Phải để người lao động có thời gian nghỉ ngơi

16/07/2019 14:24

Một số quy định tại dự thảo còn thể hiện sự bất bình đẳng giữa các đối tượng lao động và đại biểu Quốc hội nên đặt mình vào vị trí của người bị chi phối bởi bộ luật để xem xét cẩn trọng trước khi thông qua.

Đó là ý kiến của ông Đặng Ngọc Tùng, nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam khi phát biểu tại Hội thảo góp ý cho Bộ luật Lao động (sửa đổi) do Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội phối hợp cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức sáng 16.7, tại TP Hồ Chí Minh

Phải đảm bảo bình đẳng, công bằng cho mọi đối tượng lao động - Ảnh 1.
Ông Đặng Ngọc Tùng nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Theo ông Tùng, một số quy định tại dự thảo còn thể hiện sự bất bình đẳng giữa các đối tượng lao động và mong muốn đại biểu Quốc hội nên đặt mình vào vị trí của người bị chi phối bởi bộ luật, để xem xét cẩn trọng trước khi thông qua. Cụ thể, về thời giờ làm việc của cán bộ công chức đang thực hiện là 40 giờ/tuần nhưng đối với công nhân là 48 giờ/tuần. Mặt khác, khi đến tuổi nghỉ hưu, lương hưu của người lao động (NLĐ) là bình quân mức đóng của cả quá trình tham gia BHXH, trong khi công chức hoặc NLĐ làm việc trong khối doanh nghiệp nhà nước hiện tại là tính bình quân của 10 năm làm việc cuối cùng. "Cho nên, tôi đề xuất kéo giảm giờ làm việc của NLĐ xuống còn 40 hoặc 44 giờ/tuần để họ có thêm thời giờ nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động", ông Tùng đề xuất. 

Đối với phương án tăng khung giờ làm thêm tối đa của dự thảo, ông Tùng cho rằng điều này đi ngược với xu thế của xã hội, đồng thời việc khống chế thời gian khung giờ tối đa theo tháng cũng không hợp lý. Nên quy định thời gian làm thêm giờ tối đa 12 giờ/tuần và tính lương làm thêm theo lũy tiến (có thể 2 giờ đầu tính 150%, 2 giờ sau tính 200% mức tiền lương, tiền công trong ngày).

Ông Tùng cũng kiến nghị không nên tăng tuổi nghỉ hưu đại trà mà chỉ nên áp dụng đối với một số đối tượng lao động như cán bộ công chức hoặc người làm việc ở một số ngành nghề nhất định để tránh thiệt thòi cho NLĐ. "Tăng tuổi nghỉ hưu là xu thế của thế giới khi tuổi thọ NLĐ ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, ở Việt Nam đa số lao động làm việc tay chân, chất lượng cuộc sống chưa đảm bảo nên đến 60, 62 tuổi họ không còn đủ sức khỏe làm việc", ông Tùng phân tích.

Tại hội thảo, ý kiến của ông Tùng được hầu hết các đại biểu đồng tình. Bên cạnh đó, các đại biểu còn góp nhiều ý kiến liên quan đến quy định về: hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động, tiền lương, đình công, chế độ đối với lao động nữ…


Theo Người lao động

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phải để người lao động có thời gian nghỉ ngơi