Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão

02/07/2019 11:33

Sáng 2.7, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh có công điện khẩn về việc chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.


Đường đi của áp thấp nhiệt đới

Theo Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh, chiều 1.7, vùng áp thấp trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ).

Hồi 1 giờ ngày 2.7, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 18,2 độ vĩ bắc, 113,0 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 190 km về phía bắc đông bắc và di chuyển theo hướng tây tây bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, ATNĐ di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và tiếp tục có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 1 giờ ngày 4.7, vị trí tâm bão ở khoảng 20,9 độ vĩ bắc, 107,8 độ kinh đông, trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Ninh - Nam Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 11. 

Đây là ATNĐ đầu mùa diễn ra trong điều kiện thời tiết phức tạp sau đợt nắng nóng kéo dài, khả năng kèm theo mưa lớn và dông, lốc cực đoan. Từ đêm ngày 1 - 4.7, do ảnh hưởng của hai hình thế gây mưa (rãnh thấp nối với ATNĐ) nên khu vực tỉnh Hải Dương sẽ xảy ra 1 đợt mưa diện rộng kèm theo dông, sét. Tổng lượng mưa cả đợt khoảng từ 100-200 mm.

Để chủ động ứng phó với các tình huống do ATNĐ gây ra, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các huyện, thành phố và các sở, ngành liên quan thực hiện ngay các nhiệm vụ cấp bách. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, ATNĐ, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động các biện pháp phòng, tránh phù hợp, bảo đảm an toàn cho người, tài sản và sản xuất. Đặc biệt là diện tích lúa mới cấy, cây rau màu ở các vùng thấp, trũng và các khu vực nuôi trồng thủy sản tập trung, các cơ sở nuôi cá lồng trên sông, các công trình, nhà cửa ở khu vực xung yếu.

Kiểm tra các công trình đê điều, thủy lợi, hồ đập, đặc biệt là các trọng điểm chống lụt bão, các vị trí công trình đê điều, bãi sông đang bị sạt lở chưa được xử lý, các vị trí xung yếu trên hệ thống bờ kênh trục Bắc Hưng Hải, công trình thủy lợi nội đồng, các công trình còn đang thi công để có giải pháp ứng phó phù hợp, kịp thời bảo đảm yêu cầu phòng chống bão, mưa, lũ, úng ngập.

Các Công ty: TNHH một thành viên Khai thác công trình thuỷ lợi tỉnh, TNHH một thành viên Khai thác công trình thuỷ lợi Bắc Hưng Hải, CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các huyện, thành phố thực hiện phương án phòng, chống úng. TP Hải Dương chủ động thực hiện phương án chống úng nội đô. Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương chủ động kiểm tra hệ thống công trình điện, có phương án ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm để phục vụ tiêu úng theo yêu cầu.

TP Chí Linh, huyện Kinh Môn kiểm tra, rà soát, cảnh báo các khu vực trọng điểm về lũ quét, sạt lở đất, triển khai phương án phòng chống lũ quét, sạt lở đất; phương án bảo đảm an toàn cho hồ đập và các khu vực mỏ khai thác đá, đất sét trên địa bàn.

Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa, bão, báo cáo kịp thời với lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, lãnh đạo UBND các huyện, thành phố để chủ động chỉ huy, chỉ đạo công tác đối phó, khắc phục hậu quả. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hải Dương, các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường thời lượng phát sóng; thường xuyên thông tin diễn biến tình hình mưa, ATNĐ, úng ngập; làm tốt công tác thông tin truyền thông để các cấp, các ngành và nhân dân chủ động phòng tránh.

Các đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, ATNĐ, bão, ngập úng để xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra. Chấp hành nghiêm chế độ báo cáo theo quy định.

             PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão