Kim Thành quan tâm phát triển sản phẩm OCOP

17/11/2020 07:01

Năm 2020, huyện Kim Thành có 5 chủ thể đăng ký tham gia chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" với 7 sản phẩm, là một trong những địa phương dẫn đầu tỉnh về số lượng.


Trước khi đăng ký tham gia chương trình OCOP, gia đình ông Bùi Công Khương ở xã Kim Xuyên đã đầu tư làm 26.000 m2 nhà màng, nhà lưới để trồng dưa lưới và dưa chuột

Thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), huyện Kim Thành đã triển khai nhiều biện pháp, coi đây là cơ hội để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sản phẩm tiêu biểu của địa phương, giúp người dân tham gia các chuỗi sản xuất, nâng tầm sản phẩm nông nghiệp, nông thôn.

Cơ sở sản xuất thực phẩm chay Phù Trúc của vợ chồng bà Phạm Thị Thuận ở xã Thượng Vũ đi vào hoạt động đến nay đã gần 10 năm. Cơ sở có thị trường ổn định, mỗi tháng bán ra từ 8-10 tấn thực phẩm chay. Với mong muốn tìm kiếm thêm cơ hội giới thiệu và quảng bá sản phẩm tới nhiều khách hàng hơn nữa, đầu năm nay chủ cơ sở đã đăng ký sản phẩm thực phẩm chay tham gia OCOP.

Bà Thuận cho biết tham gia OCOP là cơ hội để sản phẩm của gia đình tiếp tục được mở rộng thị trường, có chỗ đứng vững chắc hơn. "So với các sản phẩm khác, thực phẩm chay liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người nên việc theo dõi, đánh giá rất chặt chẽ, nhất là việc kiểm duyệt an toàn thực phẩm. Dù vậy, cơ sở tin tưởng sẽ được xét duyệt và đạt được thứ hạng cao trong năm nay", bà Thuận nói.

Dưa lưới, dưa chuột Âu Việt của hộ kinh doanh Bùi Công Khương ở xã Kim Xuyên là 1 trong 7 sản phẩm huyện Kim Thành đăng ký tham gia chương trình OCOP năm 2020. Trước khi đăng ký tham gia chương trình, ông Khương đã đầu tư làm 26.000 m 2 nhà màng, nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt để trồng dưa lưới và dưa chuột. Dưa được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, được kiểm soát chặt chẽ từ cây giống, đất trồng, nguồn nước cho đến sử dụng vật tư nông nghiệp. Các loại dưa mang nhãn hiệu Âu Việt của hộ ông Khương hiện đã có mặt tại nhiều siêu thị, cửa hàng rau quả sạch ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Ông Khương cho biết mặc dù hai sản phẩm của gia đình đã khẳng định được chất lượng và có chỗ đứng trên thị trường nhưng nếu được công nhận đạt chuẩn OCOP thì sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi trong sản xuất, tiêu thụ hơn nữa.


Thực phẩm chay Phù Trúc đã được hoàn thiện hồ sơ xét duyệt OCOP năm 2020

Năm 2020, huyện Kim Thành có 5 chủ thể đăng ký tham gia OCOP với 7 sản phẩm, là một trong những huyện dẫn đầu tỉnh về số lượng. Những sản phẩm là thế mạnh, truyền thống của địa phương như dưa lưới, dưa chuột, củ đậu, mủa sấy khô tham gia chương trình.

Để thực hiện hiệu quả chương trình OCOP, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm, huyện Kim Thành đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về chương trình, trong đó chú trọng truyền thông qua mạng xã hội. Huyện định hướng cho các địa phương, tổ chức, cá nhân lựa chọn sản phẩm tiêu biểu, thế mạnh để đăng ký tham gia. Tổ chức các lớp tập huấn, tham quan học hỏi các mô hình sản xuất đã có sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP. Huyện còn tổ chức các hội nghị, các buổi trao đổi kinh nghiệm nhằm làm rõ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới của huyện.

Ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện Kim Thành còn hỗ trợ các tổ chức, cá nhân kinh phí tập huấn, đào tạo tham gia chu trình OCOP các cấp; hỗ trợ 100% kinh phí in 1.000 logo bao bì, nhãn mác, tem cho sản phẩm được xếp hạng 3-4 sao; 70% chi phí (không quá 20 triệu đồng) đối với các sản phẩm OCOP được xếp hạng 3-4 sao tham gia các hội chợ từ cấp tỉnh trở lên; hỗ trợ tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện hằng năm; 100% kinh phí giải phóng mặt bằng (không quá 500 m2) để kêu gọi các tổ chức tham gia xây dựng điểm giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP của huyện...

Ông Trần Văn Hải, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Thành cho biết để khuyến khích các cá nhân, tổ chức tham gia chương trình OCOP, huyện cũng từng bước hướng dẫn các địa phương, người dân đổi mới phương thức sản xuất gắn với nâng cao giá trị sản phẩm, trong đó chú trọng các sản phẩm nổi trội, thế mạnh và có tiềm năng của địa phương. Đến nay, qua kiểm tra, khảo sát, đánh giá, huyện có 3 sản phẩm được hỗ trợ tư vấn làm hồ sơ để dự thi chương trình OCOP cấp tỉnh là dưa lưới Âu Việt của hộ kinh doanh Bùi Công Khương; thực phẩm chay Phù Trúc của gia đình bà Phạm Thị Thuận và củ đậu Hưng Tiến của HTX Dịch vụ Hưng Tiến (xã Kim Tân). 3 sản phẩm này cũng đã hoàn thiện hồ sơ xét duyệt OCOP năm 2020.


TRƯƠNG HÀ


(0) Bình luận
Kim Thành quan tâm phát triển sản phẩm OCOP