Cửa ngõ thông thoáng, không gian đô thị rộng mở

22/10/2020 07:03

Nhiều dự án, công trình hạ tầng giao thông đang được triển khai giúp mở rộng cửa ngõ vào trung tâm các đô thị, mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.


Nhiều dự án, công trình hạ tầng giao thông đang được triển khai tại TP Chí Linh góp phần khai thông cửa ngõ đô thị, tạo nền tảng phát triển kinh tế-xã hội bền vững

Thời gian qua, hàng loạt công trình giao thông được đầu tư mở rộng đang góp phần thay đổi diện mạo các đô thị trung tâm cấp huyện trong tỉnh.

Khơi thông

Nhiều năm trước, ra vào thị xã Kinh Môn hầu hết phải qua đò, phà. Sau khi các cầu An Thái, Đá Vách, Hiệp Thượng được xây dựng, việc đi lại dễ dàng hơn nhưng vẫn còn nhiều bất cập do đường dẫn, hạ tầng kỹ thuật giao thông chưa đồng bộ. Các tuyến đường huyết mạch như quốc lộ 17B, đường tỉnh 389, 389B còn nhỏ hẹp, nhiều đoạn cong cua, xuống cấp... Để phát huy những lợi thế phát triển công nghiệp, dịch vụ, vận tải, thị xã đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là nâng cấp hệ thống giao thông. Thị xã đã tập trung cải tạo, nâng cấp hàng chục công trình giao thông như đường ĐH 05 (đoạn từ đường tỉnh 389 đến đình Huề Trì, xã An Phụ), đường tỉnh 389 đoạn phường Hiệp Sơn, đường từ cầu An Lưu 2 đến ngã tư Tây Sơn (phường Hiệp An)...

Tháng 6 năm nay, UBND huyện Kim Thành đã đề nghị xây dựng nút giao thông tại khu vực thị trấn Phú Thái. Trước đó, từ tháng 8.2019, để giảm áp lực giao thông cũng như thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, UBND huyện đã triển khai đầu tư dự án đường tránh thị trấn Phú Thái.

Hơn nửa năm trước, tuyến đường trục dẫn vào trung tâm huyện Ninh Giang ĐH 01 (trước kia là quốc lộ 37 đoạn từ km30+325 đến km 36) được triển khai thi công. Tuyến đường có tổng chiều dài 5,657 km, điểm đầu tại cầu Chanh, điểm cuối giao với quốc lộ 37. Hơn 2,3 km đoạn thị trấn Ninh Giang đã được đầu tư nâng cấp theo quy mô đường cấp III đồng bằng.

Đầu năm nay, UBND huyện Ninh Giang phê duyệt quyết định nâng cấp hơn 3,3 km còn lại của tuyến đường trên đi qua các xã Đồng Tâm, Vĩnh Hòa, Tân Hương và Ninh Thành (nay là xã Tân Hương) với tổng mức đầu tư hơn 180 tỷ đồng. Dự án được chia thành 2 giai đoạn gồm thi công xây dựng phần nền đường có thiết kế rộng gấp ba thành 27 m, mặt đường rộng 15 m và vỉa hè 10 m. Hệ thống thoát nước, biển báo tín hiệu giao thông, điểm dừng đỗ xe buýt và các hạng mục còn lại của công trình đều được đầu tư xây dựng đồng bộ. Sau 7 tháng thi công, tuyến đường đã cơ bản xong nhiều hạng mục như đặt cống hộp; một số đoạn đã được trải nhựa cơ bản.

Ở các huyện Bình Giang, Tứ Kỳ... hàng loạt công trình, dự án giao thông cũng đang được đầu tư xây dựng. Trong tương lai, những công trình, dự án này hoàn thành không chỉ tạo sự thông thoáng cho giao thông khu vực mà còn tạo thuận lợi trong mở rộng không gian các đô thị.

Hướng tới nhiều đích


Cửa ngõ thị trấn Ninh Giang đang được mở rộng

Những dự án, công trình giao thông nêu trên sẽ giúp tạo dựng nền tảng hạ tầng kỹ thuật mới, nhất là cải thiện hạ tầng giao thông, giảm dần các điểm đen, góp phần thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Hàng loạt dự án công nghiệp, dịch vụ, khu dân cư mới đã được xác định trên quy hoạch vùng huyện Ninh Giang mới, nhất là trên quy hoạch điều chỉnh mở rộng thị trấn Ninh Giang theo lộ trình lên đô thị loại IV, loại III trong tương lai. Nhiều dự án đã được nhà đầu tư nghiên cứu và đề xuất phương án, trong đó có quy hoạch xây dựng cảng trung chuyển nội địa rộng khoảng 4ha nằm trong quy hoạch phát triển công nghiệp huyện.

“Sau khi hoàn thành thi công, tuyến đường trọng điểm ĐH 01 sẽ đáp ứng 2 mục tiêu phát triển. Đó là mở rộng cửa ngõ vào trung tâm huyện và tạo điều kiện thúc đẩy giao thương hàng hóa, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, ông Nguyễn Đình Tranh, Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang cho biết.

Với huyện Tứ Kỳ, dự án đường Tây Nguyên kéo dài sẽ mở ra cơ hội lớn trong phát triển kinh tế cho khu vực thị trấn. "Đây là dự án được người dân chúng tôi mong chờ. Hy vọng tuyến đường mới sẽ tạo nên diện mạo đô thị khang trang, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, ùn ứ nước thải sinh hoạt lâu nay", ông Đỗ Văn Do, người dân khu dân cư An Nhân Đông, thị trấn Tứ Kỳ cho biết.

Trong sự phát triển chung của tỉnh những năm qua, diện mạo các đô thị cấp huyện đã từng bước đổi thay. Quốc lộ 38 đoạn tránh Kẻ Sặt và cầu Sặt mới tạo thuận lợi mở rộng thị trấn này lên gấp cả chục lần, tạo lõi cho đô thị loại IV và thị xã Bình Giang không xa.

Nhiều dự án, công trình hạ tầng giao thông đang được triển khai như tuyến đường tránh TP Chí Linh nối quốc lộ18 với quốc lộ 37, đường tránh thị trấn Tứ Kỳ… góp phần khai thông cửa ngõ các đô thị, tạo nền tảng phát triển bền vững. Theo ông Nguyễn Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND TP Chí Linh, mục tiêu dự án xây dựng đường tránh nối 2 quốc lộ 18 và 37 không chỉ nhằm khắc phục tình trạng thường xuyên ùn tắc giao thông nội thành mà còn góp phần mở rộng không gian đô thị, tăng cường kết nối Chí Linh với các tỉnh lân cận.

THÀNH LONG - HÀ KIÊN

(0) Bình luận
Cửa ngõ thông thoáng, không gian đô thị rộng mở