Sức bật kinh tế đô thị loại I

05/06/2020 17:36

Những năm qua, nền kinh tế của TP Hải Dương đã có những bước phát triển mạnh, là động lực để thành phố bứt phá trong những năm tới.


Người dân mua sắm tại cửa hàng tiện ích Vinmart+ trên đường Nguyễn Lương Bằng (TP Hải Dương)

Tăng trưởng mạnh

TP Hải Dương hôm nay đã khác trước, nhiều tuyến phố được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Các khu dân cư được xây dựng đồng bộ. Nhiều khu đô thị mới khang trang, hiện đại hình thành đã góp phần thay đổi diện mạo, cảnh quan đô thị. 

Là đô thị động lực, trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế của tỉnh, những năm qua, TP Hải Dương đã có sự phát triển toàn diện. Có được kết quả này là nhờ sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hải Dương lần thứ XXII nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định các mục tiêu tổng quát, trong đó có đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển công nghiệp - dịch vụ, gắn với quá trình đô thị hóa, xây dựng TP Hải Dương trở thành đô thị loại I trước năm 2020.

Trong phát triển công nghiệp, thành phố ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, sản phẩm điện và linh kiện điện tử, thiết bị chính xác đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. Hiện nay, thành phố có 5.639 doanh nghiệp (DN) với tổng vốn điều lệ 57.341 tỷ đồng, trong đó có 76 DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 26 DN so với năm 2015. 3 khu công nghiệp, 6 cụm công nghiệp của thành phố đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân trên 80%. Các DN đã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của thành phố, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động.

Sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề phát triển tốt. Các làng nghề đã chủ động áp dụng công nghệ mới, thân thiện với môi trường vào sản xuất, đa dạng hóa mẫu mã, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Nhờ những nỗ lực và giải pháp cụ thể, TP Hải Dương đã hoàn thành 100% chỉ tiêu kinh tế, trong đó có nhiều chỉ tiêu vượt cao so với mục tiêu đại hội đề ra. Bình quân hằng năm, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng 17,1% (vượt 7,1%), giá trị sản xuất các ngành thương mại, dịch vụ và giá trị hàng hóa xuất khẩu đều tăng 15,4% (vượt 0,4%), thu ngân sách hằng năm so với kế hoạch tỉnh giao tăng 21% (cao hơn 4 lần so với mục tiêu đại hội đã đề ra).

Hoạt động thương mại, dịch vụ của thành phố trong những năm qua có sự chuyển biến tích cực. Hiện nay việc kinh doanh, buôn bán, mua sắm của người dân thành phố đã thuận tiện, dễ dàng hơn. Thành phố hiện có 23 chợ truyền thống và 11 siêu thị, tăng 2 siêu thị so với năm 2015. Nhiệm kỳ qua, thành phố đã xây dựng và đưa các chợ Hải Tân, Thạch Khôi vào hoạt động; khởi công xây dựng chợ Phú Yên và đang làm thủ tục đầu tư xây dựng chợ Chi Lăng. Ngoài ra, thành phố còn có thêm nhiều cửa hàng tiện ích Vinmart+. Theo thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn TP Hải Dương tăng bình quân 16,1%/năm.

Định hướng đúng

Đạt được kết quả trên, trước hết là do sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng suốt và định hướng phát triển kinh tế phù hợp của cấp ủy các cấp. Thành phố đã triển khai đồng bộ các biện pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tổng vốn đầu tư phát triển xã hội tăng bình quân 16%/năm, trong đó chủ yếu là vốn của khu vực ngoài nhà nước và khu vực đầu tư FDI. 

Các nguồn vốn huy động được thành phố quản lý, phân bổ, sử dụng hiệu quả, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Để thuận lợi cho phát triển kinh tế, việc cải cách hành chính cũng luôn được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo có nhiều đổi mới. Một số thủ tục hành chính đã được tiếp nhận theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. 

Kết quả phát triển kinh tế trong giai đoạn 2015 - 2020 là tiền đề quan trọng, tạo đà cho TP Hải Dương thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025.

PV

(0) Bình luận
Sức bật kinh tế đô thị loại I