Hiệu quả mô hình 5S trên lưới điện

14/05/2019 09:21

Sau một thời gian áp dụng trên hệ thống lưới điện, mô hình 5S đã mang lại những hiệu quả thiết thực cho hoạt động quản lý, vận hành của Điện lực Hải Dương.

Thực hiện mô hình 5S tại trạm biến áp 110 kV Đồng Niên (TP Hải Dương)

Triển khai diện rộng

Mô hình 5S có nguồn gốc từ Nhật Bản, bao gồm các công đoạn “sàng lọc”, “sắp xếp”, “sạch sẽ”, “săn sóc”, “sẵn sàng”, được Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương (Điện lực Hải Dương) triển khai tại văn phòng và Điện lực các huyện, thành phố từ năm 2017. Sau một thời gian áp dụng, tất cả các phòng, ban, khu công cộng trong khuôn viên công ty và các đơn vị trực thuộc luôn được sắp xếp gọn gàng, sạch sẽ, không còn lộn xộn như trước đây. Mô hình đã định hướng việc làm hằng ngày của đội ngũ cán bộ, nhân viên trong công ty. Với sự thay đổi rõ nét như vậy, mô hình 5S của ngành điện đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của khách hàng. Vì thế, từ năm 2018, công ty đã nhân rộng mô hình này ra toàn bộ hệ thống điện.

Ngay khi thực hiện, các đơn vị tập trung chủ yếu vào việc "sàng lọc", "sắp xếp" và "sạch sẽ", còn công đoạn "săn sóc", "sẵn sàng" sẽ được thực hiện thường xuyên trong quá trình vận hành lưới điện. Từ khi triển khai nhân rộng đến nay, ngành điện đã thực hiện được ở 159 trạm biến áp (TBA) hạ thế, 1 TBA 110 kV và khoảng 50 km đường điện ở TPHải Dương, TP Chí Linh và thị trấn của các huyện.

Để công việc được thuận tiện, trôi chảy, trước khi áp dụng mô hình 5S, các đơn vị tiến hành rà soát, kiểm tra toàn bộ các TBA. Ngành điện chọn những TBA được xây dựng từ lâu, các bộ phận sắp xếp chưa hợp lý dẫn đến nguy cơ mất an toàn cao cho công nhân vận hành và chưa đẹp về mặt thẩm mỹ để áp dụng mô hình 5S.

Các đơn vị tập trung vào việc phát quang khuôn viên TBA, loại bỏ các dây dẫn không phù hợp, đánh số thứ tự hoặc gắn màu sắc tương ứng lên từng dây dẫn, ghim các dây dẫn vào các vị trí cố định, sử dụng các vật liệu phù hợp ngăn chặn không để côn trùng, chuột chui vào trạm làm hỏng các thiết bị. Ngành điện cũng loại bỏ các dây dẫn điện không cần thiết, đánh số thứ tự để dễ nhận biết, lắp đặt lại hệ thống hòm hộp công tơ...

Tác dụng thiết thực

Việc áp dụng mô hình 5S đã mang lại những hiệu quả cho công tác quản lý, vận hành lưới điện. Theo anh Nguyễn Xuân Nghiệp, công nhân vận hành lưới điện của Điện lực Cẩm Giàng, trước đây, hệ thống dây điện ở các TBA lộn xộn, còn nhiều dây thừa nên việc sửa chữa gặp rất nhiều khó khăn. Khi khách hàng báo mất điện, công nhân phải mất nhiều thời gian để tìm đường dây bị lỗi nên việc sửa chữa kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Còn hiện nay, do các đường điện từ TBA cấp cho khách hàng và nối với tủ điện đều được đánh số thứ tự nên việc sửa chữa, bảo dưỡng dễ dàng hơn. Khách hàng ở khu vực nào mất điện, công nhân chỉ cần nhìn vào số thứ tự được đánh trên đường dây là biết ngay được đường dây đang bị trục trặc nên thời gian tìm kiếm, sửa chữa giảm nhiều so với trước. Từ đó nâng cao độ an toàn cho công nhân trực tiếp vận hành lưới điện. Sau khi áp dụng mô hình 5S, lưới điện, các TBA cũng gọn gàng hơn.

Tuy vậy, việc thực hiện mô hình 5S còn một số khó khăn, hạn chế. Hầu hết các địa phương mới chỉ thực hiện trên lưới điện hạ áp, lưới điện trung thế, tỷ lệ thực hiện trên lưới điện hạ thế còn thấp. Trong số các TBA đã được thi công, mới thực hiện được 5S từ ty sứ hạ thế của máy biến áp đến tủ tổng và đến cột xuất tuyến, phần cao thế của TBA từ xà đón dây đầu TBA đến ty sứ cao thế của máy biến áp chưa được thực hiện...

Theo đánh giá của ngành điện, việc triển khai mô hình 5S trên hệ thống lưới điện và các TBA mang lại những hiệu quả thiết thực. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình, đồng thời khắc phục những hạn chế để mô hình 5S ngày càng hoàn thiện hơn.

THANH HÀ

(0) Bình luận
Hiệu quả mô hình 5S trên lưới điện