Những chiến sĩ "blouse trắng" ở tuyến đầu phòng dịch

21/03/2020 20:09

Họ là những người đang ngày đêm dấn thân vào những nơi nguy hiểm để mang lại cuộc sống bình yên cho người dân...

Những người làm công tác trực tiếp phòng chống dịch bệnh Covid-19 như các y, bác sĩ, điều dưỡng tại các khu vực cách ly hay những người làm công tác dịch tễ, phun khử khuẩn… đang ngày đêm dấn thân vào các khu vực nguy hiểm để mang lại bình yên cho người dân.


Nữ điều dưỡng Vũ Thị Thanh của Trung tâm Y tế huyện Gia Lộc đang hướng dẫn, tuyên truyền cho người cách ly tại trung tâm

Những câu chuyện cảm động

“Mỗi khi có kết quả xét nghiệm âm tính của bệnh nhân là khoảnh khắc chúng tôi vui sướng nhất”, đó là chia sẻ của anh Vũ Tiến Vượng, Trưởng khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh).

Họ vui sướng không chỉ cho bệnh nhân, cho cộng đồng mà họ vui sướng cho chính bản thân và gia đình họ. Anh Công kể mỗi lần có bệnh nhân đến cách ly, toàn bộ ê kíp trực hôm đó phải nín thở chờ kết quả, không ai được về nhà.

Anh Vượng nhớ mãi hình ảnh một giáo viên người Nam Phi đã quỳ xụp xuống đất và chắp tay cầu nguyện thể hiện sự vui sướng khi biết kết quả xét nghiệm của bản thân âm tính.

Trong giai đoạn đầu phòng chống dịch, nhiều y, bác sĩ đều lo lắng vì bỡ ngỡ với dịch bệnh này, nhưng bây giờ họ đã chủ động và thuần thục hơn trong công tác điều trị các bệnh nhân cách ly.

Để bảo đảm an toàn, nhiều y, bác sĩ phải chấp nhận xa con, đưa các con về quê cho ông bà nội ngoại chăm sóc. Chị Đinh Thị Hiền, nhân viên điều dưỡng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh cho biết lịch trực dày đặc, không có thời gian chăm con nên chị đã cho con về quê với ông bà.

Nữ điều dưỡng Lê Thị Mỹ của Trung tâm Y tế Gia Lộc cho biết ngày 25.2 có một bệnh nhân về từ Hàn Quốc có biểu hiện ho, sốt vào cách ly. Cả đêm hôm đó ê kíp trực làm việc thông đêm. Hết ca trực, chị không dám về nhà vì sợ ảnh hưởng đến chồng, con. Có lần về đến nhà, con chạy lại chị còn xua tay không cho con ôm hôn mình. Chưa kể việc không tránh khỏi ánh mắt xa lánh của hàng xóm đối với bản thân.

Nhiều điều dưỡng cho biết áp lực công việc tăng hơn từ khi có dịch Covid-19. Lịch trực dày đặc, xử lý nhiều ca nên lúc nào cũng mệt mỏi. Có điều dưỡng phải trực 14-15 buổi/tháng. Anh Lê Văn Công, Điều dưỡng trưởng, Khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh) cho biết có hôm xong việc, người mệt nhoài, mặc nguyên bộ bảo hộ nằm nghỉ trên ghế. "Có hôm lãnh đạo bệnh viện xuống khoa kiểm tra bắt gặp, tôi nói vui với lãnh đạo rằng mong sao dịch nhanh hết để xin phép lãnh đạo cho nghỉ phép đi du lịch dài dài", anh Công chia sẻ.

Nhiều y, bác sĩ cho biết họ đã áp lực trong công việc điều trị rồi nhưng càng áp lực hơn khi phải kiêm thêm cả việc làm bác sĩ tâm lý. Nhiều người vào cách ly được 1-2 ngày buồn bực nên tự động bỏ về hoặc không làm theo hướng dẫn của ngành y tế. Các y, bác sĩ lại phải nói nhẹ nhàng, khuyên bảo động viên người cách ly.

Các y bác sĩ cũng phải đối mặt với nhiều trường hợp từ nước ngoài về cách ly đòi hỏi cơ sở vật chất quá cao. Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Nguyễn Thế Anh cho biết: "Mọi bức xúc của những người bị cách ly đều trút hết lên đầu chúng tôi. Nhiều người đòi hỏi quá cao về điều kiện cách ly mặc dù bệnh viện đã dành cho họ những phòng tốt nhất. Những trường hợp này chúng tôi lại phải giải thích nhiều lần nhưng họ vẫn tỏ ra khó chịu và không hợp tác”.

Vất vả là vậy nhưng với họ, những chiến binh dũng cảm trên mặt trận dịch bệnh vẫn kiên định, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Nữ điều dưỡng Vũ Thị Thanh của Trung tâm Y tế huyện Gia Lộc thấy vui vì mỗi bệnh nhân đến đây cách ly 14 ngày là một kỷ niệm với chị. Lời cảm ơn của mỗi bệnh nhân ra viện là nguồn động viên rất lớn đối với đội ngũ y, bác sĩ đang căng mình chống lại đại dịch toàn cầu.

Luôn đi trước, về sau


Những người phun thuốc khử khuẩn thường xuyên phải làm việc trong môi trường ô nhiễm của các loại hoá chất

Ngoài các y, bác sĩ phải chăm sóc bệnh nhân cách ly trong cơ sở y tế thì ngoài kia một lực lượng cũng vất vả không kém đó là những người làm công tác dự phòng, dịch tễ.

“Người ta vẫn nói vui với chúng tôi là những người đi trước về sau vì bất kỳ chỗ nào, thời gian nào phát hiện có dịch là chúng tôi phải có mặt kịp thời để làm công tác dịch tễ, phun khử khuẩn, lấy mẫu bệnh phẩm…”, anh Đào Văn Thành, Phó trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm ký sinh trùng - côn trùng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) nói.

Khó khăn nhất với đội ngũ này là nhân lực mỏng, cả trung tâm chỉ có 9 người trong khi phải thực hiện rất nhiều công việc, từ trực tiếp phun khử khuẩn đến lấy mẫu bệnh phẩm, hỏi lịch sử bệnh. Trung tâm chỉ có 2 xe chuyên dụng nên công việc phun khử khuẩn rất vất vả.

Anh Thành cho biết thêm bình thường mỗi chiếc máy phun khử khuẩn đeo trên người nặng khoảng 30 kg, khi máy chạy, áp lực rung có thể lên đến 70 kg trong khi phải mặc bộ bảo hộ kín mít, khó thở. "Ngày 19.3 vừa qua, tại thôn Tiêu Sơn, xã Thanh Giang (Thanh Miện), đội ngũ phun khử khuẩn phải làm việc liên tục từ sáng đến 12 giờ trưa mới được nghỉ. Xong việc, vết hằn khẩu trang vẫn in nguyên trên mỗi khuôn mặt của người làm dịch tễ", anh Thành nói.

Khi được hỏi về chính sách ưu đãi cho lực lượng phòng chống dịch Covid-19, một số y, bác sĩ cho biết những người tham gia trực tiếp phòng dịch được nhận 130.000 đồng/ngày. Ngoài ra lãnh đạo cơ quan cũng quan tâm động viên và thưởng thêm.

THẾ ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những chiến sĩ "blouse trắng" ở tuyến đầu phòng dịch