Già hóa dân số và vấn đề lao động người cao tuổi

05/08/2019 10:45

Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới.

Điều này đặt Việt Nam trước nhiều thách thức liên quan đến nguồn cung lao động và lao động người cao tuổi. Theo giới chuyên môn, tạo điều kiện cho người cao tuổi tiếp tục lao động không chỉ giúp họ có thêm thu nhập mà còn làm giảm những tác động bất lợi đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội do sự biến động của cơ cấu dân số gây ra.


Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới

Một trong các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới

Già hóa dân số là một trong những thách thức đáng kể nhất của thế giới trong thế kỷ XXI. Các nghiên cứu quốc tế gần đây cho thấy nhóm dân số cao tuổi đang tăng lên nhanh hơn các nhóm dân số khác, hiện cứ khoảng 10 người thì có 1 người trên 60 tuổi. Già hóa dân số diễn ra nhanh nhất ở các quốc gia đang phát triển, bao gồm cả quốc gia có nhóm dân số trẻ đông đảo, trong đó có Việt Nam.

Trong những năm qua do làm tốt công tác giảm sinh nên số lượng và tỷ lệ trẻ em trong cơ cấu dân số của Việt Nam ngày càng giảm. Cùng với đó, do sự phát triển kinh tế-xã hội và việc chăm sóc sức khỏe tốt hơn nên tỷ lệ và số lượng người cao tuổi tăng lên. Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 với tỷ lệ người trên 65 tuổi đạt 7%. Đến khi tỷ lệ người cao tuổi trở lên đạt 14%, chúng ta sẽ bước vào giai đoạn dân số già.

Đáng lo ngại, nếu như các nước trên thế giới phải trải qua nhiều thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ mới chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già, (như Pháp-115 năm, Thụy Điển-85 năm, Hoa Kỳ-70 năm…) thì Việt Nam được dự báo giai đoạn dân số già sẽ đến trong vòng 16-18 năm nữa. Như vậy, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc tỷ lệ và số lượng người cao tuổi Việt Nam sẽ tăng lên nhanh chóng trong những năm tới.

Năm 2017, số người cao tuổi ở Việt Nam chiếm 11,9% trong tổng dân số. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2038 nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm khoảng 20% tổng dân số. Lúc này, dân số trong độ tuổi lao động sẽ giảm xuống và sự biến động dân số này sẽ tác động bất lợi đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội nếu không có chính sách phù hợp.

Do đó, theo ông Arthur Arken - Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Việt Nam cần phải có các chính sách và chương trình kịp thời và hiệu quả để có thể đáp ứng được vấn đề già hóa dân số và chuẩn bị cho dân số già trong tương lai. Nếu chúng ta có các giải pháp phù hợp về chăm sóc sức khỏe, thu nhập ổn định, mạng lưới an sinh xã hội và hỗ trợ về mặt pháp lý cho người cao tuổi thì các thế hệ hiện nay và trong tương lai sẽ được hưởng lợi từ chính sự già hóa dân số.

Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách về an sinh xã hội dành cho người cao tuổi như: chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và trợ cấp xã hội… Tuy vậy, hệ thống chính sách an sinh xã hội ở nước ta mới hỗ trợ nâng cao đời sống cho một bộ phận người cao tuổi. Hiện cả nước mới có khoảng 39% người cao tuổi được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội, chính sách đối với người có công và trợ cấp xã hội. Như vậy, còn tới 61% dân số cao tuổi sống dựa hoàn toàn vào kinh tế của chính mình.

Do đó, bên cạnh việc đẩy mạnh tổ chức và triển khai thực hiện các hoạt động chăm sóc người cao tuổi, thì một việc rất quan trọng khác là cần tạo điều kiện cho người cao tuổi lao động trong khả năng, để một mặt tạo ra thu nhập cho cá nhân người cao tuổi, mặt khác, góp phần giảm tác động bất lợi đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội do sự biến động của cơ cấu dân số gây ra.

Sử dụng người lao động là người cao tuổi

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, độ tuổi nghỉ hưu đối với nữ hiện nay là 55 tuổi và nam là 60 tuổi. Từ độ tuổi này trở lên khi tiếp tục tham gia lao động thì được coi là lao động cao tuổi.

Ở Việt Nam, tỷ lệ người lao động cao tuổi tiếp tục làm việc vẫn rất cao. Báo cáo đánh giá tác động của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho thấy, có tới 60% người cao tuổi trong độ tuổi 60-69 đang làm việc.

Những lao động cao tuổi tiếp tục làm việc xuất phát từ nhu cầu tăng thêm thu nhập phục vụ cho cuộc sống. Bên cạnh đó, theo ông Lê Quang Trung - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), khi tham gia vào thị trường lao động, người cao tuổi có một vị trí đặc biệt. Bởi họ là những người có kinh nghiệm và các kỹ năng để làm việc tốt nhất đã được tích lũy qua thời gian. Bên cạnh đó là ý thức chấp hành, sự am hiểu pháp luật tốt hơn; đồng thời ít bị tai nạn lao động hơn... Ông Lê Quang Trung nhấn mạnh, khi chúng ta bước vào giai đoạn già hóa dân số thì việc sử dụng người lao động là người cao tuổi là rất cần thiết.

Có rất nhiều công việc người cao tuổi làm được mà không ảnh hưởng tới nguồn cung việc làm của người trẻ. Họ có thể tham gia làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp từ cổng vào như bảo vệ đến những công việc hành chính, phục vụ, kho, quản lý… Thậm chí, trong nhiều nhà máy của các doanh nghiệp, những dây chuyền sản xuất cũng có sự tham gia của người lao động cao tuổi. Dù chỉ làm những công việc giản đơn, nhưng họ làm rất tỉ mỉ. Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp cho biết, trong tương lai nhu cầu sử dụng lao động cao tuổi còn có thể nhiều hơn.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hiện cũng đang có kế hoạch tổ chức các sàn giao dịch việc làm dành cho người cao tuổi để tận dụng, phát huy và tạo điều kiện cho người cao tuổi đóng góp cho xã hội.

Kinh nghiệm từ Nhật Bản

Trước những thách thức về già hóa dân số, một số nước trên thế giới có riêng chương trình sử dụng người lao động cao tuổi để hỗ trợ cho người cao tuổi tìm việc, hỗ trợ cho chủ lao động là người cao tuổi. Thậm chí rất nhiều doanh nghiệp chỉ tuyển người cao tuổi.

Điển hình là ở Nhật Bản, cứ 10 người thì có đến 3 người già. Vấn đề già hóa dân số trầm trọng đang tạo ra gánh nặng về phúc lợi xã hội không nhỏ cho nước này. Do đó, từ năm 1986, Chính phủ Nhật Bản đã có quy định chính thức về việc thiết lập các trung tâm giới thiệu việc làm ở tất cả các đơn vị hành chính cấp thôn, quận và thành phố.

Các trung tâm này hoạt động hoàn toàn bằng ngân sách Nhà nước và chỉ thu một khoản phí rất nhỏ từ những người cao tuổi đăng ký tìm việc. Nhiệm vụ của Trung tâm là giới thiệu những công việc đơn giản, ít tốn thời gian cho những người cao tuổi sống trong khu vực hành chính mình quản lý. Trung tâm còn có trách nhiệm đóng tiền bảo hiểm cho các hội viên.

Quốc hội Nhật Bản cũng đã thông qua bộ luật ổn định việc làm cho người cao tuổi vào năm 2013. Luật này yêu cầu mọi doanh nghiệp áp dụng tuổi về hưu với tuổi không trẻ hơn 60, đồng thời phải thực hiện một trong ba biện pháp: (1) xây dựng chế độ tuổi về hưu là 65; (2) có biện pháp duy trì việc làm đến 65 tuổi hoặc (3) bãi bỏ chế độ về hưu.

Bên cạnh đó, chính phủ trợ cấp cho các doanh nghiệp tuyển dụng người cao tuổi thông qua các trung tâm nhà nước về ổn định việc làm; doanh nghiệp có chế độ bảo đảm việc làm cho nhân viên tuổi 65. Đến nay, phần lớn doanh nghiệp Nhật Bản đều đã xây dựng chế độ làm việc đến 65 tuổi.

Việc khuyến khích người cao tuổi tham gia lao động của quốc gia này, ngoài góp phần giải quyết những vấn đề khó khăn với phát triển kinh tế, chế độ an sinh xã hội, còn có mặt tích cực tạo ra sự hài lòng và khẳng định bản thân của người cao tuổi.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Già hóa dân số và vấn đề lao động người cao tuổi