Người vận chuyển

01/12/2019 15:06

"Người vận chuyển" là bộ phim hành động nổi tiếng do Mỹ sản xuất với nhân vật chính Frank Martin.

Công việc diễn ra liên tục khiến những người vận chuyển không mấy khi được nghỉ ngơi

Anh này ăn mặc lịch sự, sở hữu ô tô sang chảnh và có khả năng chuyên chở mọi thứ hàng hóa với mức thù lao nhận được hàng chục nghìn đô la Mỹ sau mỗi chuyến đi.

Câu chuyện chúng tôi đề cập dưới đây cũng nói về những người làm nghề vận chuyển ở TP Hải Dương nhưng họ lại vất vả, bình dị và mức thu nhập hoàn toàn trái ngược với Frank Martin.

Cơm chan mồ hôi

Quảng trường Thống Nhất (TP Hải Dương) được ví như "đại bản doanh" của những người làm nghề vận chuyển hàng hóa. Trước đây, khi Trung tâm Thương mại Hải Dương chưa bị cháy, họ tụ tập xung quanh toà nhà này. Năm 2013, trung tâm bị "bà hỏa" thiêu rụi, họ đành dạt sang khu vực Quảng trường Thống Nhất hiện nay.

Ở đây luôn có khoảng 25-30 xe ô tô tải chuyên chở hàng thuê về các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và đi 2 tỉnh Thái Bình, Nam Định. Mỗi xe đều gắn biển ghi rõ nhà xe, điểm đến, chủ phương tiện là người Hải Dương.

Nhiều người nghĩ đây là công việc nhàn hạ vì chủ xe chỉ việc bốc xếp hàng lên xe, chở đến vị trí theo thỏa thuận và thu tiền. Nhưng thực tế công việc này không chỉ vất vả, chịu nhiều thiệt thòi mà còn phải đối diện với không ít rủi ro.

8 giờ sáng một ngày mùa đông, thời tiết se lạnh, hanh hao, đa phần người dân ra đường đều phải mặc áo ấm. Nhưng tại khu vực Quảng trường Thống Nhất, những người hành nghề vận chuyển áo ướt đẫm mồ hôi. Khách hàng nườm nượp chở đủ các loại mặt hàng từ đồ gia dụng, nội thất, máy móc đến lương thực, thực phẩm tới đây.

Những người vận chuyển gần như chẳng được nghỉ ngơi, luôn chân luôn tay bốc xếp hàng hóa lên xe. "Tầm 11 giờ 30 mới là lúc cao điểm. Lúc đó hàng hóa còn đến nhiều hơn nữa. Chân tay mỏi rã rời nhưng muốn nghỉ cũng không được", ông Bùi Văn Thành (57 tuổi) vừa bốc hàng vừa nói với giọng hổn hển.

Anh Nguyễn Văn Hưng (46 tuổi) quê ở xã Đại Đức (Kim Thành) đã có hơn 10 năm làm nghề vận chuyển. Trước kia, anh Hưng là cộng tác viên y tế thôn, sau chuyển sang bán buôn, bán lẻ túi nilon cho các cửa hàng, đại lý ở TP Hải Dương. Mỗi lần anh lên thành phố giao hàng lại có nhiều người gửi hàng hóa về quê.

Có nhiều mặt hàng to nặng, cồng kềnh mà xe của anh là loại 1,5 tấn nên không đủ diện tích để chở. Anh Hưng quyết định dồn tiền mua xe to hơn, chuyển sang làm nghề vận chuyển hàng hóa thuê.

Anh Hưng bảo: "10 năm rồi, chúng tôi làm quần quật suốt ngày, mỗi tuần chỉ được nghỉ một ngày chủ nhật lấy sức, nhiều khi ốm vẫn phải đi làm vì khách gọi nhiều lắm".

Anh Nguyễn Văn Hưng (phải) kiêm thêm việc chuyển tiền thuê và không ít lần phải đền bù vì trả nhầm

Giúp việc cho xe anh Hưng còn có 2 người khác cùng quê. Hằng ngày, anh Hưng và họ dậy từ 4 rưỡi sáng, vệ sinh cá nhân, ăn vội bát cơm rồi lên đường.

Quãng đường từ nhà lên TP Hải Dương chỉ khoảng 40 km nhưng thường mất 2 tiếng mới đến nơi. Trên đường đi, các anh thu tiền hàng từ hôm trước và lại bốc các đơn hàng từ dưới huyện lên thành phố. 7 giờ các anh tiếp tục nhận hàng từ khách mới gửi về huyện.

Câu chuyện giữa tôi và anh Hưng liên tục bị ngắt quãng vì nhiều khách hàng gọi điện đến hoặc mang hàng hóa tới gửi. Anh Hưng cầm trên tay cuốn sổ ghi nhật ký hàng hóa, địa điểm gửi trong khi 2 người cùng làm thường xuyên ở bên thùng xe để chuyển hàng lên. Thi thoảng anh Hưng lại gọi 2 người này đi vào trong phố giúp khách vận chuyển những gói hàng cồng kềnh ra xe.

Cạnh xe của anh Hưng, các xe về huyện Thanh Miện, TP Chí Linh, xe đi Nam Định, Thái Bình... công việc cũng tất bật như thế. Mặt hàng là túi gạo, quả dưa, quả mít thì không thành vấn đề nhưng khi khách mang cuộn dây thép, bao đinh, máy phát điện, máy hàn, đồ nội thất đến thì phải dùng hết sức mới đẩy được hàng lên xe.

Đưa được hàng lên thùng xe, họ còn phải khéo léo phân loại, sắp xếp để vừa bảo đảm an toàn cho các mặt hàng, vừa thuận tiện bốc dỡ khi giao cho khách. Công việc diễn ra liên tục khiến ai cũng mệt nhoài, mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt đen sạm.

11 giờ, anh Hưng chia sẻ đây là lúc để những người làm nghề vận chuyển tranh thủ ăn trưa. Đã đặt trước nên cứ vào thời điểm này, người của quán sẽ mang cơm đến. Chia nhau mỗi người một hộp, các anh vội vã ngồi ăn tại chỗ. Anh Hưng cẩn thận hơn khi mang theo một chiếc ô lớn, dựng tại vỉa hè gần với bờ sông Sặt để anh em ngồi ăn cho đỡ nắng.

"Mưa hay nắng thì cũng phải ngồi đây. Muốn vào chỗ thoáng mát ăn cho ngon nhưng không được. Khách mang hàng đến gửi là anh em lại phải bỏ dở miếng cơm đứng lên làm, xong mới lại ăn tiếp", anh Hưng nói.

Chứng kiến những giọt mồ hôi lăn dài trên gương mặt đen sạm của những người vận chuyển rơi xuống hộp cơm mới thấy nghề này thật vất vả. Anh em ở đây bảo thời tiết này còn dễ chịu chứ vào mùa hè trời oi nóng, ngồi ăn cơm mà mồ hôi chảy như tắm, lắm lúc cảm tưởng như cơm chan đầy mồ hôi.

Có hôm đang ăn trời nổi mưa giông, sấm sét, gió cuộn đầy bụi sạn vào suất cơm. Những lúc như thế họ phải leo lên thùng xe, ca bin ngồi ăn. Lắm lúc mệt mỏi, chẳng muốn ăn nhưng vẫn phải cố nuốt để có sức tiếp tục làm việc.

12 giờ trưa, khi hàng đã chất đầy, các xe rời Quảng trường Thống Nhất đi giao hàng. Trả hàng cho khách xong, anh Hưng về đến nhà cũng 5-6 giờ chiều.

Anh Nguyễn Văn Phúc (37 tuổi) làm cùng xe anh Hưng đã theo nghề được 6 năm nay. Công việc vất vả, bận rộn suốt ngày khiến anh chẳng có thời gian dành cho vợ con.

"Lắm hôm về đến nhà người mệt mỏi rã rời, ăn xong bát cơm là quay ra ngủ không biết gì. Tình cảm vợ chồng, cha con vì thế cũng nhạt nhẽo chẳng được như nhà người ta. Nhiều khi họ hàng có giỗ, có đám cưới không tham gia được cũng bị trách móc. Nhưng vì miếng cơm manh áo nên đành chấp nhận thôi anh", anh Phúc nói.

Những xe vận chuyển hàng hóa thuê tập trung tại một góc Quảng trường Thống Nhất (TP Hải Dương)

Anh Hoàng Ngọc Nam quê ở thị trấn Ninh Giang chuyên chở hàng đi Nam Định năm nay 34 tuổi nhưng nom già hơn cả chục tuổi. Anh Nam chia sẻ: "Cái nghề vất vả nó khiến mình vậy đấy. Hôm nào về tới nhà cũng 9-10 giờ đêm nên chẳng có thời gian mà yêu ai, cũng chưa dám tính đến chuyện lấy vợ".

Méo mặt vì trộm

Quan sát trên người anh Hưng và những chủ xe khác đều đeo một chiếc túi, bên trong đựng cả xấp phong thư. Hỏi ra mới biết đó là tiền. Anh Hưng giải thích, ngoài vận chuyển hàng hóa thông thường, các anh còn nhận chuyển tiền của khách từ huyện lên thành phố và ngược lại.

Các gói tiền ít thì vài trăm nghìn, nhiều lên đến hàng chục triệu đồng. Đồng tiền đi liền khúc ruột nên lúc nào các anh cũng đeo bên mình. Thế mà lắm lúc cũng bị mất, phải đền cho khách.

"Đôi khi nhiều việc, đãng trí nên gửi nhầm cho khách. Người tốt thì trả lại nhưng cũng có người tham lam họ cuỗm luôn. Gọi điện xin tiền trả nhầm thì họ bảo không cầm. Lúc đó chẳng biết làm gì đành ngậm ngùi chấp nhận mất tiền", anh Hưng kể.

Những người vận chuyển còn sợ cả bọn trộm phá khóa. Hơn 10 năm theo nghề, anh Hưng và một số đồng nghiệp nhiều lần bị trộm lấy cắp khi đang trả hàng trên quốc lộ 5 đoạn từ cầu Lai Vu đến Quán Toan. Trộm thường lén lút phá khóa và lấy đi những món đồ có giá trị.

Xe anh Hưng 2 lần bị trộm phá khóa, trong đó có lần mất thùng thuốc Tây trị giá gần chục triệu đồng. Những lần mất hàng, anh đều phải đền trả cho khách.

Anh Hưng than thở: "Méo mặt vì trộm. Nhiều loại hàng hóa trong quá trình vận chuyển còn bị vỡ, hư hỏng cũng phải đền. Chuyện này không hiếm và những người làm nghề như chúng tôi ai cũng đều dính hết".

Trong phim "Người vận chuyển", Frank Martin nhiều lần đối diện hiểm nguy khi bị các thế lực "đen" truy đuổi, gặp tai nạn... Với những người làm nghề vận chuyển ở khu vực Quảng trường Thống Nhất tuy không bị thế lực nào truy đuổi nhưng những tai nạn trên đường ít nhiều đều gặp.

"2 năm trước, khi mở cửa giao hàng tại xã Bình Dân (Kim Thành), một người đi đường không may va phải cửa xe của tôi. Lần đó cũng mất kha khá vì phải đưa họ đi viện điều trị. Nhưng còn may hơn mấy anh em khác, gây tai nạn phải đền cả đống tiền", anh Hưng bộc bạch.

Anh Nam tiết lộ công việc rất vất vả nhưng mỗi chủ xe cũng chỉ có thu nhập khoảng 8-10 triệu đồng/tháng, người phụ việc thì được 4-5 triệu đồng/tháng. Nhiều lần anh tính chuyển sang nghề khác cho đỡ vất vả nhưng vì thấy nhu cầu của bà con lớn nên vẫn cố gắng theo.

BÌNH MINH

(0) Bình luận
Người vận chuyển