Gian lận thương mại ngày càng tinh vi

04/04/2018 18:13

Thời gian gần đây, việc đấu tranh chống gian lận thương mại khó khăn, phức tạp hơn bởi thủ đoạn làm giả, làm nhái hàng hóa ngày càng tinh vi.


Các thủ đoạn làm hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi với công nghệ hiện đại khiến người tiêu dùng khó phát hiện

Khó phân biệt thật, giả

Gần 10 năm làm nhiệm vụ kiểm soát thị trường nhưng anh Phạm Quang Huy, cán bộ Chi cục Quản lý thị trường tỉnh khá lúng túng khi phải phân biệt đâu là mỳ chính thật, đâu là hàng giả. Nếu trước đây, chỉ cần quan sát bao bì, người dùng dễ dàng phân biệt được mỳ chính thật hay giả thì hiện nay các bao bì hàng giả, hàng nhái sắc nét không kém hàng thật, rất khó phát hiện. “Đến tem chống hàng giả được coi là công cụ tốt nhất để doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu sản phẩm của mình thì nay cũng bị làm giả dễ dàng. Điều đó cho thấy nhiệm vụ đấu tranh chống gian lận thương mại ngày càng khó khăn, phức tạp hơn”, anh Huy nói.

Tham quan gian trưng bày đối chứng hàng thật, giả do Chi cục Quản lý thị trường tỉnh tổ chức nhân Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 15.3 vừa qua, nhiều người không khỏi lo lắng khi hàng giả không khác gì hàng thật. “Nhiều mặt hàng như bóng điện, võng xếp, khung xe đạp, mũ bảo hiểm, mỹ phẩm, dược phẩm nếu không được cán bộ quản lý thị trường chỉ dẫn thì tôi không thể phân biệt được thật, giả”, anh Phạm Trường Giang ở phố Bùi Thị Xuân (TPHải Dương) cho biết. 

Công nghệ sản xuất hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi với nhiều thủ đoạn mới. Thay vì sản xuất những đơn hàng nhỏ lẻ, hiện nay các đối tượng lại sản xuất hàng loạt bằng công nghệ hiện đại. Nhãn, mác, bao bì sản phẩm được in bằng công nghệ in 3D nên màu, chi tiết sắc nét, rất khó để phân biệt. Các đối tượng kinh doanh hàng gian lận thương mại còn có thể làm giả được cả tem nhãn, mã vạch trên sản phẩm. Lực lượng chức năng dùng máy quét mã vạch để kiểm tra sản phẩm chưa chắc đã phát hiện được. Đáng chú ý là những năm gần đây, nhiều nơi đã xuất hiện hình thức gian lận trong kinh doanh xăng dầu bằng cách gắn những con chíp điện tử để dễ dàng qua mắt và móc túi người tiêu dùng. Các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái liên lạc với nhau hoặc chỉ đạo điều hành sản xuất thông qua điện thoại di động, các trang mạng xã hội nên việc đấu tranh chống gian lận thương mại của các cơ quan chức năng khó khăn hơn.

Kiểm soát khó khăn 

Công ty CP Sản xuất và Thương mại Xuyên Việt chú trọng đầu tư công nghệ in mã vạch hiện đại để bảo vệ sản phẩm của doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng

Sản phẩm của Công ty CP Gốm Chu Đậu Hải Dương bị làm nhái trên thị trường khiến lãnh đạo doanh nghiệp này không khỏi lo lắng. Ông Nguyễn Hữu Thức, Giám đốc công ty cho biết: “Bị làm giả, làm nhái sản phẩm bằng công nghệ hiện đại là thách thức mới đối với nhiều doanh nghiệp nếu không tìm ra giải pháp để bảo vệ chính mình. Nếu lực lượng kiểm soát thị trường không nhanh nhạy để bắt kịp với xu hướng phát triển của công nghệ làm hàng giả, hàng nhái thì rất khó phát hiện, xử lý”. 

Để bảo vệ thương hiệu, Công ty CP Gốm Chu Đậu đã sử dụng công nghệ in logo chìm dưới đáy sản phẩm để phân biệt với hàng bị làm nhái trên thị trường. Công ty CP Đá mài Hải Dương đã sử dụng tem, mác chống hàng giả để đối phó tình trạng sản phẩm đá cắt, đá mài của doanh nghiệp đang bị làm nhái. 

Đại diện Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho rằng trong công tác đấu tranh chống gian lận thương mại cần sự hợp tác tích cực của đơn vị sản xuất và người tiêu dùng. Các doanh nghiệp cần đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm, đầu tư kinh phí thích đáng cho việc in logo, mã vạch, dán tem bảo vệ sản phẩm. Người tiêu dùng có thể sử dụng phần mềm quét mã vạch được cài đặt sẵn trong điện thoại thông minh để kiểm tra hàng hóa trước khi mua. Hiện nay, Bộ Công an đã cho ra đời tem chống hàng giả ứng dụng công nghệ thông tin (gọi là tem SMS) tích hợp 4 tính năng cho phép người dùng và cơ quan chức năng có thể kiểm tra bằng điện thoại, nhận diện bằng nước, nhiệt và ánh sáng để xác định hàng thật, hàng giả. 

Một bất cập nữa là hiện nay nhiều doanh nghiệp không hợp tác với các cơ quan chức năng trong phát hiện và xử lý vi phạm gian lận thương mại. Doanh nghiệp sợ thông tin về sản phẩm của mình khi bị làm giả, làm nhái được công bố rộng rãi thì người tiêu dùng sẽ lo lắng và không còn muốn mua sản phẩm. Đây là cơ hội để các đối tượng làm ăn bất chính thực hiện các hành vi gian lận thương mại. Do đó, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần liên tục cải tiến, nâng cấp công nghệ chống hàng giả, hàng nhái, quan tâm đến những sản phẩm mang tính tương tác cao, thông dụng để người tiêu dùng có thể tự nhận biết và phòng tránh. Tỉnh cũng cần quan tâm đầu tư một số thiết bị công nghệ mới, hiện đại để hỗ trợ tích cực cho công tác kiểm soát thị trường. 

HẢI MINH

(0) Bình luận
Gian lận thương mại ngày càng tinh vi