Vất vả làm truyền hình trực tiếp

21/06/2020 17:35

Sản xuất chương trình truyền hình trực tiếp thường vất vả hơn so với chương trình truyền hình thông thường bởi những đặc thù riêng có.

Cán bộ, phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh thực hiện truyền hình trực tiếp phiên khai mạc Đại hội Đảng bộ TP Hải Dương lần thứ XXIII 

Người ướt chứ không để máy ướt

Nếu sản xuất chương trình truyền hình thông thường khi thấy một số công đoạn chưa đạt yêu cầu có thể chỉnh sửa, làm lại thì truyền hình trực tiếp (THTT) không được như vậy vì sự kiện đang diễn ra được truyền tải ngay đến công chúng. Chia sẻ với chúng tôi, phóng viên Nguyễn Đức Thiêm, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh cho biết để THTT phiên khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hải Dương lần thứ XXIII nhiệm kỳ 2020-2025, ê-kíp phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai trước đó hơn 1 tuần. Gần đến ngày khai mạc, phát sinh tình huống do cổng Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh vừa được cải tạo không đủ độ cao cho xe truyền hình lưu động đi vào. Bộ phận kỹ thuật lại phải tìm biện pháp khắc phục, bảo đảm chất lượng tín hiệu trong điều kiện xe truyền hình lưu động phải đỗ tận đường Hồng Quang, cách xa hội trường. Trước 1 ngày diễn ra khai mạc, những người làm chương trình phải thử sóng tại nơi diễn ra sự kiện, sáng hôm sau cũng phải đến sớm để kiểm tra lại một lần nữa toàn bộ máy móc. “Ê-kíp thực hiện hôm đó có trên 10 người. 2 phóng viên quay phim mới làm chương trình THTT, chưa có nhiều kinh nghiệm nên tôi phải vất vả hơn để hướng dẫn anh em. Vì không vào được trong hội trường nên tôi nhắc anh em quay phim qua bộ đàm”, anh Thiêm cho biết.

Như thường lệ, chương trình nghệ thuật Chào Xuân Canh Tý 2020 và màn pháo hoa đón giao thừa tại khu vực hồ Bạch Đằng được THTT. Toàn bộ ê-kíp của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phải chuẩn bị khoảng nửa tháng với nhiều công đoạn như xây dựng kế hoạch, kịch bản chi tiết, chuẩn bị nhân lực, vật lực đến khi chạy thử... Đạo diễn Nguyễn Đức Hoàn nhớ lại hôm làm chương trình này gặp lúc trời mưa to nên ê-kíp phải nhanh chóng tìm mọi vật dụng có thể để che chắn cho máy móc. Lúc đó mọi người đều xác định người có thể ướt chứ không để máy ướt. 

Làm THTT tốn nhiều công sức, có chương trình phải 1-2 lần chạy thử. THTT là sản phẩm tập thể nên đòi hỏi từng vị trí phải phối hợp với nhau ăn ý, nhịp nhàng. Chỉ cần một vị trí sao nhãng là sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ chương trình. Do đó người làm phải có chuyên môn tốt, có trách nhiệm và tâm huyết. 

Có kinh nghiệm làm THTT nhiều năm qua, anh Thiêm cho rằng vất vả nhất là THTT các giải thể thao. Để làm chương trình này phóng viên phải có đủ sức khỏe để vác máy quay, di chuyển qua nhiều vị trí để bắt kịp các khuôn hình đẹp nhất. “Trong môi trường làm việc đông người, có lúc phải chen lấn, xô đẩy để có khuôn hình ưng ý”, anh Thiêm nói.

Trong điều kiện thời tiết không thuận lợi như nắng nóng, mưa rét thì người làm chương trình THTT gặp không ít vất vả. Chưa kể mỗi chương trình, ê kíp phải đến hiện trường trước ít nhất 1 giờ. Nhiều phóng viên đến nơi là bắt tay ngay vào công việc không kịp ăn uống gì. Nhiều khi kết thúc chương trình đã 11-12 giờ đêm nên bụng đói meo. Không kém phần vất vả là bộ phận truyền dẫn phát sóng tại đài. Bộ phận này phải thường trực để khớp chuẩn thời gian lên sóng và trả sóng.

Thiết bị chưa đồng bộ 

Mỗi năm, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh sản xuất 10-15 chương trình THTT. Tuỳ vào từng sự kiện, mỗi ê-kíp thực hiện chương trình THTT có từ 25-30 người gồm tổng đạo diễn, đạo diễn, chỉ đạo nội dung, chỉ đạo sản xuất, thư ký, trợ lý, xây dựng kịch bản, biên tập viên, bộ phận kỹ thuật... Công việc vất vả là vậy nhưng những người làm chương trình THTT của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh vẫn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. 

5 năm trước, hệ thống trang thiết bị máy móc, xe lưu động phục vụ làm THTT còn lạc hậu, thiếu đồng bộ dẫn đến chất lượng hình ảnh, âm thanh cũng như tác nghiệp gặp khó khăn. Từ năm 2015, tỉnh đã quan tâm đầu tư hơn 30 tỷ đồng để mua trang thiết bị kỹ thuật hiện đại gồm xe truyền hình lưu động theo công nghệ HD, hệ thống máy quay hiện đại, các trang thiết bị đi kèm có tính đồng bộ cao. Phóng viên, biên tập viên được lãnh đạo đài quan tâm cử đi tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn; phối hợp với các hãng cung cấp thiết bị tập huấn kỹ thuật máy quay tại đài; tăng cường giao lưu với các đài tỉnh bạn để học hỏi kinh nghiệm. Anh Nguyễn Đức Hoàn cho rằng hệ thống xe truyền hình lưu động đã được đầu tư theo công nghệ HD nhưng hệ thống máy móc ở đài chưa được nâng cấp toàn diện để đồng bộ với các thiết bị mới. Ngoài ra, một số thiết bị trên xe cũng cần bảo dưỡng, sửa chữa, bổ sung.

THẾ ANH

(0) Bình luận
Vất vả làm truyền hình trực tiếp