Kinh Môn - thị xã trẻ: Bài 3: Thương mại - dịch vụ phát triển

26/12/2019 15:06

Thời gian qua, thị xã Kinh Môn đã tập trung khai thác tiềm năng sẵn có, thu hút đầu tư phát triển thương mại - dịch vụ, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

>> Bài 1: Vùng đất công nghiệp
>> Bài 2: Vang danh đặc sản nông nghiệp

Chất lượng dịch vụ thương mại ở thị xã Kinh Môn ngày càng cao

Mạng lưới trải rộng

Các hoạt động về thương mại-dịch vụ trên địa bàn thị xã ngày càng đa dạng và phong phú. Hệ thống các chợ, siêu thị và cửa hàng tiện ích được ưu tiên đầu tư xây dựng, mở rộng đã tạo nên mạng lưới cung cấp hàng hóa, dịch vụ rộng khắp, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

Thị xã Kinh Môn hiện có 17 chợ đạt hạng 3 trở lên, 4 siêu thị lớn gồm Lan Chi, Đông Đô, Media Mart, Điện máy xanh và hàng trăm điểm mua sắm, cửa hàng tiện ích trải khắp 23 phường, xã. Anh Cao Thành Trung, Quản trị tổng hợp tại siêu thị Lan Chi cho biết: "Nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế và lợi thế kinh doanh ở thị xã Kinh Môn, chúng tôi đã đầu tư mở siêu thị tại đây từ cuối năm 2016.

Sau 3 năm hoạt động, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng ngày càng tăng, doanh thu của siêu thị năm sau cao hơn năm trước. Điều này không chỉ là niềm vui cho siêu thị mà còn thể hiện sự phát triển kinh tế của địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại-dịch vụ".

Mỗi ngày siêu thị Lan Chi cũng như hệ thống các chợ, siêu thị và cửa hàng tiện ích trên địa bàn cung cấp hàng trăm nghìn mặt hàng phục vụ người dân, từ thực phẩm, đồ điện tử gia dụng đến thời trang, hóa mỹ phẩm. "Đời sống kinh tế của người dân ngày càng được nâng cao, nhu cầu tiêu dùng liên tục tăng cả về số lượng và chất lượng. Điều này đòi hỏi hệ thống các chợ, siêu thị không ngừng đổi mới sản phẩm, dịch vụ, nâng cấp quy mô", anh Trung cho biết thêm.

Không khó để nhận ra sự thay đổi từng ngày trên mảnh đất Kinh Môn, đặc biệt là với những người xa quê mỗi khi trở về. Sinh sống ở xa, nhân dịp về thăm gia đình tại phường Duy Tân, chị Nguyễn Thanh Thủy nhận xét: "Mỗi lần về nhà, tôi lại thấy quê hương thay đổi. Đường phố sạch đẹp hơn, khang trang hơn. Nhiều khu chợ truyền thống được nâng cấp, hệ thống siêu thị và cửa hàng tự chọn sầm uất, hiện đại xuất hiện khắp nơi. Chất lượng thương mại-dịch vụ được nâng cao, sản phẩm đa dạng và phong phú, giá cả phù hợp, phương thức thanh toán hiện đại".

Tăng trưởng cao

Thành tựu trong phát triển kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực thương mại-dịch vụ hôm nay là kết quả của quá trình nỗ lực, phấn đấu nhằm hiện thực hóa kế hoạch phát triển kinh tế dịch vụ của thị xã Kinh Môn thời gian qua.

Tổng giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ của thị xã tăng dần qua từng năm. Năm2019, giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ ước đạt 3.940 tỷ đồng, chiếm 8,2% cơ cấu kinh tế, tăng 16,7% so với năm 2018. Một số ngành dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao như thương nghiệp, khách sạn, nhà hàng, vận tải, kho bãi và thông tin liên lạc. 

Thị xã Kinh Môn luôn xác định phát triển thương mại-dịch vụ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế-xã hội. Thị xã phấn đấu năm 2020, tổng giá trị sản xuất thương mại-dịch vụ đạt trên 4.500 tỷ đồng, nâng tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế trên 11%. Để đạt kế hoạch đề ra, thị xã đã và đang triển khai các đề án phát triển thương mại-dịch vụ, bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp với quy hoạch phát triển chung.

Ông Trần Văn Tuyên, Phó Trưởng Phòng Quản lý đô thị thị xã cho biết: "Thời gian tới, thị xã tiếp tục quan tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trên địa bàn; cải tạo, nâng cấp các tuyến đường trục tại các phường, xã. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi nhằm kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực thương mại - dịch vụ".

Các đường tỉnh 389, 389B, cầu Mây, cầu Dinh cùng nhiều công trình giao thông khác khi hoàn thiện sẽ tăng cường kết nối giao thương cho Kinh Môn. Đặc biệt, thị xã đã đề xuất xây dựng chợ dân sinh và Trung tâm Thương mại Kinh Môn với tổng diện tích 2,7 ha. "Khi được xây dựng, khu chợ và trung tâm mua sắm này sẽ là một trong những điểm nhấn giúp Kinh Môn phát triển thương mại-dịch vụ cả về chất lượng và giá trị", ông Tuyên nói.

Thị xã Kinh Môn đang tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh việc bảo hộ và phát triển thương hiệu cho các mặt hàng nông sản chủ lực như hành, tỏi, gạo nếp… Ngoài quan tâm xúc tiến thương mại, thị xã đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành kinh doanh, nghiên cứu thị trường cho doanh nghiệp, HTX; liên kết bao tiêu sản phẩm, hàng hóa của địa phương.

Với lợi thế của một thị xã trẻ, năng động, Kinh Môn đặt mục tiêu đẩy mạnh phát triển thương mại-dịch vụ. Thời gian tới, địa phương kiên quyết xóa bỏ hoàn toàn các chợ tạm, chợ cóc để hình thành và phát triển mạng lưới chợ theo đúng quy hoạch; tích cực chuyển đổi mô hình quản lý chợ, kêu gọi nhà đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống các chợ truyền thống sẵn có; thu hút đầu tư phát triển các siêu thị quy mô vừa và nhỏ tại khu vực đô thị, nơi tập trung đông dân cư. Thị xã tập trung cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực thương mại-dịch vụ, nhất là dịch vụ chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. 

Hệ thống chợ và trung tâm mua sắm rộng khắp, ngày càng hiện đại và có chất lượng cùng hệ thống hạ tầng giao thông được cải thiện là những đòn bẩy giúp Kinh Môn phát triển thương mại-dịch vụ, có những bước đi vững chắc trong các năm tới.

HÀ KIÊN

-----------
Kỳ sau: Nở rộ các khu dân cư, đô thị mới

(0) Bình luận
Kinh Môn - thị xã trẻ: Bài 3: Thương mại - dịch vụ phát triển