Dịch vụ đúc hoa văn trang trí đắt hàng

21/07/2019 15:44

Dịch vụ đúc và bán hoa văn trang trí đang được nhiều khách hàng ưa chuộng, tạo việc làm, thu nhập khá cho nhiều lao động.

Anh Nguyễn Văn Khá tạo hình sản phẩm mẫu

Dịch vụ đúc và bán hoa văn trang trí bằng chất liệu bê tông xi măng với chủng loại đa dạng đang được nhiều khách hàng ưa chuộng, mang lại nguồn thu nhập cao và tạo việc làm thường xuyên cho một số lao động địa phương.

Kỳ công tạo khuôn

Chúng tôi đến xưởng hoa văn mỹ thuật của anh Nguyễn Văn Khá ở cạnh quốc lộ 5 thuộc thôn Xuân Mang, xã Tuấn Hưng (Kim Thành) để tìm hiểu về cách tạo hình và quy trình đúc hoa văn trang trí. Hàng trăm sản phẩm hoa văn, linh vật, con vật khác nhau được bày bán từ ngoài vào trong xưởng. Tiếng còi, xe chạy rầm rập trên quốc lộ cũng không át nổi tiếng đảo vữa, tiếng gõ "đốp, chát" ra khuôn và không khí nhộn nhịp của những người thợ đang tạo hình các khuôn giống, nhân bản ra hàng loạt sản phẩm.

Anh Khá chia sẻ: "Khó nhất là tạo sản phẩm mẫu, từ đó mới có thể nhân bản ra các sản phẩm khác. Để tạo con giống cần phải có đôi bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú. Tùy theo mẫu đặt hàng của khách hoặc cách sáng tạo mà tạo hình. Sản phẩm tạo hình khó nhất là các linh vật rồng, phượng, nghê, hạc".

Nghề này đòi hỏi phải có tay nghề cao và không phải ai cũng làm được. Sau khi có con giống, công đoạn khó hơn nữa là tạo khuôn. Để tạo khuôn sản phẩm mới có 2 cách là tạo bằng khuôn nhựa composite và khuôn mềm silicon. Khuôn composite để tạo ra những sản phẩm có bề mặt phẳng, nhẵn và những họa tiết đơn giản; khuôn mềm silicon để tạo những sản phẩm có họa tiết khó, bề mặt lồi lõm, góc cạnh.

Anh Nguyễn Thế Hùng, chủ cơ sở hoa văn trang trí ở thôn Phú Quân, xã Cẩm Định (Cẩm Giàng) chia sẻ: "Lúc đầu mới làm khuôn mẫu cũng gặp khó khăn về kỹ thuật. Nếu tạo một khuôn không thành công sẽ kéo theo vật liệu, công thợ cũng mất nên thiệt hại tiền triệu là bình thường".

Sau khi có khuôn, người thợ đánh giấy ráp, sơn bóng, be cát xung quanh khuôn để định vị rồi đổ xi măng cát và đặt kết cấu thép vào lòng khuôn, chờ xi măng đủ 8 giờ trở lên có thể lật khuôn để vệ sinh bề mặt, các cạnh, ba via mép của sản phẩm cho đẹp là hoàn thiện một sản phẩm mới.

Trong tỉnh hiện có hàng chục đại lý nhập hoa văn trang trí về bán lẻ, nhưng cơ sở vừa tạo hình, đúc hoa văn và cung cấp cho thị trường chỉ đếm trên đầu ngón tay, tập trung chủ yếu ở các huyện Kim Thành, Nam Sách, Cẩm Giàng.

Đa dạng sản phẩm

Khi phong trào làm nhà thờ họ, từ đường, làm mộ, tu bổ các công trình đình, chùa, đền, miếu và các tòa nhà có kiến trúc hoa văn Pháp bắt đầu phát triển, các cơ sở đúc hoa văn trang trí đã tạo hình nhiều sản phẩm phức tạp khác nhau để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Sản phẩm chủ yếu là các con rồng, phượng, hạc, nghê, hoa văn họa tiết đình, chùa, mộ và hoa văn Pháp. Các cơ sở cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh. Giá mỗi sản phẩm từ 50.000 - 5 triệu đồng tùy loại. Đắt nhất vẫn là các sản phẩm rồng, hạc, nghê, cuốn thư, đỉnh hương và cột đèn.

Thời gian bận rộn nhất của những người làm nghề này là cuối năm, khách đến đặt, mua hàng tấp nập. Do nhiều người làm mộ, nhà thờ cho tổ tiên, nên rồng chầu nguyệt và đao rồng, đao phượng, con kìm, lá lật bán chạy nhất.

Nhiều thợ chuyên đắp vẽ hoa văn đình chùa cũng đặt mua sản phẩm đúc sẵn thay vì nhận đắp trực tiếp như trước. Hơn nữa, có sản phẩm đúc khuôn thì thợ xây lành nghề cũng có thể thi công lắp đặt được, không còn phụ thuộc quá nhiều vào nghệ nhân đắp tượng như trước. Anh Nguyễn Văn Cường, một thợ chuyên đắp hoa văn đình chùa ở huyện Kinh Môn cho biết: "Từ khi sản phẩm đúc hoa văn đình chùa có mẫu mã đa dạng, tôi đã mua các sản phẩm đúc sẵn nhiều hơn, giúp tiết kiệm chi phí, giảm được ngày công và thi công được nhiều công trình. Nhưng một số sản phẩm khách hàng vẫn yêu cầu đắp trực tiếp". 

Phong trào xây nhà theo kiến trúc, hoa văn Pháp cũng phát triển nên các sản phẩm như phù điêu mặt ngọc, đuôi chuông, quốc huy Pháp, đấu cột… cũng được nhiều khách hàng ưa thích. Cửa hàng đại lý bán hoa văn Thọ Huệ ở thị trấn Gia Lộc thường lấy sản phẩm hoa văn trang trí về bán. Theo chủ đại lý này, ngoài sản phẩm hoa văn đình chùa thì hoa văn kiểu Pháp cũng đang được các khách hàng lấy nhiều, nhiều khi không đủ hàng bán.

Hiện nay, một số cơ sở đã cùng nhau thành lập Hội Hoa văn mỹ thuật, thành viên là những đại lý bán, cơ sở đúc hoa văn ở một số huyện trong tỉnh và các tỉnh, thành phố khác như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, mở rộng thị trường.

Nghề tạo hình hoa văn đã tạo việc làm, thu nhập khá cho nhiều lao động. Xưởng của anh Khá có gần 10 công nhân lao động thường xuyên, thu nhập từ 6 - 6,3 triệu đồng/người/tháng. Đơn hàng nhiều, đầu ra ổn định nên từ năm 2012 đến nay, trừ chi phí, cơ sở của anh thu lãi khoảng 500 triệu đồng/năm. "Tôi làm việc tại đây đã được 5 năm, mức lương và công việc khá ổn định so với mặt bằng ở nông thôn. Có vụ gặt hay cấy chúng tôi nghỉ 1-2 ngày để thuê người làm sau đó quay lại xưởng làm việc. Ban đầu công việc cũng khó nhưng làm nhiều thành quen, bây giờ tôi đã có thể đắp được những sản phẩm đơn giản", chị Lê Thị Thúy, công nhân tại xưởng của anh Khá chia sẻ.

Cơ sở của anh Hùng quy mô nhỏ hơn nhưng cũng mang lại nguồn thu nhập khá so với mặt bằng chung ở nông thôn. Trừ chi phí, anh thu lãi hơn 200 triệu đồng mỗi năm. Hiện cơ sở có 3 lao động làm việc thường xuyên, thu nhập khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.

THẾ ANH

(0) Bình luận
Dịch vụ đúc hoa văn trang trí đắt hàng