Người lao động xoay xở kiếm sống

15/09/2020 07:01

Dịch Covid-19 đã làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, phải cho lao động nghỉ việc dài ngày, hoặc nghỉ việc luân phiên.


Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đơn hàng giảm nên Công ty TNHH May Formostar Việt Nam ở phường Ái Quốc (TP Hải Dương) phải cắt giảm nhiều lao động

Thu nhập giảm 

Chị Vũ Thị Thuý (44 tuổi) ở xã Bình Xuyên (Bình Giang) phải nghỉ việc từ ngày 25.8 do công ty thông báo giải thể. "Tôi lĩnh lương tháng cuối cùng ở công ty được 7 triệu đồng, trong khi tôi là lao động chính trong gia đình. Tôi đang nuôi mẹ già, 2 con ăn học, còn chồng bị chấn thương không có khả năng lao động. Trong giai đoạn này, tôi phải chi tiêu dè sẻn để chờ có công việc mới”, chị Thuý chia sẻ.

Từ ngày nghỉ việc đến nay, chị Thúy đã nộp hồ sơ vào gần 10 doanh nghiệp nhưng nhiều nơi chưa liên hệ lại. Có công ty điện thoại lại chỉ thông báo cho biết chị đã quá độ tuổi cần tuyển. Có doanh nghiệp nhận vào làm nhưng theo hình thức khoán sản phẩm, không được hưởng bất cứ chế độ gì ngoài tiền công khoán, thu nhập chỉ bằng một nửa so với trước.

Cùng nhiều công nhân khác trong công ty, chị Thúy đã nộp hồ sơ tại Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) để được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Họ đều có chung mong muốn sớm nhận được tiền trợ cấp để vơi bớt khó khăn. Theo chị Thúy, công ty cũ đã thông báo hỗ trợ mỗi công nhân 1,5 triệu đồng và ngày 15.9 sẽ được nhận.

Chị Nguyễn Thị Bình (26 tuổi) ở huyện Tứ Kỳ làm việc cho một doanh nghiệp tại xã Tái Sơn cùng huyện. Chị cho biết chỉ trong 1 tháng chị và đồng nghiệp được thông báo tạm nghỉ việc đến mấy lần. Nghỉ ít từ 2-3 ngày, nhiều thì cả tuần. Khi đi làm trở lại, do việc ít nên không được tăng ca, thu nhập giảm đáng kể. “Trước đây mỗi tháng tôi có thu nhập hơn 7 triệu đồng, nhưng giai đoạn này chỉ được từ 4,5-5 triệu đồng. Chồng tôi cũng làm công nhân, ít việc, thu nhập bấp bênh. Hai vợ chồng vẫn còn nợ tiền xây nhà lại nuôi 2 con nhỏ nên phải tiết kiệm chi tiêu tối đa”, chị Bình nói.


Nhiều lao động thất nghiệp đến Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) liên hệ tìm việc làm

Mong được hỗ trợ

Không chỉ lao động có giao kết hợp đồng gặp khó khăn mà nhiều lao động tự do cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Một trong những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất hiện nay là kinh doanh dịch vụ karaoke, massage... Thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch nên các dịch vụ không thiết yếu này phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động đầu tiên và cũng chưa được hoạt động trở lại, kéo theo là hàng loạt lao động phải nghỉ việc.

Anh Nguyễn Văn Thành (30 tuổi) ở phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) làm nhân viên một quán karaoke đã nhiều năm nay. Vợ anh cũng làm thu ngân tại quán này. Thu nhập hằng tháng của vợ chồng anh dù không cao nhưng cũng đủ trang trải cuộc sống. Nhưng từ đầu năm đến nay, 2 đợt dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên quán phải đóng cửa, vợ chồng anh phải nghỉ việc dài ngày. Để có thu nhập, vợ chồng anh phải làm nhiều việc như giao hàng, bán hàng trên mạng... 

Anh Thành chỉ là một trong nhiều lao động đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Những người này thu nhập thấp, ít hoặc không tham gia bảo hiểm xã hội, không có nguồn tích trữ, nguồn thu nhập khác. Họ chỉ mong hết dịch và được hỗ trợ phần nào để vơi bớt khó khăn trong cuộc sống. 

Báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) cho thấy, trong 8 tháng đầu năm nay, có 10.829 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 63% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp giải thể, thay đổi cơ cấu, lao động bị chấm dứt hợp đồng hoặc hết hạn hợp đồng lao động... Các doanh nghiệp có nhiều lao động phải nghỉ việc như các Công ty TNHH: Rich way (800 người), Sees vina (206 người), Mascot (205 người), Sky Dragon Việt Nam (171 người)... Có 70% số lao động thất nghiệp là lao động phổ thông, tập trung ở các ngành nghề may, điện tử, giầy da, du lịch...

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, qua rà soát, đến ngày 4.9 toàn tỉnh có trên 4.700 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không lương. UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách hỗ trợ 289 người với số tiền 531 triệu đồng. Có trên 7.300 người lao động không có giao kết hợp đồng hoặc mất việc làm, trong đó 5.300 người được UBND tỉnh hỗ trợ hơn 5,3 tỷ đồng. Những người thuộc diện này đã và đang được các địa phương chi trả. 

THẾ ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người lao động xoay xở kiếm sống