Chuyện trông trẻ từ những “xóm trọ tăng ca”

08/02/2020 17:29

Trước dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, nhiều gia đình là công nhân xóm trọ không khỏi lo lắng khi đối diện với khó khăn trông con mùa dịch bệnh.

Nhiều phụ huynh là công nhân chấp nhận sắp xếp lịch làm việc, thậm chí xin nghỉ làm ở nhà trông con để bảo đảm an toàn. Ảnh: Tùng Giang

Để “vượt khó”, nhiều công nhân phải chạy đôn chạy đáo tìm chỗ gửi con.

Xoay như “chong chóng” trông con

Trời đã chạng vạng, đầu giờ tối, khu xóm trọ công nhân dưới chân cầu Thăng Long (thuộc địa phận thôn Cổ Điển, xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội) trở nên huyên náo lạ lùng.

Men theo con đường đất lớp nhớp sình lầy, anh Nam vội lau mảng đất bùn bám chặt dưới đế giày, tay anh cầm gói quà nhỏ gọi với cậu con trai đang chơi một mình trong góc phòng trọ. “Hôm nay của con thế nào? Con có ngoan và nghe lời mẹ không?” - anh Nam ân cần hỏi con.

Đã mấy ngày nay, tính từ khi cậu con trai 3 tuổi được nhà trường cho nghỉ học, anh Nam thường cố gắng về sớm hơn sau những cuốc xe chở khách để trông con giúp vợ. Theo anh Nam, cả khu trọ công nhân này, gia đình nào có con nhỏ cũng cùng cảnh giống nhau.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Lan Anh - vợ anh Nam (sinh năm 1993, là công nhân Công ty Asahi thuộc khu công nghiệp Bắc Thăng Long) - cho biết, hai vợ chồng chị phải thay phiên trông con. Có khi cả hai đều bận thì gửi con cho cậu chăm giúp. Nhưng cậu cũng là công nhân khu công nghiệp, thường phải làm ca kíp nên bí quá, vợ chồng anh chị lại nhờ bà từ dưới quê lên. Như vậy, cả gia đình anh Nam, chị Lan Anh cứ xoay như “chong chóng” chăm con trong những ngày này.

“Mới đầu hay tin cháu nghỉ cả nhà cũng tá hỏa, lo lắng vì sợ không sắp xếp được công việc để trông con. Nhưng sau rồi cũng quen vì dù sao sức khỏe của con và gia đình cũng là điều quan trọng nhất” - chị Lan Anh chia sẻ.

Cũng theo chị Lan Anh, công việc tại khu công nghiệp của chị bắt đầu từ 5 giờ sáng đến 14 giờ chiều. Vì có dịch bệnh nên công ty cũng tạo điều kiện cho anh em công nhân không phải tăng ca thường xuyên. Tuy nhiên, trong xóm trọ, mỗi người làm một giờ giấc khác nhau, nên thi thoảng có trường hợp một người trông trẻ con cho cả xóm.

Những gia đình công nhân cùng cảnh ngộ

Cùng chung cảnh trông con “mùa dịch”, vợ chồng anh Lê Hải Dương - công nhân Công ty TNHH Phụ tùng ô tô, xe máy Showa (trú tại xóm trọ thôn Sáp Mai, xã Võng La, huyện Đông Anh, Hà Nội) - cũng phải thay phiên nhau, nhờ hàng xóm, tính toán từng ngày để các con luôn có người chăm sóc.

Theo chị Hòa - vợ anh Dương, bình thường ca làm việc của chị bắt đầu từ 8 giờ, kết thúc lúc 17 giờ. Để có thể trông các con trong vòng 1 tuần, chị Hòa và chồng phải xin đổi ca luân phiên và kết hợp nghỉ phép, thậm chí xin về sớm từ 1-2 tiếng nếu có thể. “Ở đây, nhiều gia đình là công nhân cùng cảnh ngộ, xa quê nên mọi người rất thông cảm cho nhau và hàng xóm cũng vui vẻ trông con giúp” - chị Hòa nói.

Theo chị Hòa, sống trong hoàn cảnh này mới thấm câu “bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Cả khu trọ công nhân ngày nào cũng tươi cười, vui vẻ. Họ sống và nương tựa vào nhau để vượt qua mọi thử thách, khó khăn trong cuộc sống có lắm nỗi nhọc nhằn.

Theo báo Lao động

(0) Bình luận
Chuyện trông trẻ từ những “xóm trọ tăng ca”