Công nhân trạm bơm Kênh Than nhiều sáng tạo

15/07/2019 11:37

Các sáng kiến của ông Vũ Văn Bái cùng các đồng nghiệp ở trạm bơm Kênh Than đã góp phần cải thiện điều kiện làm việc, tiết kiệm chi phí cho đơn vị...


Khi sử dụng bộ lai, việc đóng, mở cửa cống chỉ mất 30 phút thay vì 3 - 4 giờ đồng hồ như trước

Tháng 8. 2017, trạm bơm Kênh Than (xã Hiệp Hòa, Kinh Môn) được hoàn thiện và bàn giao cho công nhân của trạm. Dù có trạm bơm mới nhưng điều kiện làm việc vẫn còn một số hạn chế. Để cải thiện điều kiện lao động, ông Vũ Văn Bái cùng các đồng nghiệp ở trạm bơm Kênh Than đã có nhiều sáng kiến hữu ích trong công việc.

Sáng tạo trong công việc

Theo các công nhân của trạm bơm Kênh Than, việc đóng, mở cửa cống qua đê mỗi khi lấy và tiêu thoát nước rất vất vả phải quay van cống bằng tay. Thấy việc vận hành mất nhiều thời gian, ông Vũ Văn Bái đã có ý tưởng vận hành cửa cống bằng điện.

Ông Bái trình bày ý tưởng của mình với đồng nghiệp trong trạm và được mọi người hết lòng ủng hộ. Do không có chuyên môn, nghiệp vụ về kỹ thuật điện nên các sáng chế của ông không theo một nguyên mẫu nào. Thiết bị đóng, mở cửa cống của ông được tạo ra từ 1 mô tơ điện cũ và 1 dây curoa. Dòng điện 3 pha dễ gây chập cháy nên ông thiết kế 2 cầu dao và cầu chì để bảo đảm an toàn lao động. "Tôi đặt tên cho thiết bị này là bộ lai để đóng, mở cống. Bộ lai này có thiết kế nhỏ gọn, đơn giản nên có thể di động khắp nơi. Chỉ cần đóng cầu dao điện là thiết bị hoạt động; cống được đóng, mở chỉ trong khoảng 30 phút chứ không phải mất vài giờ đồng hồ như trước đây", ông Bái chia sẻ.

Không dừng lại ở bộ lai đóng, mở cống, ông tiếp tục lên ý tưởng làm máy chém bèo. Ông Nguyễn Văn Cố, Trạm trưởng trạm bơm Kênh Than cho biết: "Mỗi tuần, chúng tôi phải vớt bèo 2- 3 lần mà vẫn không hết. Chưa kể, nước kênh bị ô nhiễm, lần nào vớt bèo về cũng bị mẩn ngứa. Khi nghe ông Bái nói về ý tưởng làm máy chém bèo chúng tôi rất phấn khởi vì nếu thành công nó sẽ giúp ích nhiều trong công việc".

Ban đầu, ông Bái tìm mua máy nổ cũ, hộp số, máy chém, chân vịt và thuyền. Chân vịt giúp đẩy thuyền đi theo đúng hướng, máy chém bèo đằng trước, hộp số, máy nổ giúp vận hành máy chém bèo và chân vịt. Tất cả chi phí đều do anh em trong trạm đóng góp. Sau khi chạy thử nghiệm, máy còn gặp nhiều lỗi kỹ thuật. Dây curoa khi vận hành dưới nước bị trượt khỏi mắt xích nên chân vịt không quay. Ông Bái cùng với anh em trong trạm mày mò, suy nghĩ. Sau đó ông thay dây curoa bằng bộ nhông xích, chân vịt chạy đều hơn và không bị dừng đột ngột như trước.


Máy chém bèo giúp tiết kiệm chi phí và giảm sức lao động cho công nhân

Tiết kiệm thời gian, tiền bạc

Từ khi có bộ lai đóng, mở cửa cống, việc vận hành cửa cống trở lên đơn giản hơn rất nhiều. Trước đây, mỗi khi mưa lớn, cần mở cửa cống gấp để tiêu nước chống úng, trạm phải thuê thêm người, mỗi 1 lần mở cửa cống là 300.000 đồng. Từ khi có bộ lai, trạm không cần phải thuê người mở cống, thời gian mở cửa cống được rút ngắn, bảo đảm an toàn và tiết kiệm chi phí. Thiết bị này đơn giản lại có tính ứng dụng cao nên một số trạm bơm đã đặt ông Bái làm. Toàn bộ chi phí để làm 1 bộ lai chỉ dưới 10 triệu đồng.

Máy chém bèo cũng phát huy được tác dụng trong công việc. Trước đây, nếu chỉ huy động công nhân vớt bèo thì không bảo đảm công việc, trạm bơm Kênh Than phải thuê thêm máy xúc để vớt bèo. Việc thuê máy móc rất tốn kém nên ngoài số tiền được Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện hỗ trợ thì trạm phải tự bỏ tiền để thuê máy.

Anh Nguyễn Mạnh Hùng, Cụm trưởng cụm Kênh Than cho biết: "Năm 2018, chỉ tính riêng tuyến kênh Phùng Khắc (dài hơn 10 km) được xí nghiệp hỗ trợ 30 triệu đồng, nhưng thuê máy đã hết 35 triệu đồng. Năm nay, chúng tôi chỉ thuê máy vớt bèo hết 14 triệu, còn lại do máy chém bèo làm, tiết kiệm được hơn nửa tiền so với năm trước". Máy chém bèo phát huy ưu điểm vượt trội so với vớt bằng tay và máy xúc. Tốc độ hoạt động của máy chém bèo từ 800 - 1.000 vòng/phút nên toàn bộ bèo được băm nhỏ chỉ trong thời gian ngắn. Sau khi bèo bị băm nhỏ, công nhân sẽ mở cửa cống để bèo trôi ra ngoài đê. Chi phí lắp đặt máy chém bèo khoảng 50 triệu đồng. "Tuy nhiên, máy chém bèo chỉ hoạt động ở những kênh thẳng, không có cống. Nếu có cống thì phải dùng máy cẩu để nhấc máy chém bèo qua cống. Việc vận hành máy vẫn thường xuyên gặp sự cố, do vậy chúng tôi vẫn phải nghiên cứu thêm", anh Hùng nói thêm.

Bà Phạm Thị Thu, Phó Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Kinh Môn cho biết: "Hai sáng chế này đã hỗ trợ đắc lực trong công việc, giảm bớt sức lao động cho công nhân. Đặc biệt là tính ứng dụng của bộ lai đóng, mở cửa cống đã được một số trạm bơm học hỏi. Riêng máy chém bèo, nếu khắc phục được một số hạn chế về về kỹ thuật thì sẽ đạt hiệu quả cao. Hai sáng chế này chi phí thấp mà hiệu quả cao, có thể nhân rộng ở các trạm bơm khác".                  

TRẦN HIỀN


(0) Bình luận
Công nhân trạm bơm Kênh Than nhiều sáng tạo