vì thế, tỉnh đã đồng ý để UBND TP Chí Linh trích ngân sách hỗ trợ người dân. TP Chí Linh cũng đã bố trí đủ kinh phí để hỗ trợ theo cơ chế đặc thù xây dựng giao thông giai đoạn 2011-2015 cho các xã khó khăn chưa được hỗ trợ.

Hiện nay, kế hoạch giải ngân đang được tập trung thực hiện nhằm giải quyết dứt điểm vướng mắc kéo dài. Việc này sẽ giúp các thôn, khu dân cư tập trung trả những khoản nợ kéo dài từ nhiều năm trước và có kinh phí để tiếp tục cải tạo, nâng cấp đường giao thông. Những băn khoăn của người dân cũng sẽ được giải quyết.

LONG THỦY

(0) Bình luận
Chí Linh gỡ vướng trong hỗ trợ làm đường