Nam Sách lo hàng thiết yếu cho dân

31/07/2021 09:52

Sau một thời gian tạm lắng, dịch Covid-19 đã bất ngờ tái bùng phát trên địa bàn huyện Nam Sách. Một số mặt hàng đã tăng giá nhẹ nhưng huyện đang có nhiều giải pháp để bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân.


Anh Đặng Tuấn Vịnh ở thôn Tân Thắng, xã Thái Tân nhờ người mua giúp mì tôm

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại huyện Nam Sách đã ảnh hưởng tới việc đi lại, mua bán, làm tăng giá một số mặt hàng phục vụ đời sống dân sinh.

Dân lo khan hàng

Giữa tâm dịch, chợ thị trấn Nam Sách - chợ lớn nhất huyện Nam Sách vẫn được hoạt động. Có điều, kể từ khi trên địa bàn xuất hiện ca mắc Covid-19 mới, chợ vắng vẻ hẳn. Một nửa số ki-ốt tại chợ đã đóng cửa, chỉ còn những ki-ốt bán các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm… hoạt động cầm chừng. 

Quầy bán thịt lợn của bà Nguyễn Thị Thơm thường ngày rất đông khách. Mấy hôm nay, lượng khách thưa thớt, ngồi bán cả buổi sáng không hết nửa con lợn. “Chợ này giờ chỉ được phép phục vụ người dân thị trấn. Thịt lợn không hiếm, giá vẫn như ngày thường vì nguồn cung ổn định nhưng vắng khách”, bà Thơm chia sẻ.

Qua tìm hiểu, giá thịt gia súc, gia cầm tại các chợ ở huyện Nam Sách vẫn ổn định. Thịt lợn từ 100.000-120.000/kg, thịt vịt, thịt gà từ 65.000-120.000 đồng/kg, tùyloại. 

Một số mặt hàng không tăng giá nhưng bắt đầu trở nên khan hiếm, thậm chí “cháy hàng” như gạo, mỳ, mắm, muối, dầu ăn... Ông Trần Duy Bình, một chủ cửa hàng bán thực phẩm ở thị trấn Nam Sách cho biết sáng 29.7 có nhiều khách hỏi mua muối nhưng đã hết hàng; mì tôm, mì trắng, trứng chỉ vài ngày nữa cũng sẽ hết. “Các đầu mối cung cấp ngại vào địa bàn Nam Sách vì sợ lây lan dịch bệnh”, ông Bình chia sẻ.

Giá rau xanh đã tăng nhẹ so với ngày thường. Giá rau muống tăng 2.000 - 4.000 đồng/mớ; bí xanh tăng 8.000 - 10.000 đồng/kg... Khu Nhân Hưng có vùng trồng rau cung cấp cho các đầu mối tại chợ thị trấn Nam Sách. Nay khu này đã bị phong tỏa, hai chủ vựa rau lớn nhất khu cũng đi cách ly nên thiếu nguồn cung. 

 Tình hình dịch bệnh tại Nam Sách đang ở mức báo động nên những chuyến xe chở hàng hóa, nhu yếu phẩm từ bên ngoài không dễ dàng vào địa bàn. "Cần có giải pháp để hàng hoá được lưu thông, cung ứng đủ lương thực, thực phẩm cho tiểu thương để bán cho người dân", chị Trần Thị An ở xã Nam Hưng nói. 

Không thiếu nguồn cung

Huyện Nam Sách hiện có 10 chợ được hoạt động. Ngoài ra, trên địa bàn còn hàng trăm cửa hàng, đại lý nằm trong các thôn, khu dân cư. 

Ông Nguyễn Văn Thơm, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Nam Sách cho biết địa phương đã có phương án để cung ứng hàng hóa đáp ứng nhu cầu của người dân trong huyện, nhất là ở những nơi đang thực hiện phong tỏa y tế. Xe vận chuyển hàng hóa từ bên ngoài vào địa bàn huyện được phun khử khuẩn tại chốt kiểm soát dịch bệnh. Chủ hàng, lái xe phải kê khai thông tin về phương tiện, nguồn gốc các mặt hàng. Xe vận chuyển hàng hóa đến chốt kiểm soát dịch tại các thôn, khu dân cư. Tại đây, địa phương sẽ bố trí lực lượng vận chuyển hàng hóa vào trong thôn, khu dân cư.

Toàn huyện hiện đã bố trí được 63 xe vận chuyển hàng hóa các loại phục vụ đời sống nhân dân. “Chúng tôi đã lên danh sách, kết nối với 34 đầu mối, cửa hàng, siêu thị ở 8 xã, thị trấn trên địa bàn chuẩn bị đầy đủ hàng hóa thiết yếu sẵn sàng cung cấp cho nhân dân. Những nơi này có thể cung ứng hàng hóa cho bà con toàn huyện trong vòng 1 tháng”, ông Nguyễn Văn Thơm nói.

Tại siêu thị Mai Khôi (số 441, đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Nam Sách), hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân vẫn đầy ắp trên các giá, kệ. "Trong 2 ngày 28-29.7, các mặt hàng như mì tôm, mì gạo, nước mắm, bột canh, nước lọc... được người dân mua nhiều nhất. Mặt hàng nào hết thì hôm sau sẽ có đầy đủ nên bà con yên tâm”, anh Phạm Tiến Luật, chủ siêu thị thông tin.

Sáng 29.7, anh Đặng Tuấn Vịnh ở thôn Tân Thắng, xã Thái Tân đã được cán bộ trực chốt gọi ra nhận thùng mì tôm do anh nhờ mua. “Chúng tôi nhờ chính quyền mua hàng thiết yếu đều được đáp ứng, không quá khó khăn”, anh Vịnh chia sẻ. 

Khoảng 1.200 nhân khẩu của thôn Tân Thắng đang sống trong vùng phong tỏa. Ông Phạm Văn Hiển, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tân Thắng cho biết đã lên phương án cung cấp lương thực cho người dân khi có nhu cầu. 16 thành viên của 8 tổ "Covid cộng đồng" đã có số điện thoại của các hộ. Gia đình nào có nhu cầu mua thực phẩm thì những thành viên này sẽ liên lạc ra bên ngoài để mua giúp.

Xã nào ở huyện Nam Sách cũng đã bố trí từ 1-2 xe tải để vận chuyển hàng hoá cung cấp cho người dân khi cần. Quyết tâm khống chế dịch bệnh bằng nhiều giải pháp cứng rắn nhưng Nam Sách sẽ không để nhân dân thiếu các mặt hàng phục vụ đời sống.

 MẠNH ANH TRUNG

(0) Bình luận
Nam Sách lo hàng thiết yếu cho dân