Trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Nhiều dự án nhận chuyển nhượng gặp khó

03/08/2018 12:39

Do nhiều đơn vị chuyển nhượng dự án còn nợ ngân sách nhà nước nên bên nhận chuyển nhượng khó được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Việc chuyển nhượng dự án của Công ty CP Điện cơ 1991 (TP Hải Dương) gặp khó do doanh nghiệp này còn nợ tiền thuế đối với ngân sách nhà nước 

​Thời gian qua, một số trường hợp thực hiện chuyển nhượng dự án gặp khó trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) bởi những vướng mắc khi thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.

Chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính

Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT), Luật Đất đai 2013 có những quy định rõ ràng về điều kiện được chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng dự án, trong đó nêu rõ trước khi chuyển nhượng, các bên liên quan phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Thực tế cho thấy nhiều đơn vị chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng không tuân thủ đúng quy định của pháp luật dẫn đến việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ của cơ quan chuyên môn gặp nhiều khó khăn. Vướng mắc chính vẫn là bên chuyển nhượng chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

Năm 2003, Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh thiết bị vật tư TP Hà Nội (Công ty Hà Nội) được UBND tỉnh cho thuê 9.210 m2 đất để xây dựng cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng và gia công kết cấu thép theo hình thức thuê đất trả tiền hằng năm. Đến năm 2011, do sản xuất, kinh doanh không hiệu quả, công ty chuyển nhượng dự án và tài sản gắn liền trên đất thuê cho Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh xuất, nhập khẩu Tuyên Quang (Công ty Tuyên Quang). Việc chuyển nhượng này đã được UBND tỉnh chấp thuận. Mặc dù vậy, Cục Thuế tỉnh xác định bên chuyển nhượng là Công ty Hà Nội còn nợ ngân sách nhà nước 230 triệu đồng. Khoản thuế phát sinh từ hoạt động chuyển nhượng tài sản chưa xác định được do Công ty Hà Nội không phối hợp làm việc với cơ quan thuế. Vì vậy, Sở TNMT chưa đủ căn cứ để cấp giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu tài sản gắn liền trên đất theo đề nghị của bên nhận chuyển nhượng là Công ty Tuyên Quang.

Tương tự, Công ty CP Khoáng sản Kim Bôi hiện cũng chưa được Sở TNMT cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Năm 2016, công ty này được UBND tỉnh cho thuê (đợt1) 134.659 m2 đất để thực hiện dự án khai thác hầm lò phần lò giếng mỏ than Cổ Kênh. Trong đó, có 40.842 m2 thu hồi từ Công ty TNHH Xây dựng - May xuất khẩu Minh Tuấn. Việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho Công ty CP Khoáng sản Kim Bôi cũng chưa thể thực hiện được do bên chuyển nhượng là Công ty TNHH Xây dựng - May xuất khẩu Minh Tuấn vẫn còn nợ ngân sách 973 triệu đồng tiền thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền phạt chậm nộp và một số loại phí khác.

Cũng với lý do bên chuyển nhượng vẫn nợ tiền ngân sách nên việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho Công ty CP Agrimax Hải Dương chưa thực hiện được. Hiện bên chuyển nhượng là Công ty CP Kao Hùng còn nợ ngân sách tới 1 tỷ 881 triệu đồng tiền thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế môn bài, tiền thuê đất, tiền phạt và tiền chậm nộp. Phần đất rộng gần 26.000 m2 được UBND tỉnh giao cho Công ty TNHH Công nghệ Milan từ năm 2004. Đến năm 2010, do hoạt động không hiệu quả, Công ty TNHH Công nghệ Milan chuyển nhượng lại cho Công ty CP Kao Hùng. Từ khi nhận chuyển nhượng, Công ty CP Kao Hùng cũng không triển khai thực hiện dự án, chưa thực hiện các thủ tục đất đai và nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Đến thời điểm này, Công ty TNHH Công nghệ Milan và Công ty CP Kao Hùng còn nợ ngân sách 2 tỷ 701 triệu đồng. 

Sớm tháo gỡ 

Theo đánh giá của Cục Thuế tỉnh, hầu hết các doanh nghiệp chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước đều gặp khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Đến thời điểm này, có tới 4.005 doanh nghiệp đã bỏ địa chỉ, rời khỏi địa bàn hoặc tạm ngừng, nghỉ kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp trong số này đã chuyển nhượng dự án cho các đối tác khác. Khi hoạt động chuyển nhượng diễn ra, việc liên hệ với bên chuyển nhượng để yêu cầu hoàn thành nghĩa vụ tài chính không thể thực hiện được. Các hoạt động liên quan đến việc xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ đều do bên nhận chuyển nhượng thực hiện. Ông Vũ Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết giải pháp hiệu quả nhất là khi phê duyệt dự án, cơ quan chuyên môn yêu cầu bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Bên nào đứng ra thực hiện nghĩa vụ này do hai bên tự thỏa thuận. Sau khi có xác nhận của cơ quan thuế, cơ quan chuyên môn mới thực hiện các thủ tục, trình tự cấp giấy chứng nhận QSDĐ theo quy định.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi cho rằng việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới xem xét hồ sơ của bên nhận chuyển nhượng mà chưa nghiên cứu đến hồ sơ của bên chuyển nhượng. Vì thế, việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ sẽ vướng nếu bên chuyển nhượng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính. Khi nghiên cứu hồ sơ xin chấp thuận đầu tư, cơ quan chuyên môn cần xem xét đầy đủ hồ sơ của cả hai bên. Việc này, UBND tỉnh nên giao cho cơ quan thuế chủ trì vì chỉ cơ quan thuế mới biết doanh nghiệp nào chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Để tháo gỡ những vướng mắc, lãnh đạo các sở, ngành liên quan đều cho rằng UBND tỉnh nên giao cho 1 cơ quan đầu mối có thẩm quyền tập trung giải quyết dứt điểm các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật liên quan đến chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất thuê. Từ đó tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết vướng mắc về nghĩa vụ tài chính để doanh nghiệp nhận chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất thuê đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận QSDĐ theo quy định.

VỊ THỦY

(0) Bình luận
Trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Nhiều dự án nhận chuyển nhượng gặp khó