Thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM. Bài cuối: Những mô hình tiêu biểu

13/10/2019 10:44

Qua 10 năm xây dựng nông thôn mới, những thành tựu đạt được rất đáng ghi nhận.

Diện mạo nông thôn khởi sắc, đời sống của các hộ gia đình nông thôn có nhiều đổi mới, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3 lần từ năm 2010 đến năm 2018.

Công tác giảm nghèo đạt nhiều thành tựu ấn tượng, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước, nhất là vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn đã giảm nhanh, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Qua thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới tại các địa phương, nhiều mô hình cụ thể đã được xây dựng và khẳng định hiệu quả.

Xử lý chất thải chăn nuôi sản xuất giun quế

Là một trong những huyện có nhiều xã (Phù Đổng, Đặng Xá, Kim Sơn, Trung Mầu...) có thế mạnh về chăn nuôi quy mô lớn như nuôi bò sữa, lợn, huyện Gia Lâm (Hà Nội) phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường do không có nơi xử lý chất thải chăn nuôi của các hộ gia đình. Riêng xã Phù Đổng có đàn bò với tổng khoảng 2.000 con, mỗi ngày thải ra gần 20 tấn phân.

Số phân này một phần các hộ dân sử dụng làm hầm biogas, còn hầu hết bà con đổ ra ao, hồ, mương, rãnh, thậm chí đổ ra vệ đê, gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến môi trường.

Chính vì vậy, được sự ủng hộ của chính quyền, việc nuôi giun quế để xử lý chất thải của đàn bò sữa được người dân áp dụng.

Đây được xem là mô hình nghiên cứu sáng tạo, khép kín (tự sản xuất - tự tiêu thụ), kết hợp giữa 3 yếu tố khoa học - môi trường - kinh tế, giúp xử lý chất thải nông nghiệp bằng biện pháp sinh học lần đầu tiên được triển khai có quy mô, góp phần tích cực giải quyết ô nhiễm môi trường và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Tại trang trại của ông Nguyễn Xuân Hùng, mỗi tháng ông thu mua của bà con 360 tấn phân bò để thực hiện việc nuôi giun. Hiện nay, ông thu hoạch giun quế thành phẩm, giun quế giống và phân sạch từ giun quế. Với giá bán 20.000 đồng/kg sinh khối (giun giống), 100.000 đồng/kg giun thành phẩm, 2.500 đồng/kg phân sạch, trang trại của ông cung cấp giống và phân bón cho nhiều trang trại lớn ở miền Bắc và trên địa bàn Hà Nội.



Người dân Hà Tĩnh thực hiện có hiệu quả việc 
phân loại rác tại nguồn

Phân loại rác thải tại nguồn 

Ô nhiễm chất thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn tỉnh Hà Tĩnh là vấn đề nổi cộm. Với dân số sống tại nông thôn hơn 1 triệu người, chiếm trên 72%, ước tính lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn nông thôn khoảng 700 tấn/ngày.

Trước thực trạng đó, một số xã đã xây dựng thành công nhiều mô hình phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình như Tượng Sơn, Nam Hương, Thạch Điền, Thạch Tiến, Hương Trà, Tùng Ảnh..., trong đó điển hình là xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà, đã xây dựng nhiều mô hình phân loại, xử lý chất thải tại nguồn trên địa bàn xã.

Việc phân loại, xử lý rác thải tại nguồn được thực hiện tại hộ gia đình hoặc tập trung ở các khu sản xuất nông nghiệp. Theo đó, rác thải được phân loại thành rác tái chế, rác khó phân hủy và dễ phân hủy.

Sau khi phân loại rác, hộ gia đình, hợp tác xã sản xuất sẽ tập trung rác hữu cơ tại các khu sản xuất nông nghiệp, kết hợp với chất thải chăn nuôi để ủ với chế phẩm sinh học làm phân bón hữu cơ vi sinh với khối lượng lớn.

Lượng phân bón này sẽ phục vụ lâu dài cho sản xuất nông nghiệp nhằm hạn chế đốt, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp tới hệ sinh thái, chuỗi thức ăn và sức khỏe con người.

Công nghệ này áp dụng đơn giản, tiết kiệm chi phí, dễ thực hiện và phù hợp với điều kiện người dân nông thôn. Hiện nay, hơn 71 nghìn hộ dân thực hiện phân loại rác tại hộ và hơn 30 nghìn hộ đã được tập huấn sử dụng chế phẩm sinh học ủ phân hữu cơ tại nhà. Đặc biệt, toàn tỉnh đã xây dựng được gần 300 mô hình ủ phân vi sinh tập trung. Hầu hết các hộ dân thực hiện theo hỗ trợ, hướng dẫn từ Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ cơ sở.

Xây dựng cộng đồng thôn, bản gắn với du lịch

Con Cuông là huyện miền núi vùng cao biên giới của tỉnh Nghệ An, có 7 dân tộc anh em sinh sống, trong đó dân tộc Thái chiếm 75%. Nơi đây, những nếp nhà sàn cổ được giữ gìn quy hoạch theo ô bàn cờ, cứ 6 nhà một ô với nhiều ngã tư, ngã ba trong bản tạo nên nét riêng hiếm có ở miền núi.

Xung quanh bản, những khóm hoa, đường hoa đã mọc lên tươi thắm, môi trường sạch đẹp hơn, chuồng gia súc đã được cách ly xa nhà ở, nhà vệ sinh của từng hộ cũng vậy, nếp ăn, ở, sinh hoạt của bà con đã văn minh, sạch sẽ hơn.

Tại bản Liên Đình, nhiều hộ xây dựng bể nước sạch, dẫn nước tự chảy từ suối về đủ dùng quanh năm, không phải cõng nước như xưa. Xã Bồng Khê - vùng đất bao quanh thị trấn Con Cuông nằm bên sông Lam và được bao bọc bởi những dãy lèn đá vôi quanh năm mây phủ, có 130 hộ trồng hoa, trồng cây cảnh, bằng lăng xanh mát làm đẹp cho thị xã sinh thái, công tác vệ sinh môi trường được giữ gìn.

Dọc Quốc lộ 7 đi qua xã, các loài hoa thược dược, lay-ơn, mào gà khoe sắc bên vườn nhà, người dân ở đây yêu hoa, chăm hoa từ trước, nay hòa vào phong trào xây dựng nông thôn mới, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm trồng hoa, trồng cây ăn quả, phát triển trang trại cho thu nhập cao.

Huyện Con Cuông nhân rộng mô hình con đường hoa ở hầu khắp các tuyến đường. Trong đó, bản Khe Rạn (xã Bồng Khê) hay bản Xiềng (xã Môn Sơn) là những bản làng "đáng sống", nổi tiếng về du lịch cộng đồng với các câu lạc bộ cồng chiêng, những món ăn hấp dẫn du khách quốc tế và trong nước đến du lịch tại Con Cuông.

Du khách có thể đến trải nghiệm du lịch homestay, cầu treo thơ mộng, êm đềm với sắc xanh lá cọ, những nếp nhà sàn cổ kính thấp thoáng dưới tán cây... thưởng thức những món ăn hấp dẫn như mọc, canh ột, thịt gà nướng, cá mát… Bà con ở bản Xiềng (xã Môn Sơn) và Khe Rạn (xã Bồng Khê) tích cực xây dựng nông thôn mới và làm du lịch cộng đồng.

Tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp sạch và phát triển du lịch sinh thái, nghề thủ công mỹ nghệ là một trong những thế mạnh của Con Cuông.

Với sự quan tâm thường xuyên, chỉ đạo quyết liệt, kiểm tra đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, xây dựng các tổ tự quản dân cư hiệu quả, tuyên truyền tốt cho người dân vai trò làm chủ nông thôn mới, những kết quả bước đầu trong xây dựng nông thôn mới ở Con Cuông là bước đột phá ở một huyện vùng cao Nghệ An.

Xử lý nước thải sinh hoạt và cải tạo cảnh quan môi trường

Ở Việt Nam hiện nay, phần lớn nước thải sinh hoạt ở các khu dân cư đều chưa được xử lý đúng quy cách. Nước thải từ các khu vệ sinh mới chỉ được xử lý sơ bộ tại các bể tự hoại, chất lượng chưa đạt yêu cầu đã xả ra môi trường.

Đây là nguyên nhân góp phần làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe của người dân. Việc xây dựng trạm xử lý nước thải sinh hoạt và cải tạo cảnh quan môi trường tại phường Bách Quang, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên, với diện tích hơn 5.000 m2 là một mô hình có thể nhân rộng.

Trạm hoạt động chủ yếu theo nguyên tắc tự chảy, nước thải từ hệ thống thu gom qua hố ga tự chảy vào hệ thống xử lý. Chức năng của hố ga này là tách nước mưa và nước thải. Trong điều kiện thời tiết bình thường, nước thải sẽ qua hố ga đi vào hệ thống xử lý.

Khi trời mưa, lượng nước vượt quá sức tải của hố ga, lúc đó áp lực của bề mặt nước, nước thải đã được pha loãng bởi nước mưa sẽ tự tràn ra bãi lọc trồng cây ven suối, hỗn hợp nước thải và nước mưa còn lại sẽ đi vào hệ thống xử lý.

Nước thải qua song chắn rác và bể lắng cát, tại đây rác thải được loại bỏ, các phần tử cát có đường kính lớn hơn 0,2 mm sẽ được giữ lại để tránh gây cản trở cho quá trình phân hủy sinh học các chất hữu cơ tại các công trình xử lý tiếp theo. Sau đó, nước thải tiếp tục đi vào bể kỵ khí, theo nguyên tắc lắng và phân hủy sinh học kỵ khí nước thải đi theo đường dích dắc nhờ các ống PVC hướng dòng đặt trong bể, hướng dòng nước chuyển động lên và xuống.

Khi nước thải chuyển động từ dưới lên trên, sẽ đi xuyên qua lớp bùn đáy bể. Các vi khuẩn kỵ khí có rất nhiều trong lớp bùn cặn đáy bể, sẽ hấp thụ, phân hủy các chất hữu cơ có trong nước thải, đồng thời cặn cũng được giữ lại và phân hủy.

Nước thải đầu ra của bể lọc kỵ khí tiếp tục được bơm lên bể phân phối một, tại đây cặn lơ lửng lắng lại, nước được tiếp xúc với không khí, tăng cường ôxy.

Tiếp theo, nước thải tự chảy sang bể phân phối hai. Bể này đóng vai trò điều hòa và phân phối nước xuống máng tràn bậc thang và được xáo trộn ở đây nhằm tiếp tục tăng cường ôxy trước khi được thu vào hệ thống ống phân phối nước vào bãi lọc ngầm trồng cây. Các loại cây trồng trong bãi lọc được sử dụng ở đây là cây sậy và cây dong riềng...

Nước thải sau khi xử lý tại bãi lọc ngầm, được dẫn qua hệ thống ao sinh thái trước khi ra nguồn tiếp nhận. Ao sinh thái thả bèo có tác dụng xử lý bổ sung cho các công trình xử lý sinh học phía trước và điều hòa nước thải làm tăng cường hiệu quả, tính ổn định, an toàn cho hệ thống xử lý trước khi xả thải ra môi trường xung quanh.

Công trình đáp ứng mục tiêu xử lý nước thải sinh hoạt bằng công nghệ thân thiện với môi trường, tiết kiệm chi phí. Được thiết kế hài hòa với thiên nhiên và sinh thái; sử dụng nhiều loại thực vật để xử lý nước thải; hệ thống cây xanh, tiểu cảnh được bố trí xen kẽ, trạm xử lý đã tạo ra một khu công viên sinh thái nhỏ, vừa có tác dụng cải tạo cảnh quan môi trường khu vực, vừa là địa điểm vui chơi giải trí cho người dân phường Bách Quang.

Cải tạo kênh mương, ao hồ thành khu sinh hoạt động đồng

Một trong những ví dụ sinh động về cảnh quan, môi trường phải kể đến, đó là vùng quê Đan Phượng ngoại thành Hà Nội, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, sự đóng góp của doanh nghiệp và một phần đóng góp của người dân trong xây dựng điện - đường - trường - trạm, người dân Đan Phượng (thông qua các tổ chức đoàn thể) đã hình thành các nhóm, với những nhiệm vụ cụ thể như phụ lão, thanh niên, trồng và chăm sóc cây xanh dọc các tuyến đường lớn, đường mới.

Phụ nữ chịu trách nhiệm vận động, tổ chức thực hiện, theo dõi việc thực hiện các nội dung “5 không, 3 sạch”; thiếu niên tổ chức trồng hoa, vẽ bích họa dọc các tuyến đường thôn, tạo nên một sự độc đáo, đặc sắc cho bộ mặt làng quê, làm thay đổi sâu sắc nhận thức của người dân về vẻ đẹp quê hương, khơi gợi tình yêu, sự vun đắp của mỗi người dân cho quê hương mình.

Điều quan trọng hơn hết là nhờ những hoạt động hết sức thiết thực này, điều kiện vệ sinh môi trường khu vực nông thôn đã được cải thiện vượt bậc. Những con đường bích họa tại làng quê Đan Phượng, việc cải tạo các hồ, ao trong khu dân cư (trước đây là ao tù nước đọng, hôi thối và chứa đầy rác) đã tạo nên diện mạo nông thôn mới.

Với ý tưởng tuyệt vời xuất phát từ người dân, với quyết tâm và lòng kiên trì, sự đồng thuận của bà con, các hồ ao đã được kè bờ, không cho thải nước bẩn xuống hồ, tạo cảnh quan, cải thiện chất lượng nước, hình thành các khu vui chơi, khu tập bơi chống đuối nước cho trẻ em, một hình ảnh đẹp đã dần lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng người dân Đan Phượng và các huyện ngoại thành khác của Hà Nội.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM. Bài cuối: Những mô hình tiêu biểu