Dự án bến xe khách phía tây TP Hải Dương: Hơn 10 năm vẫn còn dang dở

18/06/2020 06:32

Với mục tiêu đầu tư xây dựng thành một bến xe lớn nhưng triển khai đã hơn 10 năm, dự án bến xe khách phía tây TP Hải Dương vẫn dang dở.

Mặt bằng xây dựng bến xe khách phía tây TP Hải Dương đang được sử dụng như một bãi đỗ tạm

Nhiều nguyên nhân

Dự án đầu tư xây dựng bến xe khách phía tây TP Hải Dương do Công ty TNHH Xây dựng Việt Thanh (Công ty Việt Thanh) làm chủ đầu tư, được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu ngày 5.11.2009. Dự án sử dụng 16.152,6 m2 đất (đều nằm trong khu đất do Trung tâm Truyền giống gia súc Hải Dương quản lý, sử dụng, thuộc phường Tứ Minh, TP Hải Dương). Theo dự kiến ban đầu, bến xe khách phía tây TP Hải Dương sẽ đi vào hoạt động từ tháng 11.2012, nhưng mục tiêu đó đã không đạt được. Giấy chứng nhận đầu tư của dự án này đã thay đổi 3 lần vào các năm 2009, 2014 và 2015, tiến độ thực hiện điều chỉnh đến ngày 31.12.2018 phải hoàn thành và đưa vào hoạt động.

Theo biên bản làm việc của đoàn thanh tra thuộc Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) ngày 4.9.2019, nguyên nhân triển khai dự án này chậm trễ do quyết định thu hồi, giao và cho thuê đất chậm. Lẽ ra việc này phải được thực hiện từ ngày 20.1.2010 nhưng đến ngày 29.9.2015 mới được duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất giải phóng mặt bằng. Đến ngày 6.2.2015 mới có quyết định điều chỉnh từ hình thức giao đất có thu tiền sử dụng một lần sang thuê đất trả tiền hằng năm. Ngày 27.6.2016 thực hiện bàn giao đất tại thực địa nhưng đến ngày 16.11.2017 mới có văn bản thông báo về đơn giá thuê đất. Sau đó đến ngày 27.11.2017 hợp đồng thuê đất mới được ký và ngày 27.12.2017 Công ty Việt Thanh mới được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ngoài khoảng 10 tỷ đồng dành cho giải phóng mặt bằng, đến nay Công ty Việt Thanh mới đầu tư hơn 3,5 tỷ đồng để san lấp mặt bằng và xây dựng nhà tạm, khảo sát thiết kế các hạng mục công trình, thẩm định hệ thống phòng chống cháy nổ, hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng... Theo ông Đỗ Hữu Vang, Giám đốc công ty, từ tháng 8.2018 đến nay dự án phải tạm dừng thi công và đề nghị được điều chỉnh lại quy hoạch chi tiết. Nguyên nhân do tại ngã tư trên đường An Định liền kề vị trí quy hoạch cổng ra vào bến xe đã được lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông nên giờ cao điểm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của bến xe sau này. Bên cạnh đó, một số hạng mục công trình chính cũng đề nghị điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tế. "Tiến độ đầu tư dự án chậm, việc thi công kéo dài làm doanh nghiệp mệt mỏi, nảy sinh thêm không ít khó khăn," ông Vang cho biết.

Mô hình dịch vụ đa dạng

Theo giấy chứng nhận đầu tư mới được điều chỉnh tháng 11.2019, đây là bến xe khách loại 2 (công suất 300 lượt xe/ngày đêm, lưu lượng khách xuất bến khoảng 5.000 lượt/ngày đêm); mỗi năm kinh doanh 60 xe ô tô, 1.500 xe máy; sửa chữa, bảo dưỡng 200 lượt ô tô, 1.500 lượt xe máy. Xây dựng cửa hàng kinh doanh xăng dầu loại 3, kinh doanh xăng dầu các loại quy mô 1.350 m3/năm. Ngoài ra, doanh nghiệp còn xây dựng và kinh doanh khách sạn tiêu chuẩn 2 sao, quy mô 50 phòng nghỉ; cho thuê văn phòng với tổng diện tích 4.722 m2 sàn; dịch vụ ăn uống, phục vụ 22.400 lượt khách/năm. 

Cùng với các đề xuất điều chỉnh vị trí các cổng ra, vào bến xe, nhà điều hành - dịch vụ cũng được xin nâng từ 9 tầng lên thành 15 tầng...

Theo Quy hoạch mạng lưới vận tải hành khách cố định liên tỉnh giai đoạn 2014-2020, trong giai đoạn 2016-2020 sẽ điều chỉnh một số tuyến từ bến xe Hải Dương và bến xe Hải Tân sang bến xe phía tây; mở thêm 9 tuyến mới từ các bến xe hiện tại đi các tỉnh, thành phố và mở thêm 74 tuyến cố định mới từ các bến xe mới được xây dựng trong giai đoạn 2015-2020 như các bến xe: phía đông Sao Đỏ, Kinh Môn, Quý Cao, Gia Lộc, Kim Thành; mở các tuyến vận tải khách cố định trên các hành lang vận tải khách lớn đi các tỉnh, thành phố Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Đà Nẵng... Dự báo đến năm 2030 sẽ có tổng số 220 tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh. Khi đó, bến xe khách phía tây sẽ là bến có diện tích lớn nhất tại TP Hải Dương.

"Được đầu tư ở địa điểm khá thông thoáng, bến xe này sẽ thuận lợi cho hành khách và các doanh nghiệp vận tải hoạt động. Xu hướng chung việc kinh doanh dịch vụ của bến xe sẽ phải đa dạng như bán vé xe khách, dịch vụ ăn uống, nghỉ đêm, dịch vụ bảo dưỡng, trông giữ xe, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu…", ông Lê Quý Tiệp, Giám đốc Sở Giao thông vận tải khẳng định.

THÀNH LONG

(0) Bình luận
Dự án bến xe khách phía tây TP Hải Dương: Hơn 10 năm vẫn còn dang dở