Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP: Chưa biến lợi thế thành hiệu quả kinh tế

23/08/2018 06:26

Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là một trong những lợi thế có thể dùng để đánh giá chất lượng nông sản, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng.


Đơn vị thẩm định giám sát quy trình sản xuất na VietGAP của nông dân Chí Linh

Sống nhờ hỗ trợ của Nhà nước

Xã Phạm Kha (Thanh Miện) có trình độ thâm canh rau màu cao nên được lựa chọn thí điểm mô hình sản xuất rau an toàn đạt chuẩn VietGAP vào năm 2014. Sau 1 năm thực hiện, dưới sự giám sát của đơn vị thẩm định, 25ha rau của 425 hộ dân ở các thôn Đỗ Thượng và Đỗ Hạ đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Dù vậy, nông sản VietGAP của người dân vẫn phải bán trôi nổi trên thị trường và bị đánh đồng với các loại rau khác. Vì chưa thấy được lợi ích của VietGAP trên thực tế nên người dân không thiết tha với quy trình sản xuất này. Do đó, 2 năm sau khi giấy chứng nhận VietGAP hết hiệu lực, nông dân nơi đây không tiếp tục sản xuất theo VietGAP mà chỉ áp dụng một vài kỹ thuật ưu việt của phương pháp này.

Theo ông Vũ Viết Khang, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp xã Phạm Kha, sản xuất VietGAP đáp ứng được xu hướng tiêu dùng hiện tại, song do HTX chưa khai thác được giá trị của VietGAP nên hiệu quả kinh tế không cao. Trong khi đó, kinh phí phục vụ kiểm tra, thẩm định là 5 triệu đồng/ha. Vì vậy, nếu không có hỗ trợ của cấp trên thì khó có thể vận động nông dân đóng góp để sản xuất và được cấp chứng nhận VietGAP.

HTX Tân Minh Đức (ở xã Phạm Trấn, Gia Lộc) là một trong những HTX đầu tiên trong tỉnh sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn VietGAP. Đến nay, HTX đã duy trì sản xuất theo chứng nhận VietGAP được hơn 3năm cho 27 ha rau màu của 168 hộ dân ở thôn Nam Cầu. Thế nhưng, ông Phùng Thanh Mừng, Giám đốc HTX vẫn luôn trăn trở vì lợi nhuận thu về chưa tương xứng. Theo ông Mừng, HTX vẫn đang canh tác theo VietGAP bằng nguồn hỗ trợ của Nhà nước. Thời gian tới, nếu nguồn kinh phí này bị cắt bỏ thì e rằng mô hình sản xuất sẽ khó thực hiện được. "HTX làm ra khối lượng nông sản đạt chuẩn VietGAP lớn, trong khi các tổ chức, cá nhân thu mua yêu cầu có giấy chứng nhận lại chỉ lấy số lượng rất ít, số còn lại vẫn phải lệ thuộc vào tiểu thương. Do nhiều người tiêu dùng vẫn chưa coi trọng sản xuất sạch, chưa thực sự quan tâm đến nông sản an toàn nên sản xuất VietGAP vẫn chưa phát huy được giá trị. Chính vì thế mà người dân chưa thật sự hào hứng với cách làm này", ông Mừng lý giải.

Sản xuất và tiêu dùng chưa gặp nhau


Nông dân xã Tam Kỳ (Kim Thành) chưa thấy được hiệu quả kinh tế từ sản xuất VietGAP

Toàn tỉnh hiện có 51 cơ sở trồng trọt được cấp giấy chứng nhận VietGAP với tổng diện tích 662 ha. Chứng nhận VietGAP là căn cứ để người tiêu dùng có thể kiểm định chất lượng sản phẩm khi thực phẩm bẩn đang tràn lan ở mức đáng báo động. Về mặt lý thuyết thì sản xuất theo VietGAP giúp nông dân tiết kiệm được chi phí đầu vào, nâng cao giá trị sản phẩm bởi giá bán thường cao hơn các sản phẩm đại trà từ 20 - 30%. Thế nhưng thực tế lại khác.

"Gia đình tôi tuân thủ nghiêm ngặt quy trình VietGAP song vẫn phải bán rau với giá tương đương, thậm chí thấp hơn rau thường vì mẫu mã không đẹp bằng. Chỉ khi nào đầu ra của nông sản được bảo đảm, chúng tôi mới yên tâm sản xuất theo VietGAP", bà Nguyễn Thị Hải ở thôn Lại Đông, xã Tam Kỳ (Kim Thành) cho biết.

Sản xuất sạch theo các tiêu chuẩn BasicGAP, VietGAP, GlobalGAP... là xu thế phát triển tất yếu của ngành nông nghiệp trong thời kỳ hội nhập bởi cả người sản xuất, người tiêu dùng đều được lợi. Tuy nhiên, sản xuất VietGAP hiện nay đang gặp khó do cung chưa gặp cầu. Người tiêu dùng có nhu cầu sử dụng nông sản sạch nhưng để tìm được địa chỉ sản xuất tin cậy còn phụ thuộc vào đơn vị phân phối. Vì vậy, cần xây dựng các chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ cho nông sản VietGAP.

Hằng năm, UBND tỉnh đều có chính sách hỗ trợ cho các vùng sản xuất VietGAP tập trung để khuyến khích nông dân phát triển nông nghiệp sạch. Nhưng về lâu dài, để sản xuất VietGAP phát triển thì cần sự tích cực, chủ động của nông dân. Tự bản thân người nông dân khi sản xuất ngoài mục tiêu kinh tế, còn cần có ý thức hướng tới bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Từ đó, việc lựa chọn sản xuất VietGAP sẽ phổ biến và trở thành nhu cầu của chính người sản xuất. Hiện nay dù chưa đạt được hiệu quả kinh tế như mong muốn, tỉnh ta vẫn rất cần duy trì, phát triển các vùng sản xuất VietGAP để xây dựng một nền nông nghiệp sạch, an toàn và bền vững. Ngoài việc hướng dẫn nông dân thay đổi thói quen, tập quán canh tác, các đơn vị liên quan cần tìm được thị trường tiêu thụ với phân khúc phù hợp cho nông sản VietGAP. Có như vậy, người dân mới yên tâm sản xuất theo quy trình VietGAP. 

NGUYỄN MƠ

(0) Bình luận
Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP: Chưa biến lợi thế thành hiệu quả kinh tế