Giữ nếp hội làng trong phố

18/04/2021 21:28

Ở TP Hải Dương, có những lễ hội truyền thống đã hai năm liền không thể tổ chức do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhưng hội làng vẫn luôn trong tâm thức mỗi người dân và họ vẫn nhắc nhau nhớ về việc giữ nếp hội làng.


Tục đuổi bệt là một trong những lệ hiếm còn lưu giữ ở lễ hội đền, đình Sượt

Lật giở từng bức ảnh tư liệu ghi lại không khí sôi động của hội đình, đền, chùa Bảo Sài (phường Phạm Ngũ Lão), ông Nguyễn Hữu Nhật, thành viên Ban Quản lý (BQL) di tích cho biết dù nằm trong khuôn viên phố phường chật hẹp nhưng hội đình, đền, chùa Bảo Sài năm nào cũng được tổ chức. Đặc biệt, lễ rước vẫn được duy trì tổ chức 5 năm một lần. Thực hiện nghi lễ rước cần có sự tham gia của cả trăm người, đặc biệt đội rước kiệu phải là thanh niên trai tráng. Cứ đến ngày hội, dù đi làm ăn ở xa nhưng thanh niên trai tráng lại rủ nhau về. Theo lịch năm 2020, hội đình, đền, chùa Bảo Sài sẽ có nghi thức rước nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, lễ hội không thể tổ chức.

"Đến nay là 6 năm không thể tổ chức lễ rước, chúng tôi cũng thấy thiếu, thấy nhớ. Mỗi mùa lễ hội mà tổ chức rước là vui lắm. Giữa không gian phố phường, kiệu lần lượt đi qua các tuyến phố Bình Minh, Trương Mỹ, Lê Chân, Lê Thanh Nghị... Nơi nào đoàn rước đi qua người dân cũng háo hức dõi theo đến đó”, ông Nhật nói.

Đình Bảo Sài thờ Trương Mỹ, một vị tướng có công đánh đuổi giặc ngoại xâm thời Hai Bà Trưng. Đền Bảo Sài còn có tên là Thanh Hư Động thờ công chúa Tiên Dung, con gái Hùng Vương thứ 18. Trước đây, lễ hội đình, đền, chùa Bảo Sài được người dân tổ chức vào ngày 10.3 âm lịch, cùng với ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, sau được chuyển sang ngày 10.2 âm lịch, được cho là ngày sinh của tướng Trương Mỹ. Lễ hội truyền thống được tổ chức trong hai ngày 10 và 11.2 âm lịch hằng năm.

Mỗi mùa lễ hội, người dân trong khu phố lại náo nức chuẩn bị các nghi lễ, cỗ lệ dâng thánh và thắp hương tưởng nhớ công chúa Tiên Dung. Ngoài phần lễ, phần hội còn có các trò chơi dân gian như đua thuyền, cờ tướng, cờ người, đấu vật… 

Còn với lễ hội đền, đình Sượt thì năm 2020 đánh dấu mốc đáng nhớ khi lễ hội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ông Trần Xuân Thịnh, Thường trực BQL di tích kể như một niềm tự hào khi mùa lễ hội nào cũng quy tụ được cả nghìn người dân tham gia. Nằm ở vị trí có tốc độ đô thị hóa nhanh, đặc thù có nhiều dân ngụ cư, những tưởng lễ hội sẽ dần mai một, nhưng ngược lại, nhiều hoạt động còn được mở rộng hơn trước kia. Đền, đình Sượt thờ Đại vương Vũ Hựu, người có công giúp vua Lê Chiêu Tông đánh đuổi quân Ai Lao và quân Chiêm Thành xâm lược. Ông sinh ra và lớn lên ở thôn Thanh Cương (nay là khu 2, 3 và 4, phường Thanh Bình). Khi mất, ông được vua Lê truy phong Đại vương và phong làm Thượng đẳng phúc thần. Lễ hội đền, đình Sượt có nhiều nghi thức độc đáo, quá trình gìn giữ các nghi thức cũng lắm thăng trầm theo những biến động của xã hội. Đến nay, hầu hết các tục đã được phục dựng, đáng quý là trong không gian phố thị thì những tục như cất rượu Hoàng Tửu, mổ lợn… để dâng lên tế thánh vẫn do tự tay người dân làm.

Ở hội đền, đình Sượt có tục đuổi bệt (bắt hùm) là một trong những lệ hiếm. Theo sự tích, hồi vua Lê Chiêu Tông, giặc Chiêm Thành xâm lược bờ cõi nước ta. Lúc này, vua Lê mời Vũ Hựu về triều cầm quân đánh giặc. Ông vâng lệnh vua, chiêu mộ binh sĩ trong vùng rồi chuẩn bị lên đường thì có con hùm lớn về quấy phá dân làng Thanh Cương. Ông đã tổ chức cho quân lính đánh hùm để cứu dân làng. Khi hùm bị giết, ông cho tướng sĩ làm thịt tế trời. Từ sự tích ấy, tục đuổi bệt được người dân tái hiện mỗi dịp đại lễ hội làng (5 năm một lần) như một hình thức tưởng nhớ công lao Đại vương Vũ Hựu.

Theo ông Thịnh, lễ hội năm nào cũng tổ chức nhưng một số tục thì chỉ đại lễ 5 năm mới thực hiện được bởi các quy định đòi hỏi rất nghiêm ngặt. Đơn cử để tổ chức đuổi bệt, phải huy động từ 90-100 người, đáp ứng đủ các tiêu chí: trai đinh từ 18 - 54 tuổi là người đức độ, khỏe mạnh, gia đình năm đó không có tang, được làng tín nhiệm, phải kiêng kị trước 45 ngày không sát sinh, không làm điều ác… Nghiêm ngặt như thế nên phải tổ chức cách quãng để duy trì tập tục đúng nghi thức truyền thống, truyền lại cho thế hệ mai sau.

Ở TP Hải Dương còn một số lễ hội như lễ hội đình Đinh Văn Tả (phường Quang Trung), đình Đồng Niên (phường Việt Hòa)… còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống. Mỗi lễ hội mang một bản sắc riêng nhưng đều hướng tới bảo tồn những giá trị tốt đẹp của cha ông. Giữa phố thị mà người dân vẫn giữ gìn được những tập tục, tín ngưỡng dân gian, đặc biệt giữ nếp lễ hội theo phong tục xưa thì quả là một điều đáng quý.

HUYỀN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giữ nếp hội làng trong phố