Vì sao đường sắt yếu thế, không cạnh tranh được với ô tô, hàng không giá rẻ?

03/08/2019 11:30

Ngành đường sắt sẽ tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ và phương tiện nhằm hút hành khách quay trở lại đúng như vị thế chủ đạo trong các loại hình vận tải.

Đoàn tàu 5 sao của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đưa vào khai thác đã nhận được nhiều khen ngợi của hành khách đi tàu. Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho rằng, đường sắt lạc hậu là đương nhiên vì đây là ngành có hệ thống hạ tầng trên 100 năm, chi phí nguồn vốn đầu tư thấp và đang vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt về thị phần hành khách với ô tô và hàng không giá rẻ.

Theo báo cáo của VNR, 6 tháng đầu năm 2019, các chỉ tiêu sản lượng và doanh thu toàn VNR đều không đạt chỉ tiêu kế hoạch. Trong đó, sản lượng đạt hơn 3.959 tỷ đồng, doanh thu đạt 3.808 tỷ đồng.

Đến tháng 7 vừa qua, sản lượng hành khách đường sắt có bước tăng trưởng đôi chút và VNR tập trung vào khai thác tuyến tàu hàng chuyên tuyến để bù đắp được lại một số mặt hàng sụt giảm, tập trung khai thác đoàn tàu container nhanh bù đắp vận tải hàng hóa và hành khách vào những tháng cuối năm. VNR kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng sản lượng và doanh thu 7% của năm 2019 so với năm ngoái.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến các chỉ tiêu đạt thấp do là đường sắt vẫn yếu thế trong cạnh tranh về vận tải hành khách với hàng không giá rẻ và ô tô. Về vận tải hàng hóa, VNR khó cạnh tranh với đường biển, ô tô, đường thủy về giá thành vận tải, logistics.

Đặc biệt, những giải pháp đầu tư để tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng, dịch vụ kho bãi, tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải chưa triển khai tốt do vướng mắc về cơ chế, quy định pháp luật từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước…

Lý giải về việc doanh thu ngành đường sắt sụt giảm, ông Vũ Anh Minh cho biết 2 năm vừa qua, ngành đã tập trung vào đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, thay vì đóng tàu giường nằm 3 tầng chuyển xuống 2 tầng, toa xe 60-80 chỗ giờ chỉ còn hơn 50 chỗ. Chất lượng dịch vụ tăng lên, thay vì đoàn tàu trước có 600 chỗ thì hiện nay chỉ còn 400 chỗ. Điều này khiến số lượng hành khách giảm đi nhưng VNR bắt buộc phải nâng cao chất lượng dịch vụ để kéo hành khách trở lại với ngành đường sắt.

“Nếu vẫn duy trì đoàn tàu như cũ mà không cải tạo, đóng mới và nâng cao chất lượng dịch vụ thì một ngày không xa, hành khách sẽ bỏ tàu đi hết bởi nhu cầu và đòi hỏi người dân với chất lượng cuộc sống ngày càng cao, trong khi ngành đường sắt không theo kịp được sẽ tụt hậu với các phương thức vận tải khác,” ông Minh nói.

Theo ông Minh, chủ trương của ngành đường sắt là tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ và phương tiện. Bên cạnh đó, Chính phủ và Quốc hội cũng đã quan tâm đến ngành đường sắt để từng bước nâng cao chất lượng hạ tầng tổng thể ngành thu hút hành khách trở lại. Do vậy, sẽ có giai đoạn nhất định để VNR điều chỉnh phương án kinh doanh để thu hút khách quay trở lại tốt hơn.

Khẳng định sẽ khó có thể trả lời khi nào ngành đường sắt sẽ giành lại thị phần và cạnh tranh với hàng không, đường bộ, vị Chủ tịch VNR nhìn nhận đường sắt lạc hậu là đương nhiên vì đây là ngành có hệ thống hạ tầng trên 100 năm, chi phí nguồn vốn đầu tư chỉ khoảng 2% trong khi đường bộ là hơn 90%.

“VNR đang nỗ lực để thay đổi, cơ chế chính sách, đặc biệt là Luật Đường sắt có hiệu lực từ 1.7.2018 nêu rõ "vận tải đường sắt là phương thức chủ đạo". Chủ đạo không phải là một ngày, một tháng mà là cả quá trình với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và xã hội để đường sắt lấy đúng vai trò, vị thế trong 5 phương thức vận tải,” người đứng đầu Tổng công ty Đường sắt nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Minh đề nghị các đơn vị trong ngành đẩy mạnh thực hiện các giải pháp, nỗ lực phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng đã đề ra cho cả năm 2019, đặc biệt chú trọng các giải pháp về vận tải, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho khách hàng; siết chặt các giải pháp về an toàn, khẩn trương hoàn thành đúng tiến độ các công trình nâng cấp, sửa chữa đường ngang, góp phần hạn chế, giảm thiểu tai nạn giao thông đường sắt…

Mặt khác, VNR đã từng bước báo cáo Chính phủ để điều chỉnh lại cơ chế tiền lương cho công nhân tuần đường gác chắn để bảo đảm được tối thiểu hoạt động sinh hoạt nhu cầu hàng ngày của người lao động để gắn bó với ngành đường sắt.

Đối với các công ty trong ngành đường sắt, VNR cũng giao nhiệm vụ cố gắng bù đắp tiền lương từ các nguồn khác để bớt các khó khăn cho công nhân nhưng việc này cũng không thể nhanh chóng trong “một sớm chiều”.

VIỆT HÙNG (Vietnam+)

(0) Bình luận
Vì sao đường sắt yếu thế, không cạnh tranh được với ô tô, hàng không giá rẻ?