Đối thoại gỡ mắc cho người lao động

01/05/2019 18:09

Các cuộc tuyên truyền kiến thức pháp luật do các cấp công đoàn trong tỉnh tổ chức trở nên sinh động, hấp dẫn hơn, giúp giải quyết nhiều khúc mắc trong quan hệ lao động.

Công ty TNHH May Tinh Lợi tổ chức tuyên truyền kiến thức pháp luật cho công nhân qua hình thức đối thoại có sự tham gia của đại diện công đoàn, Bảo hiểm Xã hội và chủ doanh nghiệp

Dân chủ, thiết thực

Phần lớn công nhân, lao động trong các doanh nghiệp đang hoạt động ở tỉnh ta là lao động phổ thông. Hiểu biết về kiến thức pháp luật, nhất là những nội dung liên quan trực tiếp đến người lao động của nhóm đối tượng này còn nhiều hạn chế. Để việc tuyên truyền kiến thức pháp luật đạt hiệu quả cao, thời gian qua, các cấp công đoàn trong tỉnh đã chuyển hướng tổ chức các buổi tuyên truyền theo hình thức đối thoại. Với cách làm này, các buổi tuyên truyền giống như cuộc trò chuyện dân chủ sôi nổi, giúp công nhân tháo gỡ nhiều vấn đề vướng mắc. Việc tuyên truyền kiến thức pháp luật qua hình thức đối thoại trực tiếp còn đáp ứng được quỹ thời gian hạn hẹp mà doanh nghiệp dành cho công nhân.

Cuối tháng 3 vừa qua, Công đoàn Công ty TNHH Cherry Bright ở xã Cộng Hòa (Kim Thành) tổ chức Đại hội lần thứ nhất. Vì mới thành lập nên đoàn viên công đoàn công ty chưa có nhiều dịp tìm hiểu kiến thức pháp luật. Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Kim Thành đã tranh thủ dịp này phối hợp cùng Ban Tuyên giáo (LĐLĐ tỉnh) về tuyên truyền kiến thức pháp luật. Buổi tuyên truyền diễn ra theo hình thức đối thoại. Ông Phùng Văn Thu, cán bộ LĐLĐ huyện Kim Thành cho biết mới đầu công nhân còn e ngại chưa dám đặt nhiều câu hỏi với Ban tổ chức, nhưng sau thời gian ngắn giao lưu họ đã mạnh dạn hơn, đặt nhiều câu hỏi liên quan đến kiến thức pháp luật dành cho người lao động. Không khí buổi tuyên truyền trở nên dân chủ và cởi mở hơn. “Tôi có nghe nói về chế độ thai sản dành cho nam giới khi vợ sinh con. Vậy tôi muốn hỏi trong trường hợp vợ chồng nhận con nuôi, đứa trẻ còn rất bé thì nam giới có được hưởng chế độ thai sản không?”, anh Nguyễn Văn Sơn đặt câu hỏi. Tất cả những người tham gia hội nghị hôm đó đều chú ý đến câu hỏi của anh Sơn bởi nó thực sự là tình huống mà chưa ai nghĩ đến. Rồi còn rất nhiều nội dung khác liên quan đến bảo hiểm, thỏa ước lao động tập thể… được công nhân đặt ra. Tất cả đều được Ban tổ chức trả lời thỏa đáng.

Công ty TNHH May Tinh Lợi có rất đông công nhân lao động, trong đó có nhiều người dân tộc thiểu số, đến từ các vùng sâu, vùng xa nên thiếu hụt kiến thức pháp luật. Thời gian qua, công đoàn công ty đã tích cực phối hợp tổ chức nhiều buổi tuyên truyền kiến thức pháp luật cho công nhân. Từng tham gia buổi tuyên truyền theo hình thức đối thoại tại công ty, chị Nguyễn Thị Ngọc cho biết: "Nghe tuyên truyền bằng hình thức đối thoại tôi thấy dễ hiểu hơn. Đặc biệt, việc trao đổi trực tiếp với cán bộ công đoàn, lãnh đạo công ty về vấn đề mình quan tâm, băn khoăn là rất thiết thực".

Có kỹ năng tốt

Để những buổi tuyên truyền kiến thức pháp luật bằng hình thức đối thoại đạt hiệu quả thiết thực đối với người lao động đòi hỏi cán bộ tham gia phải nắm vững kiến thức và có kỹ năng tốt. Phương pháp tuyên truyền này buộc người giảng phải thoát ly hoàn toàn văn bản. Đặc biệt phải có sự chuẩn bị trước, có thể thông qua nhiều kênh khác nhau để nắm bắt tâm lý, những khúc mắc của công nhân trước buổi tuyên truyền. Tuỳ vào đặc thù của từng ngành và đối tượng người lao động để chuẩn bị trước nội dung tuyên truyền, trao đổi.

Mỗi buổi tuyên truyền, cán bộ công đoàn có thể phải đối mặt với nhiều tình huống khác nhau. Ông Đỗ Văn Sanh, Trưởng Ban Tuyên giáo (LĐLĐ tỉnh) cho biết ví dụ như ở những cuộc tuyên truyền theo hình thức đối thoại trong các khu nhà trọ, vì lúc ấy không có mặt của đại diện doanh nghiệp, công nhân đặt ra nhiều câu hỏi mang tính nhạy cảm như tại sao sau khi sinh con đi làm đã được 4 tháng mà chưa nhận được tiền thai sản; làm hồ sơ hưởng chế độ thai sản, ốm đau phải đóng tiền lệ phí cho cán bộ kế toán; hằng tháng công ty vẫn trừ tiền đóng bảo hiểm nhưng lại không được nhận sổ bảo hiểm theo quy định; bị kim máy may đâm vào tay nhưng không được tiêm phòng uốn ván… Với những trường hợp này, cán bộ công đoàn phải giải thích các quy định của pháp luật để người lao động nắm vững quyền lợi. Sau đó có biện pháp kết nối với doanh nghiệp để tìm câu trả lời thỏa đáng cho người lao động. Việc làm này rất khó khăn, đòi hỏi cán bộ công đoàn phải tận tâm, khéo léo, tránh ảnh hưởng đến quá trình làm việc lâu dài của người lao động mà vẫn bảo đảm được quyền lợi chính đáng cho họ.

Năm 2018, các cấp công đoàn trong tỉnh đã chủ động và phối hợp với các bên liên quan tổ chức 2.488 buổi tuyên truyền về kiến thức pháp luật, với sự tham gia của 197.173 lượt công nhân, viên chức, người lao động. Phần lớn các cuộc tuyên truyền được tổ chức theo hình thức đối thoại. Tuy nhiên, theo ông Sanh, hiện một số cán bộ công đoàn chưa đủ kỹ năng để tuyên truyền theo hình thức này. Ở một số công đoàn cấp trên cơ sở trực tiếp, cán bộ công đoàn chưa mạnh dạn điều khiển buổi tuyên truyền. Do đó, thời gian tới các cán bộ công đoàn cần tích cực học hỏi, nâng cao trình độ để tổ chức các buổi tuyên truyền hiệu quả cho người lao động.

NGỌC THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đối thoại gỡ mắc cho người lao động