[Video] Ông Hăng nuôi ruồi

01/11/2020 14:20

Một số hộ dân ở xã Quang Trung (Tứ Kỳ) đã nuôi ruồi lính đen. Không chỉ góp phần xử lý rác thải, ruồi lính đen còn mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình họ.

Tận dụng diện tích vườn nhà, ông Hăng xây thành từng khu để nuôi ruồi lính đen

Nam tiến để học... nuôi ruồi

9 giờ sáng, dưới cái nắng hanh khô kéo theo chút se lạnh của những ngày tháng 10, chúng tôi theo một cán bộ Hội Nông dân xã đến tham quan mô hình nuôi ruồi lính đen (RLĐ) lớn nhất ở xã Quang Trung. Đó là gia đình ông Nguyễn Đức Hăng ở thôn An Vĩnh, mà người dân vẫn quen gọi là ông Hăng ruồi. 

Lúc chúng tôi đến, ông Hăng đang cần mẫn xúc từng xẻng thức ăn đổ vào các khu cho ấu trùng RLĐ ăn. Đám ấu trùng ngoe nguẩy nhanh chóng kéo đến bu đen vào thức ăn. Cho ấu trùng ăn xong, ông Hăng dẫn chúng tôi đến khu nuôi RLĐ trưởng thành. Vừa giới thiệu ông vừa nhanh tay bật hệ thống phun sương, "tắm" cho hàng nghìn con RLĐ trưởng thành. Một số con chen chúc, đẻ trứng vào thanh gỗ hẹp dưới sàn. Quay sang phía chúng tôi, ông tươi cười bảo: "Sáng nào tôi cũng cho chúng ăn uống xong xuôi thì mới yên tâm. Thoạt nhìn có vẻ đáng sợ nhưng khi nuôi mới biết chúng hiền lắm". 

Cơ duyên đến với nghề nuôi RLĐ của ông Hăng khá bất ngờ. Vốn xuất thân từ tiểu thương, ông đã quen với cảnh rau, củ quả ngoài chợ bị hỏng rồi bỏ thừa, vừa lãng phí lại gây ô nhiễm môi trường. Ông nghĩ sao mình không tận dụng để làm thức ăn cho vật nuôi. Nghĩ là làm, ông lên mạng tìm hiểu về loài vật nuôi phù hợp. Ông thấy RLĐ là loài côn trùng có lợi cho môi trường, chuyên ăn rác thải hữu cơ, lại sử dụng ấu trùng của chúng làm thức ăn cho vật nuôi khác. Ông còn học về quy trình chăm sóc, nuôi RLĐ từ các video trên mạng.

Vẫn biết ông là người hay mày mò, sáng tạo, nhưng khi biết chuyện ông nuôi ruồi, ai nấy đều xua tay ngăn cản. Vì trong suy nghĩ của họ, loài ruồi vốn không sạch sẽ, gây ô nhiễm môi trường. Ông lại dành hết gần 200 triệu đồng tiền tích cóp để đầu tư nên người thân lại càng không tán thành. Mặc cho ánh mắt tò mò, nghi ngại của mọi người xung quanh, ông Hăng vẫn bắt tay vào làm.

Giữa năm 2019, ông đặt mua 2 kg trứng RLĐ với giá 30 triệu đồng từ miền Nam để nhân giống. Hơn 1 tháng sau, trứng ruồi nở thành ấu trùng, biến thành nhộng và lột xác thành ruồi trưởng thành, ông phấn khởi vì sắp cho thu hoạch. Thế nhưng 60% số ruồi chưa kịp đẻ đã lăn ra chết, phủ đen dưới chuồng. Lần thứ nhất rồi lần thứ hai, thứ ba liên tiếp thất bại khiến ông trăn trở.

Đứng trước nguy cơ trắng tay, đầu năm 2020, ông Hăng quyết định Nam tiến để tìm hiểu, học tập kinh nghiệm nuôi ruồi, từ kỹ thuật xây chuồng nuôi, ủ, ấp trứng RLĐ, cách chăm sóc... Có thêm kiến thức cơ bản và kinh nghiệm thực tế, ông tiếp tục mua trứng RLĐ về làm lại từ đầu.

Tận dụng diện tích vườn nhà, ông Hăng xây thành từng khu để nuôi RLĐ. Khu thứ nhất nuôi RLĐ trưởng thành, quây kín bằng lưới đen. Trong khu nuôi đặt những thanh gỗ mỏng cho chúng đẻ trứng. Khu thứ hai, phía trên nuôi gà, phía dưới nuôi ấu trùng để dọn phân gà, tránh ô nhiễm môi trường. 

Sau khi mua trứng về, khoảng 2 ngày 3 đêm, trứng nở ra ấu trùng. Ông sử dụng cám (loại cám cho gà con) hòa với nước rồi rải lên khay cho ấu trùng ăn. Sau khi ủ từ 4-7 ngày, ấu trùng to bằng đầu tăm, ông sử dụng nguồn thức ăn thừa để nuôi. Khoảng 20-25 ngày tuổi, ấu trùng đen dần, chuyển thành nhộng và đóng kén sau đó lột xác thành ruồi. 

Vì ruồi khó thích nghi với điều kiện nắng nóng nên thời gian đầu thử nghiệm đàn ruồi bị chết nhiều. Vòng đời của RLĐ trưởng thành khá ngắn, chỉ sống từ 3-5 ngày nên người nuôi phải chăm sóc cẩn thận. Để khắc phục, ông sử dụng hệ thống tưới nước phun sương làm mát, duy trì nhiệt độ trong các khu nuôi từ 25-27 độ C. Khi thời tiết lạnh, ông lấy bạt che kín và giăng bóng đèn để ruồi được sưởi ấm cả ngày lẫn đêm nhằm cung cấp đủ nhiệt độ cho ruồi giao phối và sinh sản. Từ thay đổi này, ruồi khỏe hẳn lên, đẻ trứng nhiều hơn. 

Thời gian đầu, vừa làm vừa học để rút kinh nghiệm nên ông Hăng dành hầu hết thời gian vào đàn ruồi. Sáng sớm, ông chạy xuống khu nuôi, chuẩn bị thức ăn cho ấu trùng, khay đựng trứng... quần quật đến tối mới lên nhà. Có lần ông Hăng chỉ lặng lẽ ngồi quan sát, nhiều khi còn quên cả ăn. "Lúc đầu, một mình tôi chăm sóc, ăn cũng nghĩ đến ruồi, ngủ cũng nghĩ đến ruồi. Nhiều lúc, nửa đêm đang ngủ, tôi bật dậy chạy xuống xem đàn ruồi. Thấy tôi quyết tâm, hơn nữa nhìn đàn ấu trùng, nhộng ruồi mãi cũng thành quen, hết sợ, vợ tôi mới tham gia phụ giúp", ông Hăng chia sẻ. 

Lần sau nuôi tốt hơn lần trước, cứ thế, thay vì mua trứng như ban đầu, ông đã tự ủ trứng ruồi và gây giống thành công. 

Giải quyết ô nhiễm môi trường

Ấu trùng RLĐ vốn ăn tạp nên có thể tận dụng hầu hết các loại phế phẩm trong nông nghiệp làm nguồn thức ăn cho chúng. Hằng ngày, gia đình ông Hăng thu gom hàng tấn thức ăn thừa của các công ty, nhà hàng trong và ngoài huyện. Số rau, củ quả hỏng ở ngoài chợ, bã đậu cũng được bà con gom lại rồi bán cho ông. Theo ông Hăng, trung bình 1 kg ấu trùng RLĐ sẽ tiêu thụ hết 5 kg thức ăn thừa. 

Việc nuôi RLĐ không tốn nhiều chi phí bởi RLĐ trưởng thành thường không ăn, chúng chỉ đẻ trứng rồi chết. Tuy nhiên, ấu trùng RLĐ lại ăn tất cả các chất thải hữu cơ trong thời gian ngắn trước khi các chất này phân hủy và tạo ra mùi hôi. "Nuôi ấu trùng RLĐ giúp xử lý phân thải của vật nuôi. Khoảng 50% lượng phế phẩm được chúng phân hủy trong vòng 1 ngày. Phân gà, vịt thải ra đến đâu, ấu trùng xử lý hết đến đó. Vì thế khu vực nuôi của gia đình tôi luôn giữ được sạch sẽ", ông Hăng chia sẻ. 

Bên cạnh việc dọn vệ sinh môi trường, ấu trùng RLĐ dùng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm có thể tiết kiệm tới 50% chi phí so với nuôi bằng cám công nghiệp. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, hàm lượng chất dinh dưỡng có trong ấu trùng RLĐ cao. Gia đình ông Hăng đã tận dụng nuôi hàng nghìn con gà Ai Cập, vịt đẻ trứng. Nếu như trước đây, nuôi bằng cám công nghiệp, một ngày gia đình ông Hăng tốn 400.000 đồng tiền cám thì giờ chỉ mất khoảng 200.000 đồng, hiệu quả cao hơn nhiều. Gà, vịt nuôi mau lớn, sức đề kháng tốt.  

Theo ông Hăng, RLĐ có khả năng sinh trưởng nhanh, 1 m2 nuôi RLĐ có thể cho từ 7-8 kg ấu trùng trong vòng nửa tháng. Ngoài dùng ấu trùng RLĐ để chăn nuôi, gia đình ông hiện còn cung cấp ấu trùng cho các cơ sở ở các tỉnh, thành phố Nam Định, Hải Phòng... Với giá bán 2.000 đồng/kg ấu trùng, mỗi tháng gia đình ông thu lãi từ 10-15 triệu đồng. Ngoài số trứng RLĐ giữ lại tiếp tục nhân nuôi, ông Hăng bắt đầu bán cho những người cần. Giá 1 kg trứng RLĐ từ 15-20 triệu đồng. 

Tiếng lành đồn xa, từ việc lo ngại nuôi RLĐ tác động xấu đến môi trường, một số hộ dân ở trong và ngoài xã đã đến nhà ông Hăng "mục sở thị" và làm theo. Như gia đình anh Nguyễn Thanh Cảnh ở thôn An Tứ, xã Quang Trung hiện có mô hình rộng 200 m2 nuôi RLĐ. Ngoài kết hợp nuôi RLĐ với gà, gia đình anh còn đầu tư máy móc tạo sản phẩm từ RLĐ bán ra thị trường. Ấu trùng RLĐ trộn với thóc, ngô sau đó sử dụng máy ép thành cám cho gia súc. Ấu trùng RLĐ còn có thể sấy khô, trộn với vôi bột làm phân bón cho cây hoa. 

Ông Nguyễn Văn Thặng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Quang Trung cho biết: "Hiện một số hộ dân trong xã đã kết hợp nuôi RLĐ với chăn nuôi, mang lại nguồn thu nhập cao. Đây cũng là hướng đi mới, hiệu quả nên địa phương khuyến khích các hộ thực hiện". 

Ruồi lính đen có tên khoa học là Hermetia illucens, được nuôi ở nhiều nước trên thế giới. Vòng đời phát triển của ruồi lính đen khoảng 40-45 ngày, trải qua 4 giai đoạn: trứng, ấu trùng, nhộng và ruồi trưởng thành. Trong quá trình sống, nó có thể đẻ từ 500-800 trứng. Ấu trùng của ruồi lính đen có khả năng tiêu hóa thành phần hữu cơ trong rác thải sinh hoạt, phân gia súc, gia cầm, phế phẩm trong chế biến thủy sản, nông sản... tạo ra sản phẩm.

Xem clip

 THẢO NGUYỄN

(0) Bình luận
[Video] Ông Hăng nuôi ruồi