Xử nghiêm vụ xây thang máy lên núi ở Đồng Văn

27/10/2019 11:31

Dự án làm thang máy đưa du khách lên đỉnh Đồn Cao để ngắm cảnh, ăn uống, ngủ nghỉ vừa bị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đề nghị xử lý nghiêm.

Hơn 5.600m2 ở đỉnh núi Đồn Cao đã được phê duyệt để xây dựng thang máy, cùng hệ thống nhà hàng, quán bar và các khu nhà nghỉ dưỡng (homestay) - Ảnh: NGỌC QUANG

Việc UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt dự án thang máy ngắm cảnh, tham quan di tích Đồn Cao để đưa du khách lên đỉnh núi cao hơn 1.200m (so với mực nước biển) công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn khiến người dân bản địa cũng như du khách phản ứng dữ dội.

Thêm một Mã Pì Lèng Panorama!

Trong khi dư luận chưa lắng về vụ "Mã Pì Lèng Panorama" (thuộc địa phận huyện Mèo Vạc, Hà Giang) thì chỉ cách đó chưa đến 20km lại có thêm một "Panorama thứ 2". Đó là dự án thang máy ngắm cảnh, tham quan di tích Đồn Cao nằm ngay chợ phố cổ thị trấn huyện Đồng Văn này.

Có mặt tại dự án này, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thấy một công trình xây dựng ngổn ngang sắt thép, vật liệu. 

Điều đáng nói là dự án này nằm ngay sát trụ sở Huyện ủy, UBND, HĐND huyện Đồng Văn. Liên hệ với chủ tịch UBND huyện Đồng Văn Hoàng Văn Thịnh hỏi về dự án này thì chúng tôi được ông Thịnh hướng dẫn gặp Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Nguyễn Văn Thơ.

Ông Thơ cho biết đây là dự án được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Giang cấp phép từ cuối tháng 11.2017 cho ông Nguyễn Văn Dần ở TP Hà Giang. Dự án có vốn đầu tư gần 20 tỷ đồng, xây dựng một thang máy cao 102m, diện tích lòng thang 15m2 bám vào vách núi dựng đứng Đồn Cao. 

Ngoài hệ thống thang máy, dự án còn có một tổ hợp nhà hàng, nhà nghỉ, quầy lưu niệm, cà phê trên đỉnh núi với diện tích hơn 5.600m2 để phục vụ khách du lịch...

Chủ khách sạn N.Q., ở tổ 2 thị trấn Đồng Văn, cho biết: "Dự án này thực chất là để đưa du khách lên đỉnh núi ngắm cảnh, ăn uống và ngủ nghỉ. 

Không phải vì ghen tức hay gì, nhưng một dự án quy mô xây dựng hệ thống các homestay trên đỉnh cao nhất cùng dịch vụ ăn uống như thế là phá vỡ cảnh quan thiên nhiên đẹp của thị trấn. 

Cái thang máy cao lừng lững bám vào vách núi đẹp nhất huyện không khác gì cái gai đâm vào mắt người nhìn".

Thang máy cao 102m bám vào vách núi dựng đứng Đồn Cao - Ảnh: NGỌC QUANG

Biết sai vẫn cho thi công

Ông Nguyễn Văn Thơ cho biết: "Khi lập dự án thì chủ đầu tư cũng lấy ý kiến của Bộ VH-TT&DL. Sau khi được bộ thẩm định và tỉnh phê duyệt thì tháng 4.2019 họ đã tiến hành xây dựng. Mới đây, chúng tôi kiểm tra thấy còn thiếu một chút thủ tục trong hồ sơ nên đã cho dừng thi công từ tháng 8.2019".

Chúng tôi hỏi: Vậy cụ thể chủ đầu tư thiếu cái gì mà bị tạm dừng? Ông Thơ nói: "Chúng tôi là cấp huyện chỉ quản lý về mặt nhà nước, còn dự án này do tỉnh phê duyệt. 

Một góc chợ Đồng Văn - Ảnh: NGỌC QUANG

Tháng 2.2019, họ lên làm việc, trình dự án đã được tỉnh phê duyệt rồi. Chúng tôi xem và thấy họ còn thiếu nhiều thứ nên yêu cầu họ bổ sung bản đồ kèm theo quy hoạch khu vực 2 (khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích phố cổ Đồng Văn - PV). 

Dự án khi đó cũng chưa có trong bản đồ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, nên cần được đưa vào điều chỉnh quy hoạch của huyện. 

Ngoài ra cần xác minh di tích Đồn Cao có được xếp hạng di tích lịch sử hay không để lập phương án đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường. 

Một góc chợ trung tâm Đồng Văn - Ảnh: NGỌC QUANG

Những thứ còn thiếu đó chúng tôi đã yêu cầu họ bổ sung. Tuy nhiên, phía chủ đầu tư kêu thời gian thi công đã muộn nên họ cam kết sẽ vừa làm vừa hoàn tất các thủ tục".

"Sau gần 5 tháng khởi công xây dựng họ không bổ sung các nội dung mà huyện yêu cầu, cùng với nhiều ý kiến phản đối của người dân nên huyện đã tạm đình chỉ thi công. Hiện chúng tôi chờ chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục và chờ ý kiến chỉ đạo của tỉnh" - ông Thơ nói.

Phải xử lý nghiêm sai phạm

Ngày 25.10, Bộ VH-TT&DL đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Giang đề nghị phải xử lý nghiêm dự án thang máy tham quan, ngắm cảnh Đồn Cao cùng dự án khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú do chưa tuân thủ các quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ VH-TT&DL nhận định: Cả hai dự án trên đã triển khai nhưng chưa tuân thủ các quy hoạch với cao nguyên đá Đồng Văn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chưa thực hiện đúng các ý kiến của bộ tại các văn bản mà bộ đã gửi cho tỉnh Hà Giang giữa năm 2018.

Một góc chợ Đồng Văn nhìn từ trên cao - Ảnh: NGỌC QUANG

Theo Bộ VH-TT&DL, vị trí của hai dự án này nằm trong lòng công viên cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO ghi danh trong danh mục Công viên địa chất toàn cầu năm 2010. 

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt hai quy hoạch cho cao nguyên đá Đồng Văn năm 2017 là Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch khu du lịch quốc gia cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Quy hoạch xây dựng công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2030.

Bộ VH-TT&DL khẳng định hai dự án trên đã "phớt lờ" các ý kiến của bộ.

"Bộ VH-TT&DL đề nghị UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra toàn diện và kiên quyết xử lý nghiêm sai phạm theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các văn bản pháp luật khác có liên quan" - công văn của Bộ VH-TT&DL nêu rõ.

Đồn Cao (đồn Chang Poung) được xây dựng trên ngọn núi ngay sau lưng chợ phố cổ Đồng Văn. Đồn Cao là một trong những chứng tích kiến trúc quân sự do thực dân Pháp xây dựng năm 1925, bằng các vật liệu thô sơ, chủ yếu là đá trên đỉnh núi có độ cao khoảng 1.200m so với mực nước biển.

Đồn gồm 2 tầng, nhiều ngách, tầng trên có sân rộng và nhiều điểm nghỉ. Đứng ở đây có thể quan sát toàn bộ thung lũng. Dọc tường thành có lối đi gồm 97 bậc được xây bằng đá vôi Trùng Thoi.

Như con đỉa xấu xí đeo chân phụ nữ

Nhiếp ảnh gia Trần Cao Bảo Long (trái) trao đổi với phóng viên tại chợ phố cổ Đồng Văn - Ảnh: V.LAM

Nhiếp ảnh gia Trần Cao Bảo Long - người có một niềm say mê bất tận với Tây Bắc nói chung và cao nguyên đá Đồng Văn nói riêng. Anh có hơn 40 chuyến đi đến Đồng Văn để sáng tác ảnh. Anh nói mình yêu những núi đá của vùng này như máu thịt, nhất là vẻ đẹp của đỉnh Đồn Cao. Anh đang có cuộc triển lãm ảnh mang tên Hoa Của Đá tại chợ phố cổ Đồng Văn, ngay dưới chân Đồn Cao.

Anh tỏ ra rất buồn và thất vọng khi thấy người ta xây dựng tổ hợp dự án nhà hàng, nghỉ dưỡng trên đỉnh núi này.

"Tôi ở đây hơn tuần nay rồi, từ 19.10, gặp người dân nào cũng thấy họ bức xúc và lo lắng. Có hai chuyện làm tôi e ngại, đó là sự an toàn và cảnh quan. Về an toàn thì dân nói với tôi là họ rất sợ vì thang máy xây trên đầu họ.

Còn về cảnh quan thì đây là ngọn núi cao rất đẹp, nhìn bao quát thị trấn, dưới chân núi là phố cổ, mà giờ phá đi xây nhà cửa trên đó rất xấu xí. Ở sau núi có một con đường bộ lên đỉnh, tôi đã theo con đường này lên đỉnh nhiều lần.

Nếu người ta cần điểm ngắm cảnh, tham quan thì nên cải tạo con đường này để du khách đi lên chứ xây thang máy vắt lên núi như vậy chẳng khác con đỉa xấu xí đeo chân phụ nữ".

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Xử nghiêm vụ xây thang máy lên núi ở Đồng Văn