Hậu nông thôn mới. Bài 4: Lãng phí thiết chế văn hóa, thể thao

19/10/2018 12:04

Trong khi nhiều xã đã khai thác được công năng của sân vận động thì một số địa phương vẫn để cỏ mọc, rất lãng phí hoặc là nơi người dân nuôi gà vịt.


Do quá rộng nên sân vận động trung tâm xã Hồng Dụ (Ninh Giang) chưa được khai thác hết, xung quanh cỏ dại mọc nhiều

Ngoài những lợi ích mà hệ thống cơ sở vật chất văn hóa, thể thao mang lại phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân thì ở không ít nơi, công năng, hiệu quả sử dụng chưa tương xứng với số kinh phí đầu tư xây dựng các công trình này. Thậm chí có nơi, nhiều công trình đang bị bỏ hoang.

Đầu tư lớn

Để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2016, xã Hồng Dụ (Ninh Giang) đã xây mới sân vận động (SVĐ) của xã rộng 12.000 m2 với kinh phí đầu tư 3,5 tỷ đồng. Ngoài 1 tỷ đồng là nguồn hỗ trợ của tỉnh, phần còn lại đều từ ngân sách địa phương. Sau khi công trình hoàn thiện, đây là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương nhưng mỗi năm cũng chỉ tổ chức được khoảng 10 sự kiện. Theo quan sát của chúng tôi, SVĐ xã Hồng Dụ được xây dựng tường bao xung quanh, có sân khấu, hệ thống thoát nước nhưng do diện tích lớn nên học sinh chỉ sử dụng một phần nhỏ ở giữa sân để đá bóng, phần còn lại cỏ dại mọc um tùm. 

Không những thế, trước đây để được công nhận là làng văn hóa, 5 thôn của xã Hồng Dụ đều có sân thể thao riêng. Dù toàn xã chưa đến 4.000 nhân khẩu nhưng có tới 5 sân thể thao và 1 SVĐ. Thừa nhận có quá nhiều sân chơi nhưng chưa khai thác hết công năng sử dụng, ông Nguyễn Đình Hiện, cán bộ văn hóa xã Hồng Dụ cho rằng: "Đáng lẽ một số thôn gần trung tâm xã không cần xây dựng sân thể thao riêng mà có thể sử dụng chung với SVĐ của xã. Tuy nhiên, do các sân này có trước nên xã vẫn phải quy hoạch đất xây SVĐ mới đủ điều kiện để được công nhận đạt chuẩn NTM. Hiện xã có kế hoạch cắt 2.500 m2 ra xây dựng bể bơi".

Ông Vũ Năng Anh, Trưởng Phòng Nghiệp vụ thể dục thể thao (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: "Từ năm 2016 - 2018, tỉnh đã đầu tư 51 tỷ đồng để xây dựng 53 SVĐ cấp xã. Trung bình mỗi sân tổ chức được khoảng 10 sự kiện lớn nhỏ/ năm. Trong khi nhiều xã đã khai thác được công năng của SVĐ thì một số địa phương vẫn để cỏ mọc, rất lãng phí hoặc là nơi người dân nuôi gà vịt".

Trong tiêu chí số 6, nhà văn hóa (NVH) trung tâm xã và NVH các thôn đóng vai trò quan trọng, là nơi tổ chức các cuộc họp, sinh hoạt chung của thôn cũng như cộng đồng dân cư. Dù vậy, việc khai thác hết công năng sử dụng của thiết chế văn hóa này ở một số địa phương vẫn còn hạn chế. Để hoàn thành NTM, năm 2016 xã Kênh Giang (Chí Linh) đã đầu tư 1,5 tỷ đồng xây dựng NVH trung tâm xã rộng 260 m2 với 80 chỗ ngồi, làm nơi sinh hoạt chung của xã và của thôn Nam Hải. Mặc dù có đến 2 đơn vị sinh hoạt nhưng mỗi tháng NVH cũng chỉ tổ chức được 6-7 hoạt động. Bà Đào Thị Anh, cán bộ văn hóa xã Kênh Giang cho biết: "Do xã Kênh Giang dân số ít, mọi người thường đi làm ăn xa nên khó tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, đọc sách báo, dẫn đến hiệu quả sử dụng của NVH còn hạn chế".

Cần đa dạng hóa các hoạt động

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao còn hạn chế. Hiện nay, những người trẻ làm việc trong các doanh nghiệp thường xuyên phải tăng ca, làm thêm dẫn đến nhu cầu chơi thể thao bị mất dần. Do sự đa dạng trong việc tiếp cận thông tin, kiến thức làm cho nhu cầu, thói quen đọc sách, báo in của người dân giảm dần. Bên cạnh đó, việc xây dựng, tổ chức các SVĐ, sân thể thao còn sơ sài, sách báo ở NVH thôn, xã nghèo nàn. Ông Lê Xuân Kha, cán bộ văn hóa xã Quốc Tuấn (Nam Sách) thừa nhận: "Hằng năm kinh phí của xã, thôn dành để mua sách mới, bổ sung cho các NVH không có. Do vậy, không chỉ số lượng ít (khoảng 50-80 đầu sách, báo/NVH) mà sách báo còn nghèo nàn về nội dung, chủ yếu liên quan đến pháp luật và nông nghiệp. Do đó, tủ sách ở các NVH chưa hấp dẫn được người đọc".

Ngoài những nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan do các địa phương chưa chú trọng phát triển các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Hầu hết các hoạt động này đều diễn ra tự phát, do người dân tự thành lập các câu lạc bộ, tự tổ chức các hoạt động nên chưa bền vững, chỉ tồn tại được một thời gian ngắn.

Để tránh lãng phí các thiết chế văn hóa, thể thao, các địa phương đạt chuẩn NTM nên xây dựng phương án, kế hoạch sử dụng cho hiệu quả. Các SVĐ, NVH cần được trang bị, đầu tư thêm hạ tầng để hấp dẫn người chơi. Các địa phương có thể cho các tổ chức, cá nhân đấu thầu SVĐ để họ tự đầu tư, vừa khai thác tối đa công năng sử dụng, vừa có thêm nguồn kinh phí cho xã hoạt động.

Ngoài những yếu tố trên, theo ông  Nguyễn Văn Khanh, Trưởng Phòng Câu lạc bộ - NVH (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cần nâng phụ cấp của cán bộ làm văn hóa cơ sở để họ thấy được trách nhiệm phải làm gì để khai thác hiệu quả của những thiết chế này. Bên cạnh đó, chính quyền cấp xã, huyện cần đầu tư kinh phí, tổ chức nhiều cuộc thi văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao để thu hút người dân thường xuyên luyện tập, rèn luyện sức khỏe. Có như vậy, công năng sử dụng NVH, SVĐ của các địa phương mới được nâng lên, tránh lãng phí như hiện nay. 

NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ

(0) Bình luận
Hậu nông thôn mới. Bài 4: Lãng phí thiết chế văn hóa, thể thao