Mưu sinh ngày 30 Tết

24/01/2020 19:08

​Ngày 30 Tết vẫn còn những lao động nghèo hối hả mưu sinh trên các đường phố ở TP Hải Dương.


 Dịp Tết, nghề đánh giầy giúp anh Nguyễn Văn Nam (TP Hải Phòng) thu nhập hơn 1 triệu đồng/ngày

Tết với nhiều người là thời gian đoàn tụ bên gia đình, là thời gian trang hoàng nhà cửa, cùng người thân đi mua sắm nhưng với người thợ đánh giầy như anh Nguyễn Văn Nam (33 tuổi) quê ở Thủy Nguyên (TP Hải Phòng) thì lại khác. Anh cho biết dịp Tết mới là thời gian vàng để tăng thu nhập. Do đó 7 năm nay, ngày 30 Tết năm nào cũng phải tối mịt anh mới về đến quê nhà. 

“Dịp Tết tôi tăng giá đánh giầy. Dịp Tết năm ngoái tôi kiếm được hơn 10 triệu, năm nay kém hơn vì số lượng người đánh giầy tăng lên. Nhà tôi nghèo, bố tôi mất cách đây gần 20 năm, sức khỏe mẹ tôi yếu, tôi lại có 3 người con nên cố gắng làm mấy ngày cuối năm để giúp gia đình có cái Tết đủ đầy hơn”, anh Nam chia sẻ.


Hai bố con anh Vương Đức Kỳ (49 tuổi) ở phường Trần Hưng Đạo (TP hải Dương) bán bóng bay ở khu vực công viên Bạch Đằng. Năm nào cũng phải 1 giờ sáng ngày mùng 1 Tết mới, anh về đến nhà

5 năm nay, anh Vương Đức Kỳ (49 tuổi, ở phường Trần Hưng Đạo, TP Hải Dương) gắn bó với nghề bán bóng bay ở khu vực hồ Bạch Đằng. "Dịp này mỗi ngày tôi cũng lãi được 200.000- 300.000 đồng. Riêng đêm giao thừa thì thu nhập cao gấp đôi", anh Kỳ cho biết.

Gia đình anh Kỳ cũng khá khó khăn nên không có điều kiện mua sắm nhiều. Trước đó vài ngày, anh đã tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, mua sắm những đồ cơ bản để thắp hương trên bàn thờ ngày Tết và tập trung toàn bộ thời gian để bán bóng bay. 

“Mấy năm nay, năm nào tôi cũng bán bóng bay đến qua giao thừa. Khi về nhà vợ con đã ngủ hết. Thắp nén nhang thơm rồi cầu mong một năm mới gia đình sức khỏe, hạnh phúc là mừng rồi”, anh Kỳ tâm sự.

Anh Phạm Văn Dũng (52 tuổi) ở xã Quyết Thắng (TP Hải Dương) bán rau, củ, quả ở chợ Phú Lương. Anh Dũng tâm sự ngày nào cũng từ sáng đến chiều tối mới về đến nhà. Sáng hái rau gom vào rồi chở lên chợ Phú Lương bán cả ngày. Mỗi ngày, anh lãi được khoảng 150.000 đến 200.000 đồng. Dịp Tết anh tăng cường lượng hàng gấp đôi nên có thể lãi 400.000 - 500.000 đồng/ngày.

Vừa ngắt những lá rau muống vàng úa anh Dũng vừa nói: “Tôi tranh thủ dọn nhà cửa đêm hôm kia rồi. Cũng mong muốn có được mâm bàn thờ tươm tất cúng gia tiên, hơn nữa còn mua cho 2 đứa nhỏ bộ quần áo mới. Tôi cố bán hết số rau này kiếm thêm chút tiền mua một số thứ nữa rồi về nhà đón giao thừa”.


Em Vương Đức Hưng ở phường Tân Hưng (TP Hải Dương) mong bán được hết đào

Mỗi người một số phận, mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng với họ ngày Tết cũng như ngày bình thường. Chỉ khác là ngày Tết thu nhập cao hơn, nên họ phải cố gắng làm.

Chiều 30 Tết, dọc một số tuyến phố bán đào, quất, hoa, cây cảnh, nhiều người vẫn cầm trên tay cành đào mong chờ có người mua hết để được về nhà. 

"Năm nào em cũng vậy, ngay khi được nghỉ Tết là em phụ giúp bố mẹ bán đào trong TP Hải Dương. Nhìn các bạn được đi mua sắm, được vui chơi… những ngày này em thấy tủi thân lắm. Nhưng vì thương bố mẹ nên em cố gắng phụ giúp bố mẹ để bố mẹ vui", em Vương Đức Hưng, học sinh lớp 8, Trường THCS Tân Hưng (TP Hải Dương) nói.

Cơn mưa chiều ngày 30 Tết càng làm không khí ngoài đường thêm lạnh. Trong những ngôi nhà ấm áp ánh đèn thì ngoài kia vẫn có những người vất vả mưu sinh mong kiếm thêm thu nhập ngày cuối năm để có một cái Tết đủ đầy.

THẾ ANH

(0) Bình luận
Mưu sinh ngày 30 Tết