Qua một năm COVID, nhiều ngân hàng báo lãi nghìn tỷ đồng chỉ trong quý I

10/04/2021 08:02

Mùa đại hội cổ đông năm nay không còn là mùa đại hội buồn như những năm trước mà chộn rộn hơn hẳn, khi giá cổ phiếu tăng trong khi các ngân hàng dồn dập báo lãi nghìn tỷ đồng chỉ trong quý I.


SSI Research ước tính lợi nhuận trước thuế quý I.2021 của nhóm ngân hàng niêm yết được nghiên cứu sẽ tăng từ 55% - 65% so với cùng kỳ năm 2020 

Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) vừa công bố ước tính lợi nhuận trước thuế quý I vượt 2.000 tỷ đồng, tăng hơn 67% so với cùng kỳ. Lãi từ dịch vụ cũng cao gấp 2 lần so với cùng kỳ.

Ngoài ra, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của HDBank đạt trên 26%, cao hơn mức 19,2% của cùng kỳ năm trước. Tỉ suất sinh lời trên tài sản (ROA) cũng tăng mạnh, đạt trên 2% so với mức 1,7% của quý I.2020. Tỷ lệ an toàn vốn CAR (Basel II) đạt tới 12%.

Ngân hàng Quân đội (MB) cũng ghi nhận lợi nhuận hợp nhất quý I gần 4.600 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ và bằng 43% lợi nhuận năm 2020.

Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam (MSB) ước tính lãi quý I.2021 đạt khoảng 1.200 tỷ đồng, cao gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 37% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Ngoài nguồn thu từ tín dụng, nguồn thu từ dịch vụ cũng góp đáng kể vào lợi nhuận của các ngân hàng. Như tại MB, một trong những yếu tố góp phần vào lợi nhuận quý 1 là từ ngân hàng số. Nhờ có thêm 1 triệu người dùng mới, MB cải thiện được nguồn tiền gửi không kỳ hạn tạo lợi thế về giá vốn rẻ.

Tại HDBank, song song với hoạt động tín dụng tăng trưởng cao, thu nhập thuần từ dịch vụ quý I của HDBank cao gấp gần 2 lần cùng kỳ. Đây cũng là quý thứ ba liên tiếp thu nhập thuần từ dịch vụ của ngân hàng đạt tốc độ tăng cao.

Nhiều ngân hàng khác cũng liên tục mở rộng để khai thác nguồn thu từ dịch vụ. Chẳng hạn như Sacombank và hãng hàng không Bamboo Airways cùng hệ sinh thái Bamboo Airways đã ký kết hợp tác toàn diện hôm nay 9.4, để trở thành đối tác chiến lược về đầu tư, sản xuất, kinh doanh, cung ứng sản phẩm, dịch vụ…

Theo đó Sacombank cung cấp các dịch vụ tài chính doanh nghiệp liên quan tới tín dụng, bảo lãnh ngân hàng, các dịch vụ thanh toán trong nước và quốc tế, quản lý dòng tiền, dịch vụ ngoại hối… đáp ứng các nhu cầu sản xuất kinh doanh của Bamboo Airways cũng như hệ sinh thái liên quan.

Năm nay, nhiều ngân hàng sau nhiều năm "nợ" cổ tức cũng xin Ngân hàng Nhà nước chia cổ tức cho cổ đông. Eximbank sau khi thanh toán hết trái phiếu đặc biệt cho Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận chia cổ tức bằng cổ phiếu sau 7 năm không chia.

Dự kiến, với lợi nhuận được chia sau trừ trích lập quỹ khen thưởng, phúc lợi năm 2018, 2019, 2020 của Eximbank là gần 2.214 tỉ đồng. Sau khi trừ cố phiếu quỹ Eximbank đang nắm giữ, cổ tức dự kiến là 1.800 đồng một cổ phiếu.

Sacombank cũng muốn dùng gần 6.500 tỷ đồng chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, đáp ứng kỳ vọng của cổ đông và đang chờ Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Trong báo cáo mới nhất về Chính sách tiền tệ, SSI Research ước tính lợi nhuận trước thuế quý I.2021 của nhóm ngân hàng niêm yết được nghiên cứu sẽ tăng từ 55 - 65% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, ngân hàng thương mại quốc doanh khả năng đạt được mức tăng trưởng khoảng 75 - 85% so với cùng kỳ, khi các ngân hàng này đã tăng cường trích lập dự phòng để giải quyết các tài sản có vấn đề.

Với các ngân hàng thương mại cổ phần, dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế khoảng 45 - 55% so với cùng kỳ.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Qua một năm COVID, nhiều ngân hàng báo lãi nghìn tỷ đồng chỉ trong quý I