Lao động lo mất việc thời hậu Covid-19

17/06/2020 07:00

Dịch Covid-19 tạm lắng nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể khôi phục sản xuất, kinh doanh, kéo theo cảnh người lao động tiếp tục thiếu hoặc mất việc làm.


Dù dịch Covid-19 tạm lắng nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn lao đao, người lao động nơm nớp nỗi lo mất việc, thiếu việc làm. Trong ảnh: Công ty TNHH May Tinh Lợi dự kiến thời gian tới sẽ cắt giảm hàng nghìn lao động

Dịch Covid-19 cơ bản được đẩy lùi ở nước ta nhưng tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp. Không ít doanh nghiệp theo đó gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, người lao động có thể thiếu việc hoặc mất việc làm.

Doanh nghiệp tìm cách tồn tại

Số lượng đơn hàng mới quá ít so với năng lực sản xuất, Công ty CP May II Hải Dương đang phải tìm cách duy trì hoạt động. Chị Lê Thị Ngọc Trâm, Trưởng Phòng Tổ chức hành chính công ty cho biết: "Dịch Covid-19 đang tạm lắng nhưng hiện chưa đến 50% số đối tác truyền thống của công ty ký kết các đơn hàng mới".

Công ty hiện có 3 cơ sở gia công tại các huyện Thanh Hà, Nam Sách và nhà máy sản xuất chính đặt tại TP Hải Dương, tạo việc làm cho gần 1.000 lao động. Sản phẩm quần áo thời trang nam, nữ xuất sang Mỹ và một số nước châu Âu hiện là ngành hàng vẫn đang bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. "Vừa tìm cách duy trì sản xuất, kinh doanh, vừa chật vật giữ chân người lao động khiến doanh nghiệp khó khăn nhiều bề", chị Trâm nói.

Một doanh nghiệp 100% vốn Nhật Bản, chuyên sản xuất thiết bị vô tuyến viễn thông ở khu công nghiệp Tân Trường (Cẩm Giàng) cũng đang gặp cảnh tương tự. Nguồn nguyên liệu đầu vào khó khăn, chủ yếu nhập từ Trung Quốc cộng với tình trạng mất dần lao động làm kế hoạch sản xuất của công ty bị ảnh hưởng. Lượng đơn hàng mới đến từ công ty mẹ tại Nhật Bản tuy được cải thiện so với đợt cao điểm Covid-19 song vẫn giảm khoảng 30% so với trước. "Ít việc, không tăng ca khiến một bộ phận công nhân có xu hướng tìm việc tại những doanh nghiệp khác. Trong thời gian tới, khi lượng đơn hàng tăng trở lại, công ty sẽ thiếu lao động", đại diện công ty này cho biết.

Theo nhiều chủ doanh nghiệp, người lao động thường chia sẻ với nhau về những nơi có việc làm hấp dẫn hơn. Sau đó, đợi qua kỳ lĩnh lương, họ sẽ báo trước 1-2 ngày rồi nghỉ việc. Hành động nghỉ đột ngột này đã vi phạm hợp đồng lao động. Dù biết vậy nhưng phần lớn doanh nghiệp thay vì phạt người lao động, họ vẫn hoàn tất các thủ tục giấy tờ để giúp công nhân tìm được việc mới tốt hơn.

Lao động chật vật kế sinh nhai

Doanh nghiệp gặp khó, người lao động cũng không khá hơn khi buộc phải "đứng núi này trông núi nọ".

Anh Nguyễn Văn Hùng ở huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) vào làm tại Công ty TNHH May Tinh Lợi từ cuối năm 2019. Trước đây, với mức lương từ 7-8 triệu đồng/tháng, anh có tiền gửi về phụ giúp gia đình. Nhưng đến tháng 4, mọi hoạt động sản xuất của công ty bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Công việc ít đi, lại phải nghỉ luân phiên khiến anh Hùng không đủ tiền để trang trải cuộc sống. "Tiền lương của tôi chỉ đủ chi trả chi phí sinh hoạt và nhà trọ, không còn tiền gửi về quê cho gia đình. Chán vì không có việc làm, tôi đành viết đơn xin nghỉ việc để về quê đi phụ xây", anh Hùng cho biết.

Cùng chung cảnh ngộ nhưng vợ chồng chị Nguyễn Thị H. ở xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện), công nhân nhà máy của Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam ở cụm công nghiệp Nghĩa An (Ninh Giang) vẫn cố gắng trụ lại công ty. Chị H. cho biết: "Thời gian gần đây, dù dịch bệnh tạm lắng nhưng nhiều đơn hàng vẫn phải tạm dừng sản xuất. Vợ chồng tôi cùng rất nhiều lao động khác không có việc làm. Có thời điểm 1 tuần chúng tôi chỉ làm 2 ngày, không tăng ca, thời gian còn lại nghỉ hưởng 70% lương".

Theo số liệu thống kê, tháng 5 vừa qua có hơn 30.400 lao động bị ảnh hưởng việc làm, trong đó hơn 2.000 lao động mất việc, hơn 2.500 lao động phải ngừng việc và hơn 25.800 lao động phải làm việc luân phiên.

Nhiều chuyên gia dự đoán thời gian tới, một lượng không nhỏ các doanh nghiệp sẽ thu hẹp sản xuất, hoạt động cầm chừng bởi không tìm kiếm được các đơn hàng mới. Nguy cơ giảm nguồn việc làm theo đó cũng tăng lên. Thậm chí, dù lao động cố gắng bám trụ với công ty, họ cũng khó cân bằng được cuộc sống gia đình bởi thu nhập sụt giảm.

KIÊN QUYẾT

(0) Bình luận
Lao động lo mất việc thời hậu Covid-19