Nâng tầm sản phẩm làng nghề

25/12/2019 12:22

Là địa phương có nhiều nghề truyền thống, Bình Giang có điều kiện để thực hiện hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.


Sản phẩm vàng bạc Châu Khê được chọn để tham gia chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" của huyện

Là địa phương có nhiều nghề truyền thống, Bình Giang có điều kiện để thực hiện hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), hướng tới mục tiêu tái cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. 


Khơi dậy tiềm năng

Từ lâu làng nghề vàng bạc Châu Khê, xã Thúc Kháng đã nức tiếng gần xa. Toàn thôn Châu Khê có gần 300 hộ thì có tới 200 hộ làm nghề với khoảng 600 thợ. Nghề vàng bạc tạo việc làm ổn định với mức thu nhập từ 5-8 triệu đồng/người/tháng. Thợ tay nghề cao còn có thu nhập cao hơn từ 10-15 triệu đồng/người/tháng. Nhiều người con Châu Khê nhờ nghề truyền thống đã xây nhà to, sắm xe xịn. 


Hiện nay, sản phẩm vàng bạc Châu Khê được tiêu thụ khắp cả nước với nhiều mẫu mã, kiểu dáng phong phú. Những sản phẩm như nhẫn, vòng tay, dây chuyền, khuyên tai, trang sức gắn đá, ngọc quý theo phong thủy... được khách hàng ưa chuộng.

Chất lượng, thương hiệu vàng bạc nơi đây đã được khẳng định nhưng ông Phạm Đình Binh, nghệ nhân kim hoàn làng Châu Khê còn băn khoăn: “Sản phẩm làng nghề nổi tiếng từ lâu nhưng đa số khách hàng chưa phân biệt được đâu là sản phẩm của Châu Khê, đâu là sản phẩm do những nơi khác sản xuất. Hy vọng khi tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” cùng với việc xây dựng mối liên kết giữa sản xuất, tiêu thụ với mở rộng thị trường, chúng tôi sẽ được hỗ trợ về tem mác, nhãn hiệu để khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thị trường”. 

Xã Long Xuyên tập trung nhiều cơ sở xay xát, chế biến, buôn bán gạo của huyện. Đây cũng là một trong những địa phương dẫn đầu về sản xuất lúa chất lượng cao của Bình Giang. Ngoài có nhiều cánh đồng mẫu lớn, xã còn áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp từ khâu làm đất, gieo cấy đến khâu thu hoạch để phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

Thế nhưng khi lựa chọn sản phẩm chủ lực cho chương trình OCOP, Long Xuyên lại không chọn sản phẩm gạo mà chọn gốm. Ông Nguyễn Văn Phượng, Chủ tịch UBND xã Long Xuyên cho biết: “Từ lâu, gốm Cậy được xếp ngang hàng với những làng gốm nổi danh như Chu Đậu, Bát Tràng, Thổ Hà, Phù Lãng…

Với lịch sử phát triển lâu đời và mang trong mình những nét đặc trưng riêng, gốm Cậy đủ điều kiện để chọn làm sản phẩm tiêu biểu của địa phương. Tuy nhiên, nghề gốm đang gặp nhiều khó khăn. Số hộ duy trì sản xuất gốm của xã không nhiều, chỉ tính trên đầu ngón tay. Bởi thế khi lựa chọn sản phẩm gốm Cậy tham gia chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", địa phương hy vọng có thể khôi phục và nâng tầm thương hiệu cho sản phẩm gốm nổi tiếng một thời này”. 

Đổi mới công nghệ, mở rộng thị trường

Huyện Bình Giang có nhiều nghề truyền thống như cơ khí Tráng Liệt (nay là thị trấn Kẻ Sặt), vàng bạc Châu Khê, Lương Ngọc (xã Thúc Kháng), mộc ở thôn Trại Như (xã Bình Xuyên) và thôn Phương Độ (xã Vĩnh Hưng), gốm Cậy (xã  Long Xuyên), nghề làm chổi chít ở thôn Lý Đỏ (xã Tân Việt)... Ngoài ra, huyện còn nhiều sản phẩm đặc trưng có tiềm năng phát triển như bánh đa, bánh chả, cam Vinh, cây dược liệu, thủy sản nước ngọt…

Bởi vậy không quá khó khăn để Bình Giang lựa chọn và triển khai chương trình OCOP. Mặc dù có nhiều lợi thế song huyện vẫn có những bước đi thận trọng, cân nhắc khi lựa chọn sản phẩm thế mạnh để xây dựng trong giai đoạn đầu. Trong giai đoạn 2018-2020, Bình Giang tập trung phát triển các nhóm thực phẩm (bánh đa, bánh chả, lúa gạo) và nhóm đồ lưu niệm, nội thất, trang trí (đồ gỗ mỹ nghệ, vàng bạc, gốm).

Bình Giang xác định phát triển nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp trên cơ sở quan tâm quản lý tốt môi trường và đổi mới công nghệ. Thực hiện chủ trương đó nên hiện nay những người làm nghề truyền thống của huyện đã và đang áp dụng nhiều công nghệ mới vào sản xuất để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường.

Đơn cử, nhiều cơ sở sản xuất ở làng nghề vàng bạc Châu Khê đã đầu tư những dàn máy chế tác tự động lên tới hàng tỷ đồng để làm ra các sản phẩm tinh xảo vừa tiết kiệm thời gian lại không cần nhiều nhân công. Cùng với đó, việc phát triển làng nghề gắn với bảo tồn và giữ gìn bản sắc văn hóa, nâng cao hiệu quả công tác khuyến công, khuyến khích phát triển các loại hình kinh tế tập thể, kinh tế hộ và kinh tế tư nhân cũng được huyện chú trọng…

Ông Vũ Quang Thái, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết thời gian qua Bình Giang đã phối hợp mở nhiều lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của người dân các làng nghề trong xây dựng và phát triển thương hiệu, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Các hộ của làng nghề đã tích cực tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh để tăng cường quảng bá, giới thiệu, bày bán các sản phẩm đặc trưng của địa phương với khách hàng.

Thời gian tới, huyện tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, gia đình, HTX ứng dụng công nghệ mới, mở rộng sản xuất, phát triển hơn nữa thương hiệu sản phẩm. Huyện cũng sẽ đề nghị cấp trên hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu tập thể để tạo cơ sở hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, đáp ứng nhu cầu phát triển mới.

HÀ NGA

(0) Bình luận
Nâng tầm sản phẩm làng nghề